(TNO) Bóng đá châu Á đã trải qua năm 2013 đầy bận rộn với nhiều sự kiện đáng nhớ. Hãy cùng nhìn lại những gì đã qua khi năm 2014 đến gần.
>> VL World Cup 2014 khu vực châu Á: Ưu thế Đông Á
>> Nhiều “ông lớn” châu Âu chuẩn bị hủy du đấu ở Thái Lan
>> Quang Hải có tên trong đội hình tiêu biểu châu Á tháng 7
|
Tháng 9 năm nay, tiếng súng vẫn nổ trên đường phố Kabul của Afghanistan nhưng cũng có một lần, niềm vui đã vỡ òa khi quốc gia này đã gây sự chú ý trên thế giới, không phải bằng xung đột quân sự mà là sự kiện đội tuyển bóng đá của họ trở thành nhà vô địch của bóng đá Nam Á. Đây là một câu chuyện vui hiếm hoi đối với Afghanistan.
Thành quả đó không phải là cú sốc, như một số tờ báo quốc tế nhận định. Bởi lẽ, Afghanistan từng lọt vào chung kết giải bóng đá diễn ra 2 năm một lần này vào năm 2011. Năm đó, họ thua Ấn Độ. Cuộc báo thù tại giải năm nay thật ngọt ngào khi họ chiến thắng với tỷ số 2-0. Hàng chục ngàn người đã ăn mừng chiến thắng ở Kabul và đích thân Tổng thống Hamid Karzai đã đón và chúc mừng đội tuyển quốc gia của mình.
Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) là Shaikh Salman bin Ebrahim Al Khalifa nhận định: “Thành công của Afghanistan tại Nam Á là lời cảnh báo cho các ứng viên khao khát chức vô địch AFC Challenge Cup 2014. Họ đã chứng tỏ dũng khí của mình ở đấu trường khu vực và hứa hẹn sẽ là một trong những ứng viên vô địch”.
Tháng 5 năm nay, ông Salman nổi bật trên giới truyền thông quốc tế khi là người chiến thắng áp đảo trong cuộc đua đến ghế Chủ tịch AFC trước các ứng viên nặng kí là Yousef Al Serkal (Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất) và Worawi Makudi (Thái Lan).
Sự kiện này cũng kết thúc những chuyện bất ổn trong cơ quan quản lí bóng đá cao nhất châu Á sau khi ông Mohamed bin Hammam bị đình chỉ chức vụ vào tháng 5-2011 vì nghi án mua phiếu bầu.
AFC cũng có những thay đổi lớn khác. Được sự hậu thuẫn của Ali Al Bin Hussein (người Jordan), Phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA, giải Champions League châu Á đã mở rộng qui mô. Theo đó, số quốc gia tham dự giải đấu đẳng cấp cao dành cho các câu lạc bộ bóng đá trong châu lục đã tăng từ 10 lên 19 đội trong năm 2014. Điều đó cho phép những cái tên như Hong Kong (Trung Quốc), Bahrain, Oman và Jordan tham gia.
|
Năm qua, Jordan cũng gây sự chú ý khi suýt nữa lọt vào Vòng chung kết World Cup 2014 nếu không để thua trong loạt trận playoff trước Uruguay (thua 0-5 trên sân nhà và sau đó là hòa không bàn thắng trên sân khách).
Thất bại này khiến châu Á còn 4 đội đoạt vé đi Brazil vào năm tới. Nhật Bản là đội thi đấu ấn tượng nhất và có lẽ là duy nhất. Họ đã có được suất World Cup bằng trận hòa 1-1 với Úc. Đây cũng chính là thành tích ấn tượng nhất của đội bóng xứ Kangaroo và họ phải chờ đến hồi còi kết thúc trận cuối để chắc chắn mình qua vòng loại.
Dù có vé dự vòng chung kết World Cup năm tới nhưng huấn luyện viên trưởng Holger Osieck vẫn bị sa thải vì thành tích tồi tàn của tuyển Úc ở các trận giao hữu. Vị trí này được thay bằng ông Ang Postecoglou, huấn luyện viên trong nước.
Iran loạng choạng trong chiến dịch giành vé đi Brazil nhưng rốt cuộc cũng đạt mục đích bằng 3 thắng lợi ở 3 trận cuối trong đó có chiến thắng 1-0 trước Hàn Quốc. Đội tuyển xứ kim chi cũng có thành công thứ 8 liên tục ở World Cup nhưng không hề suông sẻ. Sau chiến dịch vòng loại, huấn luyện viên Choi Kang-hee của tuyển Hàn Quốc đã từ chức và được thay bằng cựu cầu thủ huyền thoại của nước này là Hong Myong-bo.
Tại vòng chung kết World Cup năm tới, Úc nằm ở bảng ác mộng, chung với Tây Ban Nha, Hà Lan, Chile. Nhật đối mặt với Colombia, Bờ biển Ngà và Hi Lạp. Iran chung bảng với Argentina, Bosnia và Nigeria trong khi Hàn Quốc tương đối vui vẻ với Bỉ, Algeria và Nga.
|
Ở bóng đá cấp câu lạc bộ, Guangzhou Evergrande nổi bật nhất trở thành đội bóng Trung Quốc lần đầu vô địch Champions League châu Á. Ông Marcello Lippi cũng là huấn luyện viên đầu tiên đoạt cúp vô địch giải đấu danh giá nhất châu Á lẫn châu Âu.
Guangzhou Evergrande thua cả 2 trận ở Cúp thế giới các câu lạc bộ (do FIFA tổ chức) vào tháng 12 năm nay nhưng đội trưởng Zheng Zhi đã đoạt danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất châu Á năm 2013 (giải của AFC) trong khi đồng đội Dario Conca là chủ nhân của giải Cầu thủ nước ngoài xuất sắc nhất châu Á.
Việc xuất khẩu cầu thủ của châu Á sang châu Âu cũng có những điều đáng nhớ. Tháng 5.2013, Shinji Kagawa cùng các đồng đội ở Manchester United (M.U) đoạt chức vô địch giải Ngoại hạng Anh. Tuy nhiên, anh cũng khá chật vật để có thời gian thi đấu nhiều hơn ở mùa bóng thứ hai của mình cùng Quỷ đỏ dưới triều đại của David Moyes.
Cựu ngôi sao M.U là Park Ji-sung nếm nỗi buồn khi xuống hạng cùng QPR trước khi sang PSV Eindhoven. Son Heung-min, đồng hương Hàn Quốc của anh thì lại là ngôi sao ở Bundesliga và đã về với Bayern Leverkusen đang trong cuộc đua đến chức vô địch với giá 15 triệu USD. Cũng trong tháng 12 này, Keisuke Honda đã về với AC Milan. Đó là một đoạt kết đẹp khác cho chuỗi 12 tháng đầy thú vị dành cho người hâm mộ bóng đá châu Á.
Quốc Huy
Bình luận (0)