Một năm với đơn thư bạn đọc Thanh Niên

18/01/2017 20:02 GMT+7

Tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo của bạn đọc trong suốt một năm qua, các PV, nhân viên của Thanh Niên có biết bao điều ưu tư trăn trở, nhưng cũng có những niềm vui, trong đó điều đặc biệt là số lượng đơn thư được các cơ quan chức năng trả lời ngày một tăng.

Những con số biết nói
Năm 2014, trong số hơn 1.000 đơn thư bạn đọc gửi đến và được làm phiếu chuyển cho các cơ quan chức năng, tỷ lệ hồi âm và trả lời chỉ đạt 32,1%. Năm 2015, con số này đã được nâng lên 34% và năm 2016 với 826 hồ sơ đơn thư Báo Thanh Niên chuyển đi, tỷ lệ trả lời bằng văn bản là 37,8%. Chưa phải là một tỷ lệ tốt nhưng chất lượng của từng vụ việc được giải quyết, xử lý rốt ráo đã được nâng lên rõ rệt.
Điều quan trọng là với những vấn đề nóng, thời sự có liên quan đến đời sống của người dân được phản ảnh trên những trang báo hằng ngày, cũng đã được rất nhiều cơ quan chức năng lưu tâm, giải quyết. Theo khảo sát của Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC), thì lượng đơn thư do Thanh Niên chuyển đến các cơ quan chức năng xử lý, trả lời hầu như năm nào cũng nằm trong số những tờ báo hàng đầu có tỷ lệ được giải quyết rốt ráo, chóng vánh và nhiều nhất.

tin liên quan

Trao nhà nhân ái cho người sống trong 'ổ chuột'
Ngày 10.1, đại diện Báo Thanh Niên và Phòng CSGT đường bộ và đường sắt (PC67) Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã bàn giao ngôi nhà nhân ái cho bà Hoàng Thị Ánh (55 tuổi, trú thôn Vĩnh An, xã Phong Bình, H.Phong Điền).
Số liệu trên cho thấy sự chuyển biến trong nhận thức, sự tương tác giữa các cấp thẩm quyền với Báo Thanh Niên ngày càng sâu rộng và chặt chẽ. Chính vì vậy, một nhận định rất quan trọng từ số liệu qua 3 năm qua như kể trên cho thấy mục “Cơ quan không trả lời bạn đọc” đăng định kỳ trên số báo thứ hai hằng tuần đã phát huy hiệu quả.
Thực ra, không riêng gì Thanh Niên, mà với bất kỳ cơ quan báo chí nào, thì việc nêu tên một cơ quan nhà nước hay một doanh nghiệp lên báo vì không xử lý giải quyết khiếu nại thắc mắc của người dân hoặc khách hàng là chẳng đặng đừng. Nhưng ở một đất nước luôn kêu gọi người dân thượng tôn pháp luật, thì việc hành xử theo quy định và các định chế pháp lý là điều không thể bỏ qua. Chính vì vậy, tỷ lệ vụ việc cơ quan chức năng trả lời người dân - bạn đọc của báo ngày càng tăng là một dấu hiệu đáng mừng.
Hỷ, nộ đủ cả!
Thế nhưng, việc tiếp nhận và xử lý đơn thư bạn đọc chẳng khác gì “làm dâu trăm họ”. Những PV, nhân viên của báo vẫn thường “đùa” nhau sau mỗi buổi chiều, khi tổng kết một ngày tiếp nhận đơn thư bạn đọc, là “có ai hùng hổ chi không, có vụ việc gay cấn gì không?”.
Chỉ mới đây thôi, có một bạn đọc tên Nguyễn Văn L., ở Q.6, TP.HCM gửi đến tòa soạn lá đơn khiếu nại ghi một lèo, nguyên văn: “Tôi đang xây dựng nhà có phép mà tụi nó xuống kiếm chuyện tui mở các cửa đi hoài à còn gia đình ông T. cũng xây dựng nhà không phép mà xây tới 3 lầu bê tông giả mà cục đất có áng áng chừng chừng hơn 11 m vuông mà nghe nói chi cho tụi thằng L. ở phường đâu áng áng chừng chừng 25 triệu đồng để được xây dựng như thế điều đáng nói là cái ngỏ đi qua lại có chúc xíu à. Tôi báo zậy các ông với các bà tự đi xem tìm hiểu”… (!).
Có rất nhiều đơn thư gửi photocopy không có chữ ký, có đơn thì chữ viết không thể đọc được vì chữ ngoằn ngoèo và nhỏ li ti như kiến, lại có lá đơn đọc mãi mà vẫn chẳng hiểu. Đó là chưa kể có nhiều lá đơn ghi đầu đề Đơn kêu cứu lần thứ 36, thậm chí có lá đơn ghi Đơn tố cáo khẩn cấp lần thứ… 323 dày cả ký, làm cho bộ phận xử lý đơn thư như… lạc vào rừng rậm, không biết đường nào mà lần.
Từ ngày 1.1.2017, luật Báo chí sửa đổi bổ sung có nhiều điểm mới, đặc biệt là thay vì quy định thời hạn 3 tháng như trước đây, thì nay thời hạn để các cơ quan chức năng phải giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo do báo chí chuyển đến rút lại còn 30 ngày. Hy vọng đơn thư bạn đọc sẽ được giải quyết xử lý nhanh hơn, và dần dần mục “Cơ quan không trả lời bạn đọc” trên Thanh Niên sẽ không còn tồn tại nữa.
Để xử lý đúng và đầy đủ đơn thư khiếu nại tố cáo của bạn đọc, Báo Thanh Niên kính đề nghị bạn đọc khi gửi đơn thư đến tòa soạn cần đáp ứng các yêu cầu sau: Gửi đơn viết tay hoặc đánh máy rõ ràng, có ghi địa chỉ hoặc số điện thoại (không gửi đơn photo, đơn không có chữ ký sẽ không giải quyết); đơn khiếu nại đã ký hợp đồng với các văn phòng luật sư, hoặc các trường hợp khiếu nại, tranh chấp mà văn phòng luật sư đã được ủy quyền của đương sự gửi đơn đến tòa án thụ lý, thì tòa soạn cũng sẽ không nhận thụ lý đơn thư cho đến khi có bản án của tòa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.