TP.HCM được biết đến như là nơi khởi xướng chính sách “tự cởi trói” về kinh tế, là cơ sở thực tiễn cho việc hình thành chính sách đổi mới của đất nước. Tuy nhiên, ít ai biết thành phố cũng là nơi có bước đi đột phá trong quan hệ đối ngoại, góp phần không nhỏ trong công cuộc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.
Đoàn đại biểu cấp cao TP.HCM thăm San Francisco (Mỹ) năm 2005 - Ảnh: L.Q.H
|
Trong thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, đất nước ta vẫn chưa ra khỏi khủng hoảng kinh tế. Trong nước, tình hình vẫn hết sức khó khăn, dòng người vượt biên vẫn có xu hướng gia tăng. Bên ngoài, các thế lực thù địch vẫn rêu rao, lên án ta về nhân quyền. Quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ tuy bắt đầu có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều nghi kỵ. Mỹ vẫn duy trì chính sách cấm vận đối với Việt Nam đến tận năm 1994, một bộ phận dân chúng Mỹ vẫn chưa thoát khỏi “hội chứng về chiến tranh Việt Nam”. Đặc biệt, tại Mỹ có cộng đồng người Việt lớn nhất mà khi đó, nhiều thế lực vẫn lợi dụng tâm lý hận thù của nhóm người di tản để quyết liệt chống lại xu thế bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.
Trong bối cảnh thời kỳ đó, việc Chủ tịch UBND TP.HCM Trương Tấn Sang cùng Thị trưởng San Francisco, Frank Jordan đặt bút ký bản Thỏa thuận về quan hệ kết nghĩa giữa hai thành phố (trong văn bản gọi là Thỏa thuận về quan hệ hữu nghị - NV) ngày 10.4.1995 là một sự kiện mang tầm vóc lịch sử trong hoạt động đối ngoại của TP.HCM. Điều đặc biệt và thực sự có ý nghĩa là hai thành phố đã đi trước một bước trong việc thiết lập quan hệ hữu nghị vào thời điểm mà hai quốc gia vẫn chưa bình thường hóa quan hệ. Đến ngày 11.7.1995, tức 3 tháng sau, Việt Nam và Mỹ mới chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
|
Là người đã tham gia tiến trình kết nghĩa giữa hai thành phố, lại may mắn được sống và làm việc tại San Francisco trong hơn 3 năm với cương vị Tổng lãnh sự Việt Nam (2008 - 2011), tôi càng nhận rõ hơn tính đột phá của sự kiện ngày 10.4.1995.
Trong những lần tiếp xúc với ông Frank Jordan cùng các cộng sự, tôi có hỏi về việc ký kết bản thỏa thuận trên. Ông cho biết vào thời điểm những năm 1980 - 1990, các thế lực chống bình thường hóa quan hệ với Việt Nam còn rất mạnh và bằng mọi cách gây sức ép để ngăn cản xu hướng xích lại với Việt Nam. Ở Mỹ, thị trưởng là do dân bầu trực tiếp nên các chính khách thường phải làm vừa lòng cử tri để lấy phiếu. Trong bối cảnh đó, việc ký kết thỏa thuận là “một quyết định khó khăn”. “Không chỉ là một quyết định khó khăn mà còn là một quyết định dũng cảm và sáng suốt đối với cả hai bên”, tôi đã từng nói với ông Frank Jordan như vậy.
Không chỉ là người đặt bút ký văn bản thỏa thuận, Frank Jordan còn là người tích cực vận động cho việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và là một trong những quan chức cấp cao đầu tiên sang thăm nước ta ngay sau khi Mỹ vừa bỏ cấm vận. Trong chuyến thăm cuối tháng 11.1994, Thị trưởng Frank Jordan đã được Thủ tướng Võ Văn Kiệt và lãnh đạo Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... tiếp đón.
Trở về Mỹ, ông Jordan gửi thư cho Tổng thống Bill Clinton để báo cáo về kết quả chuyến đi. Ông nhận xét cuộc gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt là “thẳng thắn và thú vị... Thủ tướng Võ Văn Kiệt và các quan chức Chính phủ khác mà tôi có dịp gặp là những người có đầu óc thực tế về những vấn đề mà đất nước họ đang phải đối mặt...” và “họ là những người lạc quan về triển vọng của mối quan hệ Việt Nam - Mỹ”.
Trong thư, Thị trưởng Frank Jordan cho rằng “đã đến thời điểm hai nước trở thành bạn bè”. Ông hoan nghênh “những quyết định khó khăn” mà Tổng thống Clinton đã đối mặt để cải thiện quan hệ với VN và bày tỏ sự ủng hộ, khích lệ những bước tiếp theo của tổng thống trong tiến trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.
Bản lưu bức thư của Thị trưởng Frank Jordan gửi Tổng thống Bill Clinton kêu gọi bình thường hóa quan hệ với Việt Nam - Ảnh: Tư liệu
|
Nhìn lại những chặng đường mà hai nước đã vượt qua để đạt được khuôn khổ cho mối quan hệ Đối tác toàn diện ngày hôm nay, tôi càng thấm thía hơn về giá trị của bản thỏa thuận về hợp tác hữu nghị giữa TP.HCM và thành phố San Francisco được ký kết 20 năm trước.
Bình luận (0)