(iHay) Gần 40 năm qua, những người phụ nữ ở xã Tân Long (H.Phụng Hiệp, Hậu Giang) vẫn miệt mài giữ gìn nghề làm đũa truyền thống.
Giải quyết việc làm tại chỗ
Người có công đưa nghề làm đũa về xứ Tân Long là bà Mai Thị Ngân, năm nay 78 tuổi. Bà Ngân cho biết bà là dân gốc Cái Răng (Cần Thơ), học nghề làm đũa từ mẹ mình lúc còn con gái. Sau giải phóng, bà theo chồng về Tân Long và mang theo nghề làm đũa gia truyền.
Lúc trước, bà Ngân chuyên làm đũa cau, sau này mới chuyển sang làm đũa tre.
“Thấy tôi làm đũa có đồng ra đồng vô nên chị em trong xóm cũng bắt chước học theo, từ đó nghề này được lan truyền rộng rãi và trở thành nghề truyền thống của phụ nữ ở Tân Long”, bà Ngân nói.
Đũa Tân Long được làm bằng tre xiêm, lóng dài, đặc ruột, để lâu ít bị mối mọt. Để có được chiếc đũa tròn đều, suôn phụ thuộc rất lớn vào đôi tay khéo léo của người bào. Đũa bào xong đem phơi khoảng 7 nắng (7 ngày) là có thể đem đi tiêu thụ.
Trung bình, một người 2 ngày làm khoảng 1 thiên đũa (1.000 đôi), bán cho thương lái được 500.000 đồng. Còn chị em nào chịu khó mang ra chợ bán sẽ thu về từ 600.000 - 800.000 đồng/thiên, trừ chi phí còn lời 200.000 - 300.000 đồng. Những người không trực tiếp làm có thể nhận bào đũa mướn với tiền công từ 100.000 - 120.000 đồng/thiên. Nghề làm đũa vì thế giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều người dân nghèo quê Tân Long.
Làm thủ công hoàn toàn
Hiện xóm đũa Tân Long đã thành lập tổ hợp tác với gần 50 thành viên, hỗ trợ nhau trong sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm. Chị Tạ Thị Mỹ Lệ, Chủ nhiệm Tổ hợp tác làm đũa xã Tân Long, cho biết đến thời điểm này, đũa Tân Long vẫn được làm thủ công, không hề sử dụng bất cứ loại hóa chất hay phẩm màu nào. Khi các nơi bắt đầu nhuộm màu để đũa thêm bắt mắt thì bà con xóm đũa vẫn quyết định giữ nguyên màu của đũa tre, nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Xóm đũa tồn tại suốt mấy chục năm nhưng cũng có thời điểm bị điêu đứng. Đó là lúc đũa nhựa, đũa ngà của Trung Quốc ồ ạt tràn qua, người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm mới nên đũa tre không bán được. Bà con xóm đũa đành đem đũa ra phơi thật khô, cất vào bao chờ qua giai đoạn khó khăn. Chỉ sau một thời gian sử dụng, các loại đũa nhựa, đũa ngà đã bộc lộ khuyết điểm như trơn khó gắp, gặp nóng dễ bị chảy... thì người dân lại quay về với đôi đũa tre quen thuộc, xóm đũa lại tiếp tục hoạt động nhộn nhịp như trước.
Đũa tre ở Tân Long được nhiều người ưa chuộng vì chiếc đũa đặc, tròn đều, phơi đủ nắng, xài lâu ngày lên nước bóng đẹp. Chị Lệ cho biết đũa ở đây được thương lái thu mua và đem đi tiêu thụ khắp nơi như Ô Môn, Thốt Nốt (TP.Cần Thơ), Long Xuyên (An Giang), Sóc Trăng...
Đũa Tân Long từng được Liên minh HTX tỉnh Hậu Giang chọn đi trưng bày tại Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội nhằm giới thiệu đến bạn bè trong và ngoài nước sản phẩm truyền thống của địa phương…
Bách Hợp
>> Hội An thân thương phố cũ
>> Một ngày ở bản Noong Chứn của Điện Biên
>> Về thăm nhà lưu niệm Bác Hồ ở Huế
Bình luận (0)