"Ghiền" mùi cống!
Bốn công nhân Thành, Bình, Dũng và Trị (tổ 2 Xí nghiệp thoát nước số 2 thuộc Công ty thoát nước đô thị TP.HCM) đang hì hục xúc rác, khơi thông lòng cống nối dài từ đường 3 Tháng 2 xuyên qua Cao Thắng đến Cách Mạng Tháng Tám thuộc lưu vực Nam Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Nước chỉ ngập tới đùi nhưng cả người họ dính bết bùn đất. Mồ hôi không ngừng tuôn chảy trên lưng, trên mặt họ dù dưới cống khá lạnh. Khi đã dần quen mắt, tôi nhận thấy trên mặt nước có nhiều lớp váng dầu mỡ. Anh công nhân trẻ tên Bình nói loại váng mỡ này vẫn còn "rất hiền" so với những tảng mỡ, bơ khổng lồ do nhiều quán ăn, tiệm bánh thải ra, làm bít các hố ga và tắc nghẽn dòng chảy.
Tác giả (hàng đầu, thứ 2 từ trái sang) gia nhập đội công nhân thoát nước (ảnh: Khả Hòa) |
Tổ trưởng tổ 2 Bùi Văn Nơi cho biết, các công nhân thường làm thay phiên, hôm nay chui cống thì ngày mai ở trên bờ điều khiển dàn cẩu thùng hoặc xúc rác lên xe. Trong đó, việc chui cống được xem là cực nhọc và độc hại hơn. Thế mà có những người lại "giành" phần việc xuống cống. Anh Phan Đức Trị - người đã có 20 năm trong nghề là một trong những công nhân ngày nào cũng "đòi" xuống cống vì "làm việc dưới đó mát hơn và vì ghiền... mùi cống mất rồi, không xuống như thấy thiếu thiếu thứ gì!". Còn anh Văn Hữu Phích (tổ 1, Xí nghiệp thoát nước số 1), 39 tuổi với 21 năm trong nghề thì xem những lòng cống thân thuộc chẳng khác chi... ngôi nhà của mình!
"Tôi muốn nôn ói mỗi khi chui cống băng qua Bệnh viện Chợ Rẫy. Trôi lềnh bềnh trong dòng nước hồng hồng, tanh tanh đó là những cục máu đông hoặc những mảng mỡ nhầy nhụa... Lẽ ra, người ta phải xử lý những loại nước thải này trước khi đổ ra hệ thống cống chung!" - Bùi Quang Cường (công nhân thoát nước) |
20 giờ đêm 1.6, các công nhân tổ 1 Xí nghiệp thoát nước số 1 đã vào ca. Anh Võ Hùng Dũng - Tổ trưởng tổ 1 lôi từ túi áo ra tờ giấy ghi mực nước thủy triều và lịch làm việc trong tháng 6 của tổ. Toàn là làm ban đêm! Này nhé: 20 giờ ngày 1.6 - 2 giờ sáng 2.6; 21 giờ 2.6 - 3 giờ sáng 3.6; 22 giờ 3.6 - 4 giờ sáng 4.6... Anh Dũng giải thích: "Khi nào nước ròng từ 2,4 mét trở xuống mới làm được. Thời điểm vào ca đêm sau muộn hơn một tiếng đồng hồ so với đêm trước". Trên đường Nguyễn Thi (P.13, Q.5, sát rạch Trần Văn Kiểu), công nhân Văn Hữu Phích cầm thanh sắt cạy một hầm ga rồi chui xuống. Dưới ánh sáng "khiêm tốn" hắt từ chiếc bình ắc quy nhỏ, miệng cống vòm hiện ra. Đây là loại cống rất hẹp, cao 1,2 mét, bề ngang 0,6 mét. Anh chàng Phích dù nhỏ con nhưng cũng phải ở tư thế nghiêng người mới lọt được vào lòng cống. Phích cho biết, đôi khi các anh "đụng" phải những hố ga bị nhiễm hóa chất nên bị bỏng, rát hoặc bị "ngứa mà không dám gãi" suốt mấy ngày. Thỉnh thoảng, anh Phích bị miểng chai cắt chân khi ngâm dưới bùn; còn kim tiêm, ống chích anh gặp vô số kể khi nạo vét ở những cửa xả. Đối với nhiều công nhân thoát nước, chuyện... lỡ uống nước cống khi cắm cúi làm việc không phải là hiếm. "Ngọt lắm!" - công nhân Nguyễn Huy Sáu hài hước bình phẩm mùi vị loại "nước giải khát" đặc biệt mà anh đã có dịp "thưởng thức". Công nhân Bùi Quang Cường, 49 tuổi nhưng tóc đã điểm muối tiêu khiến nhiều người gọi bằng "bác", góp chuyện: "Những sự cố đó vẫn không ám ảnh chúng tôi bằng loại "nước hồng" mỗi khi chui cống băng qua Bệnh viện Chợ Rẫy. Trôi lềnh bềnh trong dòng nước hồng hồng, tanh tanh đó là những cục máu đông hoặc những mảng mỡ nhầy nhụa... Mỗi lần phải xuống những hầm đó là tôi muốn nôn ói. Lẽ ra, người ta phải xử lý những loại nước thải này trước khi đổ ra hệ thống cống chung!".
