NỖ LỰC LUẬT HÓA CHÍNH SÁCH CHO NHÀ GIÁO
Năm 2024, Bộ GD-ĐT đã nỗ lực xây dựng dự luật Nhà giáo với mong muốn giúp "lấp đầy" khoảng trống về pháp lý với nhà giáo, đồng thời nâng vị thế của nhà giáo qua những chính sách đãi ngộ thỏa đáng về tiền lương, phụ cấp, ưu đãi… Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, dự luật đã được trình bày và thảo luận, cho ý kiến đại biểu tại hội trường và tại tổ.
Tổng Bí thư Tô Lâm trong phiên thảo luận tổ tại Quốc hội đã yêu cầu: "Phải làm sao để luật Nhà giáo ra đời sẽ được các thầy cô chào đón…, phải thực sự là tôn vinh, thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho người thầy".
Bộ GD-ĐT đang phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chuẩn bị tài liệu phục vụ các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hoàn thiện bộ hồ sơ dự án luật Nhà giáo để dự kiến trình và thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Những đề xuất phải rút lại
Tuy nhiên, dự thảo luật Nhà giáo cũng có những quy định khiến nhà giáo thêm hoang mang và phải nhận những "lời ong tiếng ve" của dư luận về "đặc quyền, đặc lợi". Miễn học phí cho con nhà giáo là một trong những đề xuất như vậy, dù mục đích của ban soạn thảo là nhằm tạo ra một "chính sách đột phá", tạo điều kiện cho nhà giáo phát triển cũng như nâng cao vị thế nghề nghiệp… Nhận quá nhiều ý kiến góp ý, phản biện của dư luận, ban soạn thảo đã rút đề xuất nói trên ra khỏi dự thảo luật Nhà giáo trình Quốc hội.
Trước đó, cơ quan soạn thảo cũng đã rút quy định về việc nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề khỏi dự thảo luật Nhà giáo lần thứ 5. Nhiều ý kiến cho rằng nếu chứng chỉ này trở thành quy định chính thức sẽ đi ngược lại nỗ lực giảm các thủ tục hành chính, khiến giáo viên (GV) bất an khi đang giảng dạy lại phải làm thêm "thủ tục" để có chứng chỉ hành nghề. Người trẻ cũng vì những rào cản ấy mà không chọn vào ngành sư phạm…
Ngoài ra, một số chính sách quan trọng khiến các nhà trường, học sinh (HS) và phụ huynh đặc biệt quan tâm như dự thảo quy chế tuyển sinh THPT mà Bộ GD-ĐT xin ý kiến góp ý với đề xuất "bốc thăm" môn thi thứ 3 vào lớp 10. Đề xuất này nhận làn sóng phản ứng dữ dội vì một quy định đầy tính "may rủi" lại được dự kiến đưa vào văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, sau đó Bộ GD-ĐT sửa quy định theo hướng giao môn thi thứ 3 cho địa phương quyết định nhưng phải thay đổi qua các năm cũng vấp phải phản ứng của chính các địa phương và chuyên gia giáo dục, vì nếu không bốc thăm các địa phương cũng khó có thể làm được gì khác. Nhiều ý kiến cho rằng việc Bộ GD-ĐT can thiệp quá sâu vào kỳ thi của địa phương không phải là cách làm phù hợp với xu hướng tăng quyền chủ động và trách nhiệm cho cơ sở.
Rối với quản lý dạy thêm
Tháng 8.2024, dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm được công bố lại khiến nhiều người cảm thấy hụt hẫng vì chưa đáp ứng được mong đợi về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan suốt thời gian dài vừa qua. Trái lại, nhiều ý kiến còn cho rằng dự thảo có xu hướng nới lỏng trong quản lý dạy thêm khi bỏ quy định cấm GV dạy thêm HS mà mình đang trực tiếp dạy học trong nhà trường; bỏ quy định cấm dạy thêm HS tiểu học…
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về việc này, đại diện cơ quan soạn thảo dự thảo của Bộ GD-ĐT khẳng định: "Nghe qua có vẻ "lỏng", nhưng thực chất là hướng tới việc quản lý khả thi, minh bạch hơn. Khi xây dựng dự thảo, điều quan trọng mà chúng tôi hướng đến là cấm những hiện tượng tiêu cực, không đàng hoàng chứ không cấm những nhu cầu có thực và chính đáng của cả người dạy và người học".
Giải thích này không thực sự thuyết phục. Điều mà dư luận mong muốn là chính sách lương cho nhà giáo đủ sống để họ không phải tìm mọi cách dạy thêm. Với ngành giáo dục, người dân có quyền đòi hỏi, cải tiến, thay đổi chương trình giáo dục, cách thức thi cử theo hướng để HS yên tâm học trên lớp, học chính khóa là đủ; chứ không phải mở ra nhiều "dư địa" hơn cho dạy thêm, học thêm.
