Một năm 'bội thu' vốn ngoại

Nguyên Nga
Nguyên Nga
28/12/2023 06:35 GMT+7

Trái với lo ngại về diễn biến sụt giảm trong những tháng đầu năm, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của VN có sự phục hồi ngoạn mục. Ước tính cả năm, thu hút vốn FDI đạt hơn 36,6 tỉ USD, tăng hơn 32% so với năm ngoái.

Đón loạt đại bàng đến làm tổ

Tháng cuối cùng của năm 2023 chứng kiến nhiều dự án lớn tiếp tục đổ vào VN. Cụ thể, tại Diễn đàn Kinh tế VN - Nhật Bản thuộc khuôn khổ chuyến công tác tại Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từ ngày 15 - 18.12, ông Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án nhà máy điện khí LNG cho liên danh 3 nhà đầu tư gồm Công ty Tokyo Gas, Công ty Điện lực Bắc Kyuden (Nhật Bản) và Tập đoàn Trường Thành (VN). Dự án có tổng vốn đầu tư 1,99 tỉ USD với công suất 1.500 MW và là dự án FDI lớn nhất tại Thái Bình từ trước đến nay.

Cũng tại sự kiện này, nhiều thỏa thuận hợp tác phát triển trong cung ứng nguồn lao động, nghiên cứu năng lượng sạch, kinh tế tuần hoàn… giữa các nhà đầu tư Nhật Bản như Marubeni, Nippon Sanso, Mitsubishi, Aeon Mall, Yamato Holdings… với các công ty lớn trong nước đã được ký kết.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài mở rộng đầu tư tại VN trong năm nayẢnh: Đỗ Trường

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài mở rộng đầu tư tại VN trong năm nay

ĐỖ TRƯỜNG

Cũng khoảng 1 tuần trước, UBND tỉnh Nghệ An đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trị giá 120 triệu USD cho dự án nhà máy Radiant Opto - Electronics Việt Nam (Đài Loan), chuyên thiết kế sản phẩm linh kiện điện tử, bao gồm mô đun đèn nền, tấm dẫn hướng ánh sáng… Năm nay, Nghệ An nổi bật trên bản đồ thu hút vốn FDI cả nước với sự đổ bộ của hàng loạt "đại bàng" công nghệ như Goertek, Luxshare - ICT, Foxconn, Runergy… Kết năm, tỉnh này đạt 1,6 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài, cao nhất kể từ trước tới nay và lọt vào top đầu các địa phương thu hút vốn.

Hơn 1 tháng trước đó, nhà sản xuất của Apple là Luxshare - ICT quyết định chi thêm hơn 330 triệu USD để nâng tổng vốn đầu tư cho nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại Bắc Giang lên 504 triệu USD. Ngoài Luxshare, địa phương này cũng đã có nhà máy của Foxconn, Hana Micron… đều là những nhà sản xuất cung ứng quan trọng của "nhà Táo". Bắc Giang vài năm nay trở thành địa chỉ cho các "ông lớn" công nghệ trong xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất cung ứng về VN.

Thông tin mới nhất cho biết Hana Micron, nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, đang có kế hoạch nâng vốn đầu tư tại VN từ 600 triệu USD lên 1 tỉ USD vào năm 2025. Bắc Giang cũng vừa ký biên bản ghi nhớ dự án đầu tư trung tâm thương mại Aeon (Nhật Bản) với số vốn đầu tư khoảng 250 triệu USD.

Theo Nikkei Asia mới đây, Apple còn đang hợp tác với đơn vị lắp ráp iPad BYD của Trung Quốc để chuyển nguồn lực phát triển sản phẩm (NPI) iPad sang VN. Quyết định này được đánh giá là bước đi quan trọng của Apple, qua đó cũng giúp củng cố vị thế của VN như một trung tâm sản xuất mới. Đây là lần đầu tiên Apple chuyển nguồn lực NPI sang VN cho một thiết bị cốt lõi như iPad và dự kiến việc sản xuất thử nghiệm mẫu iPad mới sẽ bắt đầu vào giữa tháng 2.2024.

