Một người chuyên bán lòng lợn, tiết canh mắc liên cầu lợn

Liên Châu
Liên Châu
02/03/2023 10:51 GMT+7

Hệ thống giám sát dịch bệnh của Hà Nội vừa ghi nhận ca bệnh liên cầu lợn đầu tiên trong năm nay là nam bệnh nhân 52 tuổi. Bệnh nhân có nghề bán lòng lợn, tiết canh.

Hôm nay 2.3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, hệ thống giám sát dịch trong tuần qua đã ghi nhận một nam bệnh nhân làm nghề bán lòng lợn tiết canh bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Đây là trường hợp đầu tiên mắc bệnh này tại Hà Nội trong năm nay.

Người đàn ông chuyên bán lòng lợn, tiết canh mắc bệnh do liên cầu lợn - Ảnh 1.

Tiết canh lợn có thể là nơi chứa vi khuẩn liên cầu lợn, lây bệnh cho người

VŨ PHƯỢNG

Bệnh nhân là nam, 52 tuổi (địa chỉ tại P. Mộ Lao, Q.Hà Đông), làm nghề bán lòng lợn, tiết canh tại nhà. Hằng ngày, bệnh nhân đi lấy hàng về chế biến và bán cho khách.

Cách nay khoảng hơn 2 tuần, bệnh nhân sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, tự điều trị tại nhà không đỡ. 4 ngày sau đó, bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện Quân y 103 (Q.Hà Đông, Hà Nội). Tại đây, kết quả cấy máu của nam bệnh nhân dương tính với Streptococcus suis (vi khuẩn gây bệnh liên cầu khuẩn lợn). Bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện. 

Trước đó, trong năm 2022, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 4 ca mắc liên cầu khuẩn lợn (tăng 3 ca so với năm 2021). 

Theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, bệnh do liên cầu khuẩn lợn là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu lây từ lợn. Tỷ lệ tử vong do liên cầu khuẩn lợn gây ra khoảng 7%. Đây là bệnh nguy hiểm vì có thể gây nhiễm trùng huyết, suy đa tạng, viêm màng não, di chứng nặng nề với khoảng 60% ca bệnh bị ù tai, giảm thính lực, 20% điếc hoàn toàn không hồi phục.

Do đó, CDC Hà Nội khuyến cáo, cách phòng bệnh tốt nhất là người dân không nên ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín; không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không bảo đảm vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Đặc biệt, người dân không nên sơ chế thịt lợn sống bằng tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay; rửa tay sạch sau khi chế biến; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân. 

Các trường hợp khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh liên cầu lợn như: sốt cao đột ngột, đau đầu, chóng mặt, nổi ban ở da… và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc ăn sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời tránh nguy hiểm tính mạng.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.