Một năm "rối" của ngân hàng

17/12/2008 23:41 GMT+7

Từ việc đối mặt với khả năng mất tính thanh khoản, các ngân hàng (NH) đột ngột chuyển sang tình trạng thừa vốn, không cho vay được dù lãi suất đã giảm thấp. Những thay đổi này đều có nguyên nhân từ chính sách tiền tệ được ví như "cú phanh gấp" khiến các NH liên tục bị động.

Sự liên tục thay đổi trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong năm 2008 đã được các đại biểu nêu ra tại buổi hội thảo "Tác động chính sách tiền tệ đối với hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại Việt Nam" do Đại học Ngân hàng TP.HCM phối hợp với Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietBank) tổ chức ngày 17.12.

Từ tháng 1 đến tháng 3.2008, tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất (LS) cơ bản tăng lên, NHNN phát hành 20.300 tỉ đồng tín phiếu bắt buộc... để rút bớt tiền từ lưu thông về. Một số NH rơi vào tình trạng mất tính thanh khoản bởi trước đó đã cho vay vượt 200% vốn huy động. Để huy động vốn, các NH đã tăng mạnh LS huy động dẫn đến một cuộc đua LS "vô tiền khoáng hậu" giữa các NH; LS cho vay giữa các NH với nhau cũng tăng cao. Đến đầu quý 3, cuộc đua LS chựng lại sau một loạt quyết định của NHNN. Từ tháng 11, NHNN liên tục cắt giảm LS cơ bản cùng các loại LS khác, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc... LS cho vay từ 21%/năm đã giảm xuống còn 15%/năm, mức thấp nhất là 10%/năm.

Ông Phạm Hữu Phương - Vụ trưởng Trưởng văn phòng đại diện NH Nhà nước Việt Nam tại TP.HCM - cho biết trong thời gian tới, cơ chế điều hành LS sẽ được đổi mới theo hướng sử dụng LS cho vay qua đêm và LS tái cấp vốn làm LS trần, dùng LS chiết khấu như LS sàn trên thị trường liên NH nhằm tác động đến việc huy động vốn và cho vay của NH trên thị trường. Còn tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ được điều chỉnh theo xu hướng giảm dần khi lạm phát được kiểm soát; chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt trong mối quan hệ với LS, nới rộng dần biên độ tỷ giá có sự can thiệp của Nhà nước...

Việc điều hành chính sách tiền tệ này - theo tiến sĩ Nguyễn Thị Nhung (Hiệu phó Đại học Ngân hàng TP.HCM) - đã khiến các NH thương mại muốn giảm LS cho vay cũng khó bởi nguồn vốn huy động với LS cao vẫn còn; doanh nghiệp khó vay vốn bởi LS cho vay hiện vẫn cao hơn so với tỷ suất sinh lời mà họ đạt được; niềm tin giữa các NH với nhau cũng giảm; nợ xấu và rủi ro tiềm ẩn tăng lên. Luồng tiền di chuyển trong nền kinh tế hiện nay đang chậm lại, vốn khả dụng của các NH rất dồi dào nhưng tốc độ cho vay còn thấp so với nhu cầu xã hội. Hiện nay NHNN đang điều chỉnh giảm LS và việc giảm này chưa biết đến đâu.

Theo một đại biểu, quy định bắt buộc các NH phải mua 20.300 tỉ đồng tín phiếu khiến LS trên thị trường liên NH đã tăng lên đến 25%/năm. Trong năm 2008, NHNN điều hành LS thị trường dựa theo LS cơ bản, thoát khỏi yếu tố cung - cầu vốn trên thị trường, đó là một "bước lùi".

Theo thạc sĩ Nguyễn Đắc Thích - Phó giám đốc LienViet Bank chi nhánh TP.HCM -  khi cuộc đua LS diễn ra, người gửi tiền không dám gửi kỳ hạn dài vì sợ hôm sau LS lại tăng lên. Công việc của các NH nhiều hơn dù nguồn vốn không tăng do khách hàng rút ra rồi gửi vào để hưởng LS cao hơn, rút tiền chuyển qua lại giữa các NH. Về phía người vay, LS tăng cao, nguồn vốn của NH khó khăn gây ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp. 

Theo bà Nguyễn Thị Nhung, thị trường tiền tệ là dòng chảy lưu thông giữa các thị trường, khi dòng chảy này bị chặn lại thì lập tức các thị trường khác cũng trở nên đông cứng, không thể vận hành được. Ngược lại các thị trường khác sụp đổ thì cũng là hiểm họa cho thị trường tiền tệ. Chính vì vậy các giải pháp đưa ra phải đúng lúc, đúng thời điểm, tạo mối liên kết hơn giữa thị trường tiền tệ và các thị trường khác. Mọi sự can thiệp không kịp thời hay vội vàng đều có thể làm ngưng trệ các hoạt động trên thị trường và việc phục hồi không dễ dàng.

Thanh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.