Apple hiện là nhà sản xuất máy tính bảng lớn nhất thế giới, chiếm hơn 36% thị phần, mà 10% trong tổng số iPad của "nhà Táo" được lắp ráp tại VN trong năm nay. Chính vì thế, Nikkei Asia đánh giá VN đang nổi lên như một trung tâm sản xuất công nghệ quan trọng nhất của Apple bên ngoài Trung Quốc. Ngoại trừ iPhone, Apple muốn sản xuất tất cả sản phẩm từ AirPods, MacBook, đồng hồ thông minh và iPad tại VN.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào sản xuất công nghệ cao là điểm sáng năm 2023 của Việt Nam ẢNH: THÙY LINH

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào sản xuất công nghệ cao là điểm sáng năm 2023 của Việt Nam

THÙY LINH

Đáng nói, giải ngân vốn FDI năm nay cũng đạt kỷ lục với hơn 23 tỉ USD. Có thể kể ra như dự án bán dẫn của Amkor (Hàn Quốc) trị giá 1,6 tỉ USD đã được đưa vào hoạt động; nhà máy Lego (Đan Mạch), sau 1 năm xây dựng, vừa công bố tăng vốn điều lệ thêm 160 triệu USD… Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, thiết bị điện tử, năng lượng tái tạo… tiếp tục mở rộng, đầu tư mới vào VN trong tương lai gần.

Từ dệt may da giày đến khát vọng cứ địa bán dẫn của thế giới

Quan trọng hơn nữa là vốn FDI vào VN đang đi đúng theo chủ trương, định hướng của Chính phủ là chuyển từ các ngành thâm dụng lao động sang thâm dụng chất xám.

Khát vọng về ngành công nghiệp bán dẫn được thổi bùng từ chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới VN vào tháng 9.2023 và hai nước chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Đôi bên cùng nhấn mạnh việc coi đổi mới sáng tạo và công nghệ cao, trong đó có chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), là trọng tâm hợp tác trong thời gian tới. Chỉ ít ngày sau chuyến thăm VN của Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến công du tới Mỹ để tham dự tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng cũng đến thăm trụ sở Nvidia, mời tỉ phú Jensen Huang (Chủ tịch, Tổng giám đốc Nvidia) tới VN.

Đáp lại lời mời của Thủ tướng, hơn 2 tháng sau, Chủ tịch Nvidia đã đến VN nhằm thảo luận về việc hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, AI. Người được mệnh danh là "phù thủy AI" khẳng định "sẽ biến VN thành quê hương thứ hai của Nvidia".

Một năm 'bội thu' vốn ngoại- Ảnh 3.

Bảo Nguyễn

Cái tên VN được nêu trong các bài báo quốc tế về công nghệ bán dẫn càng dồn dập hơn khi đầu tháng 12, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA), ông John Neuffer, lần thứ hai quay lại VN cùng các nhà lãnh đạo cao cấp của những tên tuổi lớn trong ngành bán dẫn và công nghệ cao ở Mỹ, từ Intel, Qualcomm, Ampere, ARM, Synopsys, Infineon, Marvell…

Tại buổi làm việc với Bộ KH-ĐT, Chủ tịch SIA khẳng định cơ hội để VN "phát triển dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu". Ông cũng cho biết nhiều khoản đầu tư đã được các thành viên của SIA thực hiện tại VN và dự báo sẽ có nhà đầu tư mở rộng, tăng gấp đôi các khoản đầu tư cũ.

