Ngày không như mọi ngày
Mới hơn 4 giờ 30 sáng, trời còn tối mờ mờ, điện thoại di động của một nữ chiến sĩ phòng 2 đã reo vang bài ca báo thức. Kéo tấm mền mỏng màu xanh - thực chất là chiếc túi ngủ - các chiến sĩ cùng phòng vội vã trùm lên đầu để ráng ngủ nướng thêm vài phút. Trở mình một cái, đầu ai cũng đau ê ẩm vì đụng phải thanh sắt của chiếc gối nằm. Không ai bảo ai, mọi người nghĩ thầm: Hình như chiếc gối chuyên dụng trong quân đội được thiết kế để chống bệnh… ngủ nướng!
|
4 giờ 45. 4 giờ 50. 5 giờ 10… Một, hai, ba, rồi lần lượt hàng loạt điện thoại báo thức. Đêm qua, lộ trình chuẩn bị cho một buổi sáng dậy sớm đúng tác phong quân đội đã được cả phòng tính toán và thống nhất sao cho những cô nàng mê ngủ nhất cũng không thể nằm lâu. Đúng 5 giờ 30 phút, khi những tiếng kẻng dài báo hiệu ngày mới đã bắt đầu vang lên, toàn bộ chiến sĩ mới “nhập ngũ” thuộc Đoàn khối Dân - Chính - Đảng TPHCM đã mũ áo sẵn sàng, chuẩn bị tập thể dục buổi sáng.
Sau bài thể dục và mấy vòng chạy dọc bờ biển, mọi người tỏa về phòng thu dọn giường chiếu, làm vệ sinh phòng và quét sân. Đúng 6 giờ 30, các chiến sĩ tập trung về nhà ăn. Hôm nay, tiêu chuẩn ăn sáng có phần đặc biệt: phở bò, gà. Sau một cuộc “điều tra” chớp nhoáng với anh nuôi, chị Lý Thu Hiền, Bí thư Đoàn Đài Truyền hình TPHCM phát hiện một bí mật: Đây là khẩu phần ưu tiên cho “tân binh”. Bình thường, các chiến sĩ thường ăn sáng với mì gói hoặc cơm.
Sau một ngày làm chiến sĩ, anh Hồ Thuận (Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP) đã ngẫu hứng sáng tác những câu thơ đong đầy tình cảm của các bạn trẻ TPHCM gửi tới những người lính đảo: Dẫu cho năm tháng phai màu/ Sắc xanh áo lính một màu thủy chung/ Tinh thần chí thép kiên trung/ Giữ trời giữ đất muôn trùng biển khơi. |
20 phút ăn sáng nhanh chóng kết thúc. Nghe tiếng bát đũa, thu dọn bàn ghế rào rào bên cạnh, hiếm có chiến sĩ nào can đảm ngồi vừa ăn vừa “tám” như mọi ngày. Tất cả nhanh chóng trở về thay quân phục để bắt đầu một ngày lao động sản xuất. Nhiệm vụ của những tân binh buổi sáng ngày hôm nay là quét vôi và sơn lại hàng rào doanh trại. Người lấy chổi, người trộn vôi. Những cô gái khéo léo được phân công nhiệm vụ sơn và kẻ chữ.
Một, hai rồi nhiều bức tường được khoác áo mới. Võ Thị Thuận (Trường Trung cấp Kỹ thuật Tôn Đức Thắng) cười: “Hơn 11 giờ trưa, nắng lên gần tới đỉnh đầu, tụi mình đứa nào cũng mệt và say nắng, muốn nghỉ quá. Nhìn qua thấy các chiến sĩ dù mệt nhưng chưa hết giờ nên không anh nào rời vị trí. Vậy là cả bọn bảo nhau cố gắng làm cho tới hết giờ”.
Buổi chiều, sau khi tham quan nhà truyền thống lữ đoàn, các đoàn viên thanh niên lại cùng bộ đội cuốc đất trồng rau. Vườn rau của Đại đội 3 hôm nay rộn rã tiếng cười. Người làm đất, người tưới nước, người trồng cây. Một số đoàn viên còn xắn quần nhảy xuống ao rau muống giúp các chiến sĩ hái rau về nấu cơm. Nhìn những thửa đất mịn vừa xới, luống rau xanh vừa tưới, ai cũng thấy vui.
