Một ngày với trợ lý ngôn ngữ ở tuyển U.19 nữ Việt Nam

29/08/2019 19:07 GMT+7

Dương Trung Đạt – chàng sinh viên năng động, nhiệt huyết, thông thạo tiếng Nhật, nhờ khả năng ngôn ngữ sẵn có, cùng tình yêu với trái bóng tròn, anh tình cờ trở thành người đồng đội đặc biệt của đội tuyển U.19 nữ Việt Nam, tham gia đóng góp cho vinh quang của thể thao nước nhà.

Đội tuyển U.19 nữ Việt Nam tham gia giải vô địch U.19 nữ Châu Á 2019 được dẫn dắt bởi HLV người Nhật Bản Akira Ijiri. Phiên dịch cho ông là anh Dương Trung Đạt, sinh viên năm cuối trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học quốc gia Hà Nội.

Phóng viên báo Thanh Niên gặp anh Trung Đạt vào một buổi tập của đội tuyển U.19 Nữ Việt Nam. Giữa cái nắng, cái oi nóng khó chịu của Hà Nội đầu tháng 8, nhưng chàng thanh niên ấy vẫn vẫn miệt mài cùng những bài tập của các cô gái. Ở anh, người ta không thấy sự đanh thép của một phiên dịch viên dày dặn kinh nghiệm, hay sự non nớt của một cậu sinh viên, mà là sự nhiệt huyết đam mê của tuổi trẻ.

Anh Trung Đạt (trái) - trợ lý ngôn ngữ của đội tuyển U.19 nữ Việt Nam

Minh Hương

Đồng hành cùng HLV Akira Ijiri từ tháng 4 năm 2019, anh Trung Đạt đã dần quen với phong cách làm việc của vị thuyền trưởng người Nhật. Bản thân anh, là một người am hiểu về ngôn ngữ cũng như văn hóa Nhật, nên có lẽ, phong cách làm việc của anh cũng đặc biệt hơn những người khác. Anh cho biết, ông Akira làm việc rất nghiêm túc và kỉ luật. Ông yêu cầu anh phải luôn theo sát ông và các nữ cầu thủ, để khi phiên dịch, anh phải dịch đúng tông giọng, đúng âm điệu của ông để hiệu quả truyền đạt được như ý.

Một ngày với trợ lý ngôn ngữ ở tuyển U.19 nữ Việt Nam

Phiên dịch viên cho các HLV bóng đá rất khác với phiên dịch thông thường.  Nếu không đủ đam mê với công việc, sự yêu thích dành cho môn thể thao vua thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Trước đây, anh đã từng làm biên dịch cho một số công ty văn phòng. Sau một thời gian, anh cảm thấy công việc văn phòng dường như không dành cho mình. Giữa lúc đang bối rối trong những lựa chọn, anh được các thầy cô của trường Đại học Ngoại ngữ giới thiệu cho công việc phiên dịch ở Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Bằng niềm đam mê ngôn ngữ sẵn có, cộng thêm tình yêu với trái bóng tròn, anh Đạt đã truyền được một nguồn  cảm hứng mới cho các nữ cầu thủ trẻ của đội tuyển U.19 nữ. Anh làm việc với lòng nhiệt huyết, tươi trẻ như cái tuổi 22 đầy nắng của anh vậy.

Anh Đạt trong một buổi tập cùng U.19 nữ Việt Nam

Minh Hương

Chàng thanh niên ấy thực giản dị và khiêm tốn. Khi được hỏi rằng anh nghĩ gì về ông Lê Huy Khoa, phiên dịch viên của đội tuyển U.23 Việt Nam tại VCK U.23 châu Á 2018, đội tuyển bóng đá nam quốc qia Việt Nam, và cũng là người đồng nghiệp ăn ý của HLV Park Hang-seo, anh rất khâm phục tài năng và kinh nghiệm của người tiền bối, anh muốn được va chạm, được học hỏi, được trau dồi để rồi sẽ có một ngày nào đó trong tương lai gần thôi, anh cũng có thể đóng góp một phần nhỏ công sức của mình vào thành công của thể thao nước nhà.

Sinh viên vừa học vừa làm đã vất vả, khó khăn lắm rồi, chưa nói đến công việc mang ý nghĩa lớn đối với thể thao nước nhà như vậy. Nhưng với anh Đạt, anh đến với công việc không chỉ vì những đồng lương, không chỉ vì muốn tích lũy kinh nghiệm cho bản thân, mà còn vì niềm đam mê với bộ môn bóng đá, vì tinh thần dân tộc, vì vinh quang của thể thao nước nhà. Anh luôn tâm niệm rằng, phải luôn cố gắng vì đây không phải công việc nhàn hạ đơn giản. Ngoài những kiến thức ngôn ngữ đã được học ở trường, anh còn phải tìm hiểu những thuật ngữ chuyên môn bóng đá mà HLV muốn truyền đạt để trở thành một chiếc cầu nối hữu ích nhất cho HLV và cầu thủ.

Trong tương lai, mặc dù anh rất bận với việc hoàn thành những môn học cuối cùng trước khi tốt nghiệp, nhưng những kỉ niệm đẹp trong thời gian gắn bó với đội tuyển đã động viên anh vượt qua những trở ngại, cố gắng hết sức có thể để có thể đồng  hành cùng các cô gái U.19 nữ Việt Nam vượt qua nhiều thử thách cam go đang chờ ở phía trước.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.