Trong những tên tuổi lớn kể trên, Ampere đã có các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), đầu tư tại VN từ 5 năm trước; Marvell sau 10 năm có mặt tại VN đã tuyên bố sẽ thành lập trung tâm thiết kế vi mạch tại TP.HCM trong 3 - 5 năm tới; Intel đến nay đã đầu tư 1,5 tỉ USD để xây dựng nhà máy chip bán dẫn, nhà máy lắp ráp và kiểm định chip bán dẫn lớn nhất toàn cầu của tập đoàn. Không chỉ Mỹ, Hàn Quốc cũng có những dự án tỉ USD tại VN trong ngành này như Amkor hay Hana Micron mới đi vào hoạt động từ tháng 10. Cùng với Applied Micro, Synopsys, NXP Semiconductors, Hanmi Semiconductor… các nhà đầu tư đã đặt những viên gạch đầu tiên mang tên VN trên thị trường bán dẫn - thị trường được dự báo có quy mô 1.000 tỉ USD đến năm 2030.

GS Đặng Lương Mô, nhà khoa học thế giới về lĩnh vực vi mạch, người đặt nền tảng cho đào tạo ngành công nghệ vi mạch VN từ 20 năm trước, bày tỏ niềm vui khi thấy rất nhiều dự án bán dẫn, vi mạch đang tìm đến VN. Trong liên minh 4 tên tuổi mạnh nhất thế giới về vi mạch gồm Mỹ - Nhật - Hà Lan - Đài Loan, đến nay, nhiều nhà đầu tư lớn của 3/4 gương mặt này đã hiện diện tại VN.

"Nhà chế tạo thiết bị sản xuất vi mạch ASML của Hà Lan cũng có đến VN tìm hiểu. ASML được biết đến là nhà hoạt động kinh doanh bán dẫn nhưng có ảnh hưởng lớn đến ngành chip toàn cầu bởi họ chế tạo thiết bị, không chỉ sản xuất mà thôi. Chúng ta bắt đầu ngành này với những sản phẩm thông thường, từng bước đi lên. Nếu với tốc độ như hiện nay, thêm các nhà đầu tư lớn nữa, hy vọng VN sẽ ghi danh, tạo bước đột phá trong ngành bán dẫn", GS Đặng Lương Mô nói.

Thu hút 36,6 tỉ USD vốn FDI, giải ngân kỷ lục

Cập nhật số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài công bố cho thấy tính đến ngày 20.12.2023, thu hút FDI của cả nước tăng khá ngoạn mục, gần 36,61 tỉ USD vốn đăng ký, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 23,18 tỉ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Đây là mức giải ngân kỷ lục kể từ trước tới nay. Đặc biệt, trong tổng vốn đăng ký hơn 36,6 tỉ USD nói trên, vốn đăng ký mới đạt gần 20,2 tỉ USD, tăng hơn 62% so với cùng kỳ. Số dự án đăng ký mới cũng tăng 56,6%. Như vậy, cả dự án mới và vốn đăng ký mới đều tăng mạnh trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu giảm.

Nhận xét về tình hình thu hút FDI, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng việc vốn giải ngân tăng so với cùng kỳ đã cho thấy sự đồng hành rất cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc chủ động tiếp cận, nắm bắt, tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả. Vốn đăng ký mới tăng mạnh cho thấy VN là điểm đến an toàn, nhà đầu tư đánh giá cao môi trường đầu tư nên đã tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.

Không bất ngờ với thành quả thu hút FDI mang lại trong năm nay bởi những gì đang diễn ra là "đúng tinh thần Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị", PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Viện Thương mại và kinh tế quốc tế) nhận xét dù dòng vốn đầu tư toàn cầu vẫn trong xu thế chậm lại, nhưng VN đang tiếp tục có lợi thế và tiềm năng rất lớn để thu hút vốn FDI, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ 4.0. Điều này cho thấy tính hấp dẫn, độ an toàn lớn của môi trường đầu tư tại VN. Chính sách thu hút đầu tư của VN rõ ràng đang ưu tiên ngành công nghệ. Đây là nền tảng quan trọng để nhà đầu tư đoán định chiến lược ưu tiên thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ mũi nhọn thế nào.