Trở về phòng sau một ngày đổ nhiều mồ hôi, Trần Nguyễn Ngọc Dung (Công ty Dịch vụ cơ quan nước ngoài) thú thiệt: “Hồi nhỏ, ba mẹ cho đi trại hè Thanh Đa. Trong mấy ngày cắm trại phải tự giặt giũ, thu dọn đồ đạc nhưng trở về nhà thì đâu lại vào đó. Bây giờ tập làm chiến sĩ, thấy mình làm gì cũng phải ngăn nắp, gọn gàng. Đúng là tác phong quân đội rèn người hay thiệt”.
Để Trường Sa không xa
Các bạn trẻ TPHCM vốn thường chỉ biết đến những chiến sĩ hải quân, đặc biệt là cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa qua báo đài, nay được đặt chân lên Lữ đoàn 146 - Đoàn Trường Sa anh hùng, ai cũng muốn được hỏi han nhiều hơn một chút. Có bạn lo lắng, không hiểu các anh lính đảo sẽ chống chọi ra sao giữa những cơn sóng biển cấp 12, khi xung quanh là biển trời mênh mông. Một số bạn trẻ khác lại muốn tìm hiểu về cuộc sống lính đảo, về chuyện giải trí, rau xanh, nước ngọt…
Sắc màu chiến sĩ Trong bộ quân phục Hải quân Việt Nam, các bạn trẻ đến từ TPHCM đã có những giây phút trải nghiệm cuộc sống đằng sau cánh cửa doanh trại quân đội. Ai cũng muốn ghi lại những phút giây khó quên khi lần đầu trở thành những nữ chiến sĩ Hải quân... xem tiếp |
Được nghe chính những cán bộ chiến sĩ đã từng làm nhiệm vụ tại Trường Sa kể về cuộc sống của các anh nơi đầu sóng ngọn gió, chị Hoàng Minh Tâm (Sở Công thương) không giấu được cảm xúc: “Các anh đã biến niềm nhớ nhung, niềm yêu thương gia đình thành động lực để hoàn thành nhiệm vụ. Một chút ngỡ ngàng xen lẫn niềm cảm phục về các anh - những người lính đảo”.
“Tôi yêu biển. Tuy nhiên là con gái, lại không biết bơi nên nhiều lúc tôi cũng thấy sợ cái nắng, cái gió của biển. Thế nhưng, nỗi sợ ấy vẫn chưa đủ lớn để cản trở tôi đến với biển, đặc biệt là đến với những con người đang ngày đêm hiến trọn tuổi thanh xuân của mình bảo vệ vùng biển đảo Tổ quốc. Hành trang của tôi đã đầy ắp những kỷ niệm về những chiến dịch tình nguyện. Sau chuyến đi này, hành trang ấy sẽ nặng thêm bởi những tình cảm vừa tự hào, vừa cảm phục đối với các chiến sĩ”. Đó là những dòng tâm sự của chị Huỳnh Thị Bích Phương (Công ty Đầu tư tài chính nhà nước) trong chuyến đi này.
Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Chính ủy Lữ đoàn 146, chia sẻ: “Tôi mong sau chuyến đi này, tuổi trẻ Trường Sa tiếp tục nhận được tình cảm thắm thiết từ những bạn trẻ nơi đất liền, để đất liền, TPHCM và Trường Sa không còn xa…”.
Rời Đoàn Trường Sa anh hùng, nhiều bạn trẻ mãi lưu luyến về những ngày trải nghiệm cuộc sống của người lính. Một bạn trẻ chia sẻ: “Tôi muốn tiếp thêm yêu thương cho những người lính trẻ, cho những ai hy sinh vì sự nghiệp cao cả của đất nước. Tôi mong những việc làm của mình như một đồng xu nhỏ góp vào ống heo yêu thương, để ở đảo xa, các anh bớt cô đơn…”.
Theo SGGP
Bình luận (0)