Hoàn thành chu trình đổi mới chương trình, SGK
Năm 2024 đánh dấu thời điểm hoàn thành chu trình đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với 3 cấp học đồng bộ trên cả nước. Danh mục sách giáo khoa (SGK) từ lớp 1 đến lớp 12 đã hoàn thành việc thẩm định và phê duyệt. Việc tăng cường quản lý, bảo đảm SGK theo hình thức xã hội hóa là một trong những nhân tố quan trọng góp phần hoàn thành chu trình đầu tiên đổi mới giáo dục phổ thông.
Dù vậy, ý kiến từ chính những người tiếp nhận và thực hiện SGK xã hội hóa cũng đã nêu nhiều ý kiến băn khoăn và mong muốn có những thay đổi phù hợp hơn nữa để giảm giá SGK, để việc cung ứng và vận hành nhiều bộ sách theo hướng cạnh tranh lành mạnh hơn, thuận tiện hơn cho người sử dụng chứ không phải giá sách cao hơn, cung ứng chậm trễ hơn… như những năm qua.
Ráo riết chuẩn bị cho kỳ thi đổi mới
Năm 2024 là năm dồn lực chuẩn bị cho kỳ thi đổi mới từ năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Trong năm, Bộ GD-ĐT đã công bố phương án thi, cấu trúc định dạng đề thi, đề thi tham khảo và quy chế thi áp dụng cho kỳ tốt nghiệp THPT từ 2025. Theo đó, lần đầu tiên đánh giá theo hướng năng lực thay vì nội dung, kiến thức ở kỳ thi diện rộng cấp quốc gia; giảm số môn thi chỉ còn 2 môn bắt buộc, 2 môn lựa chọn, rút ngắn thời gian thi…
Cùng với quá trình đổi mới thi tốt nghiệp THPT, những chuẩn bị cho đổi mới tuyển sinh phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng cũng đã được Bộ GD-ĐT triển khai trong năm 2024 thông qua việc sửa đổi, bổ sung các quy chế hiện hành.
THIỆT HẠI NẶNG VÌ BÃO LŨ VÀ NHỮNG ĐIỀU ĐỌNG LẠI
Tháng 9.2024, khi năm học mới chỉ bắt đầu được ít ngày thì cơn bão số 3 (Yagi) cùng hoàn lưu bão đã gây ra những thiệt hại rất nặng nề cho các tỉnh khu vực phía bắc. Ngành giáo dục cũng thiệt hại rất lớn. Có 52 HS, trẻ em tử vong, 3 HS mất tích, 8 HS bị thương; 3 GV tử vong, 1 GV mất tích. Tổng thiệt hại về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ước tính 1.260 tỉ đồng.
Trong khó khăn ấy, ngành giáo dục đã nhận được nhiều hỗ trợ kịp thời, hiệu quả từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong cả nước. Những trường lớp hư hại sớm được xây dựng, sửa chữa lại; trang thiết bị, sách vở, đồ dùng học tập bị lũ cuốn được cung ứng kịp thời theo nhu cầu. Những HS mồ côi hoặc gia đình trắng tay sau bão lũ được các tổ chức, cá nhân (trong đó có Báo Thanh Niên với Chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời) nhận nuôi dưỡng, hỗ trợ.
Trong thư cảm ơn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng đây là động lực to lớn, động viên tinh thần, ý chí cho cán bộ, nhà giáo, người lao động và HS, sinh viên trong toàn ngành quyết tâm vượt qua thời khắc khó khăn, đưa hoạt động dạy và học trở lại bình thường.
Học sinh VN mang về nhiều tự hào
Năm 2024, VN có 7 đoàn HS tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế với 38 lượt HS tham gia. Các đoàn HS VN đã mang về thành tích vượt trội khi tất cả đều đoạt giải, với 12 huy chương vàng, 15 huy chương bạc, 10 huy chương đồng và 1 bằng khen; tăng 4 huy chương vàng, 3 huy chương bạc so với năm 2023.
Các đoàn HS của VN dự thi đều đạt thứ hạng cao, giữ vững vị trí tốp 10 của thế giới; nhiều HS đạt điểm số trong tốp cao nhất, đặc biệt điểm thi thực hành tăng so với các năm trước đó. Năm 2024, đoàn HS VN tham dự Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế tại Mỹ cũng đã giành 1 giải nhì, giải cao nhất kể từ năm 2013 đến nay.
Bình luận (0)