"Gần 37 tỉ USD vốn ngoại trong thời buổi này là con số biết nói. Điều này cho thấy lòng tin của nhà đầu tư vào VN tăng trở lại, sau sự chùng xuống của quý 1 và 2 đáng lo ngại. Vượt qua giai đoạn này, nền kinh tế VN, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phát triển công nghệ bán dẫn có khả năng bùng nổ. Chính vì thế nếu tăng đầu tư từ khi nền kinh tế đang phục hồi là sự lựa chọn tối ưu. Bên cạnh đó, việc ký kết nhiều hiệp định thương mại đang tạo lợi thế cao cho VN khi kết nối với các nhà đầu tư nước ngoài để xuất khẩu. Việc VN tuân thủ cam kết thuế tối thiểu toàn cầu, giảm chỉ số phát thải còn cho thấy VN có đủ năng lực để tuân thủ cam kết quốc tế với quyết tâm rất cao", PGS-TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh.

Còn rất nhiều việc phải làm

So với giai đoạn trước, những gì đang diễn ra với ngành công nghiệp bán dẫn ở VN có những tín hiệu rất lạc quan, nhanh và có hiệu quả. Vấn đề của chúng ta là phải cấp tập đầu tư đào tạo nhân sự cho ngành này. Chiến lược đào tạo đã có, con số bao nhiêu kỹ sư đáp ứng cho ngành cũng đã được đưa ra, tức là về vĩ mô rất rõ ràng. Bây giờ không nói nữa, xắn tay vào, ai đâu việc đó. Nền công nghiệp bán dẫn còn dài ở phía trước, rất nhiều việc để làm. Chúng ta muốn thu hút các dự án tỉ đô thì ngoài lợi thế đất hiếm, đào tạo nhân sự có tay nghề, quỹ đất sạch, thủ tục nhanh gọn… là những mấu chốt của vấn đề.

GS Đặng Lương Mô

TP.HCM dẫn đầu thu hút FDI năm 2023

TP.HCM đã vươn lên dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 5,85 tỉ USD, tăng từ mức 3,08 tỉ USD trong 11 tháng 2023. Con số này chiếm gần 16% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm 2022. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, FDI của TP.HCM tăng chủ yếu theo phương thức góp vốn mua cổ phần, chiếm gần 73,3% tổng vốn đầu tư của thành phố trong năm nay. Vị trí thứ hai là Hải Phòng với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,26 tỉ USD, tăng 66,2% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Bình với tổng vốn đầu tư lần lượt là 3,1 tỉ USD, 3 tỉ USD và 2,7 tỉ USD.

Hết năm 2023, 10 địa phương gồm TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai chiếm tới 78,6% số dự án mới và 74,4% số vốn của cả nước trong năm.

Số doanh nghiệp thành lập mới chạm mức kỷ lục

Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2023 đạt 159.294 doanh nghiệp, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022, lần đầu tiên chạm mức kỷ lục. Con số này được Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH-ĐT) đánh giá là "ấn tượng" khi gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017 - 2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm 2023.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2023 cũng đạt hơn 58.400. Như vậy, số doanh nghiệp gia nhập và quay lại thị trường tiếp tục ở mốc trên 200.000, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm qua.

Ở chiều ngược lại, năm 2023 tiếp tục ghi nhận số lượng lớn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong tháng 12, cả nước có 14.355 doanh nghiệp rút lui, tăng hơn 26% so với năm ngoái. Tính chung cả năm, con số này là 172.500 doanh nghiệp, tăng 20,5%. Đây cũng là con số cao nhất kể từ năm 2017 đến nay. Mặc dù vậy, hơn một nửa trong số này là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn. Chỉ có khoảng 10% thực hiện thủ tục giải thể, thực sự chấm dứt hoạt động và rời khỏi thị trường.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.