Bên ngoài cổng Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, ông Nguyễn Văn Ngọc, quê ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam nhấp nhỏm không yên trong khi chờ con thi. Hết đứng lại ngồi, ông Ngọc liên tục dõi mắt về phía trường thi.
Gần hết giờ thi, ông đứng hẳn dậy, vẻ trầm tư hiện trên khuôn mặt ngăm đen của một người nông dân ở vùng quê lam lũ.
|
Kể về hành trình đưa con đến trường thi, ông Ngọc bùi ngùi: “Sợ vào Sài Gòn vật giá đắt đỏ, tôi với vợ phải bán 1 tạ lúa, 1 con heo, 7 con gà mới gom góp được ít tiền cho con đi thi”.
Bán 1 tạ lúa, ông thu về 500.000 đồng trong khi 7 con gà chưa bằng 1 tạ lúa, thêm con heo chưa đủ tháng với 1,8 triệu đồng.
Với chừng ấy “gia sản”, tưởng nhiều ở một vùng quê, nhưng tổng số tiền ông thu được chưa tới 3 triệu đồng.
Sợ con vất vả đường xa, ông Ngọc mua vé tàu đường đi, đường về gần 1,5 triệu đồng. Thêm tiền ăn uống, đi lại 3 - 4 ngày ở thành phố cũng “ngốn” gần hết số tiền ông có.
“Thấy con cái học được, ba mẹ nào nỡ lòng không ráng cho con đi thi cùng bạn bè. Biết là khó, nhưng cũng phải gắng gượng vì con”, ông Ngọc tâm tình.
Ngày đầu tiên vào Sài Gòn, ông được một người quen cho ở nhờ tận Hóc Môn trong khi địa điểm thi của con lại ở quận 3. Lúc ấy, ông lại tất tả gọi bạn bè ngược xuôi tìm chỗ ở gần hơn. May mắn cho ông là một người bạn cho ông ở nhờ trong công ty gần trung tâm thành phố.
Nhìn chiếc áo sờn vai, nước da ngăm đen vì nắng và mồ hôi của ông Ngọc mà không khỏi chạnh lòng. Giữa thời tiết oi bức ở TP.HCM, ông ngồi lặng lẽ chờ con, miệng khát nhưng không dám gọi ly nước uống vì sợ tốn kém.
Đã chở con đi thi, ai cũng muốn con mình đỗ đạt. Ông Ngọc cũng vậy. Nhưng, hỏi đến chuyện tương lai, thì: “Con trai mà thi đậu là niềm vui lớn. Nhưng khoảng thời gian 4 - 5 năm học đại học, nuôi con tới ngày ra trường quả thật rất dài, dài lắm… ”, ông Ngọc nói, mà ánh mắt không giấu được niềm lo lắng.
Bài, ảnh: Hoàng Quyên
>> Hai thí sinh khuyết tật mơ ước vào đại học
>> Đồng hành cùng thí sinh nghèo
>> Một doanh nghiệp 5 năm liền đưa thí sinh nghèo đi thi ĐH
Bình luận (0)