Còn nước xanh? Kỹ sư Võ Quang Trí - Phó giám đốc Xí nghiệp thoát nước số 2 phản ánh: Khoảng một tháng nay, trên các tuyến đường Võ Thị Sáu (Q.1), Tô Hiến Thành, Đồng Nai (Q.10)... rộ lên tình trạng những xe rút hầm cầu "canh me" lúc 1-2 giờ sáng không có lực lượng kiểm tra cống, đã tống toàn bộ "sản phẩm đặc biệt" xuống hố ga. Sáng hôm sau, khi công nhân giở nắp hầm định chui xuống cống đã thiếu điều ngất xỉu trước mùi hôi thối nồng nặc. "Con kênh đen đen" ngày thường bỗng mang một màu xanh rờn...
Đưa chất thải lên trên (ảnh: Khả Hòa) |
Để tẩy rửa phần nào mùi cống đặc trưng, các công nhân thoát nước thường sử dụng... nước rửa chén để tắm rửa. "Xà bông cục chẳng tác dụng gì. Mỗi tuần tui xài ít nhất 1 lít nước rửa chén. Bởi vậy, nghe ai tặng nước rửa chén, tụi tui rất khoái!" - một công nhân nói. Còn anh Lê Văn Hân (33 tuổi, quê Thanh Hóa) tiết lộ: Chỉ khi nào đi ăn đám cưới, tiệc tùng mới "bồi" thêm mấy lượt xà bông thơm (song vẫn nơm nớp sợ người khác phát hiện!).
"Hy sinh đời bố, củng cố đời con!"
Đa số công nhân thoát nước có học vấn thấp. Vì vậy, Công ty thoát nước đô thị TP.HCM đã xóa mù chữ và thực hiện phổ cập cấp 2 cho công nhân. Hiện nay, những công nhân muốn được tuyển dụng phải có trình độ tối thiểu lớp 9. Trên thực tế, đa số công nhân đến với nghề theo hình thức "cha truyền con nối", như trường hợp gia đình anh Bùi Văn Nơi (Xí nghiệp thoát nước số 2) đã ba đời có người nối nghiệp này. Được biết từ năm 2006, công ty thực hiện chế độ khoán ở tất cả các xí nghiệp duy tu thoát nước, tương ứng 64% khối lượng công việc. Ngoài ca chính, công nhân còn thay nhau đi trực mưa, gom rác trên miệng hố ga. Có thể nói, khoán giúp công nhân ổn định việc làm hơn. Tuy nhiên, số công nhân mới được tuyển vào mấy năm gần đây ở các xí nghiệp rất ít.
Ông Nguyễn Thiện - Chủ tịch công đoàn Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM cho biết công ty hiện có 10 xí nghiệp, trong đó có 6 xí nghiệp duy tu thoát nước. Số công nhân trực tiếp làm công việc thoát nước là 479 người, trong đó có 12 nữ công nhân (đa số đã lớn tuổi). Vì đây là ngành nghề nặng nhọc, độc hại nên nữ công nhân không chui cống mà họ chỉ làm một số việc trên bờ. Bình quân thu nhập mỗi tháng của mỗi công nhân là 3,5 triệu đồng. Hằng tháng, các công nhân đều có chế độ bồi dưỡng độc hại, như: công nhân chui cống được 8 ngàn đồng/công, công nhân vét cống 6 ngàn đồng/công (được quy đổi ra sữa, đường, dầu ăn)... |
Anh Nguyễn Huy Sáu từ Hải Phòng vào TP.HCM làm công nhân thoát nước đã 11 năm nay. Vài tháng, anh gom góp gửi tiền về cho vợ và ba đứa con đang tuổi ăn học ở ngoài Bắc. Năm hết Tết đến, anh Sáu thường không quên gói ghém các lon sữa (phần bồi dưỡng độc hại của anh) chuyển về cho các con. "Đấy là cách tốt nhất để giáo dục tư tưởng cho chúng nó. Chúng sẽ phấn đấu học hành vì ý thức bố nó đang lao động nhọc nhằn kiếm miếng cơm manh áo nuôi gia đình" - đôi mắt anh Sáu sáng lên trong đêm. Hầu như ai trong nghề cũng biết và khâm phục ông Cường (ngụ tại Thủ Đức, Xí nghiệp thoát nước số 1). Lăn lộn với cái nghề nhiều người cho là "dưới đáy xã hội" này, ông Cường đã nuôi bốn người con vào đại học, cao đẳng. Ông Cường cho hay, đôi khi ông cũng thấy mệt mỏi sau một đêm dầm mình dưới làn nước dơ bẩn hay những lúc bị người dân chửi oan, thậm chí có người "đốt phông long" xả xui khi thấy những công nhân như ông chuẩn bị cạy nắp cống... Thế nhưng, lần nào cũng vậy, hình ảnh những đứa con ngoan, được ăn học thành tài choán hết tâm trí khiến ông quên hết mọi vất vả trong nghề.
Chia tay chúng tôi, những công nhân thoát nước gửi gắm tâm sự: "Chuyện ngập lụt là do nhiều nguyên nhân, nhất là việc xả rác bừa bãi của người dân và ảnh hưởng từ những công trình xây dựng mọc lên như nấm. Sao tụi tui làm cật lực ngày đêm, không những không được khen mà còn bị "nêu tên" lên các báo hoài như là thủ phạm chính gây ngập đường vậy ta?".
Bình luận (0)