TNO

Một thoáng chùa Dơi Sóc Trăng

01/03/2014 00:00 GMT+7

(iHay) Bạn không chỉ được ngắm vẻ độc đáo của kiến trúc Khmer mà còn được ngắm từng đàn dơi bay rợp trời.

(iHay) Đến ngôi chùa Dơi (Sóc Trăng), bạn không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc Khmer mà còn được ngắm từng đàn dơi bay rợp trời hay treo mình vắt vẻo trên những ngọn cây.

>> Thăm ngôi chùa Từ Hiếu độc đáo bậc nhất xứ Huế


Cổng chính của chùa Dơi
 

Chúng tôi ghé thăm chùa Dơi theo hướng qua cầu Cần Thơ sang tỉnh Sóc Trăng. Chùa Dơi cách trung tâm thành phố chừng 2km. Theo lời giới thiệu của anh bạn người Khmer, trong số hơn 200 ngôi chùa lớn nhỏ của người Khmer ở Sóc Trăng, chùa Dơi là một trong những ngôi chùa lớn, có nhiều điểm hấp dẫn và kiến trúc đẹp nhất.

Chùa Dơi hay chùa Mahatup, còn có tên gọi khác là chùa Mã Tộc, được xây dựng cách đây hơn 400 năm. Sở dĩ chùa được gọi là chùa Dơi bởi nơi đây có rất nhiều dơi.


Đi từ cổng vào, bạn sẽ thấy một không gian mát mẻ, cây cối râm mát


Một đoàn du khách đến thăm chùa Dơi, đang chăm chú nghe hướng dẫn viên giới thiệu
 

Ngay từ cổng vào, tôi thực sự choáng ngợp trước màu vàng rực của chùa và không gian mát rượi. Màu vàng và các họa tiết chạm trổ đầy tinh xảo, một nét khác biệt hẳn với kiến trúc chùa xứ Bắc.

So với các ngôi chùa Khmer khác ở Sóc Trăng mà chúng tôi đến, chùa Dơi cùng chung kiến trúc mái tháp nhỏ trên mái chùa, chạm trổ hình rắn Naga uốn lượn.


Ngôi chính điện chùa Dơi với những hoa văn rực rỡ sắc vàng, nét đặc trưng trog các ngôi chùa của người Khmer


 Tượng và những bức tranh trong chùa đều thể hiện nét văn hóa trong đời sống tinh thần đồng bào Khmer

Xung quanh chùa là vườn cây với đủ các loại cây cổ thụ, tạo một không gian thoáng mát để cho du khách tản bộ. Bên trong khuôn viên chùa, còn có hồ ao cá rộng, du khách có thể vừa ngắm dơi vừa cho cá ăn.

Trong suốt thời gian dạo quanh chùa, bạn sẽ được nghe các giai điệu cùa dàn nhạc ngũ âm do những nghệ sỹ nhí người Khmer biểu diễn. Đây là nhạc cụ truyền thống của người Khmer không thể thiếu trong dịp lễ Sen Dolta hay Chol Chnam Thmay, thứ âm nhạc đạt đến độ ổn định và hoàn mỹ nhất của người Khmer.


Những nghệ sỹ nhí đang chơi nhạc ngũ âm, loại âm nhạc đặc trưng trong đời sống người Khmer và thứ âm nhạc này không bao giờ thiếu trong các lễ hội lớn 
 

Song có lẽ, điều đặc biết nhất ở chùa Dơi vẫn là các chú dơi. Bất kỳ vị khách nào, sau khi thăm chùa, nghe nhạc, cũng đều tập trung về phía vườn sau, ngước cổ nhìn ngắm những chú dơi theo nhau về. Thỉnh thoảng, chúng lại xòe cánh bay từ cành nọ sang cành kia.


Phóng tầm mắt lên, bạn sẽ thấy những chú dơi đang bay “tíu tít”


Du khách thích thú ngắm nhìn và “chộp” lại hình ảnh những chú dơi


Trong những tán cây, đen đặc và chi chít dơi


Một chú dơi đang sải cánh bay
 

Quả thật, chùa Dơi khiến tôi thích thú. Thích thú bởi được cảm nhận nhiều hơn về nét văn hóa của người Khmer qua kiến trúc chùa chiền và được tai nghe mắt thấy những chú dơi “trú ngụ” ở mảnh đất lành Sóc Trăng.

Phượt ký của Hương Lâm

>> Đầu xuân vãn cảnh chùa Keo Thái Bình
>> Trẩy hội xuân chùa Hương
>> Mở tuyến du lịch đến Vũng Chùa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.