Theo TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, mỗi cây cầu bắc qua sông Hồng đều mang một ý nghĩa, trong đó cầu Long Biên mang ý nghĩa lịch sử, được xây từ thời Pháp; cầu Thăng Long gắn với tình hữu nghị xã hội chủ nghĩa; cầu Thanh Trì thể hiện sự hội nhập quốc tế; và cầu Chương Dương, Vĩnh Tuy mang ý nghĩa nội lực với "tinh thần tiết kiệm"…
Trước đây, Hà Nội chủ yếu phát triển ở phía nam sông Hồng, dẫn đến sự chênh lệch giữa các vùng rất lớn. Từ sau quy hoạch, Hà Nội bắt đầu phát triển mạnh sang phía bắc sông Hồng và xây dựng cầu Chương Dương nối Q.Hoàn Kiếm với H.Gia Lâm. Năm 2003, Q.Long Biên ra đời, đánh dấu sự kiện lần đầu tiên đô thị trung tâm của Hà Nội "vượt sông Hồng". Vì vậy, cầu Chương Dương gắn liền với biểu tượng cho nội lực phát triển của Hà Nội. Còn cầu Nhật Tân là biểu tượng mới của Hà Nội khi phát triển sang phía tây sông Hồng, nối Q.Tây Hồ với H.Đông Anh.
Theo Quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ có 18 cầu bắc qua sông Hồng, kết nối liền mạch giữa các trung tâm kinh tế - chính trị; giữa các vùng địa phương và đô thị vệ tinh.
Ông Đào Ngọc Nghiêm nhận định việc xây dựng thêm những cây cầu không chỉ giúp giảm áp lực giao thông, giảm dân số trong nội đô mà còn góp phần sử dụng hiệu quả nguồn đất đai phong phú để tái cơ cấu kinh tế, hình thành và phát triển các khu dân cư mới. Từ đó làm thay đổi, phát huy về giá trị của đất đai, tiêu biểu như sau khi cầu Nhật Tân được khai thác, sử dụng, giá đất khu vực H.Đông Anh lên rất cao; hoặc khi làm cầu Thanh Trì, giá đất ở H.Thanh Trì và H.Gia Lâm cũng lên.
"Nếu như trước đây, việc xây dựng các cây cầu chỉ nhằm mục đích đi lại, giao thương giữa hai bên bờ sông, thì giờ đây những cây cầu còn mang trong mình trọng trách giúp cân bằng cho sự phát triển. Những cây cầu giống như cán cân khổng lồ, điều tiết, hài hòa giữa đôi bên", ông Nghiêm nhận định.
Ông Nghiêm dẫn chứng sông Seine (Pháp) có 37 cây cầu. Trong đó nổi bật là 4 cầu Pont des Arts, Pont Neuf, Pont de Bir-Hakeim và Pont Alexandre III, ghép nên bức tranh toàn cảnh về lịch sử và con người TP.Paris.
"Và theo quy hoạch, cầu Tứ Liên khi được xây dựng sẽ kết nối 2 vùng lịch sử, nằm trong trục không gian Hồ Tây - Cổ Loa, là trục kết nối di sản", ông Nghiêm cho hay.
Liên quan đến việc xác định trục sông Hồng là một trong 5 trục động lực của Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050, TS Nguyễn Quang Anh, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), đánh giá đây là sự tái khẳng định mạnh mẽ vị trí trục trung tâm chủ đạo của dòng sông này trong suốt trường kỳ lịch sử, là sự phát triển thủ đô cân đối - hài hòa, nhanh - mạnh - bền vững, vươn xa và tỏa rộng ra cả hai bên bờ. Như thế, mô hình "tựa núi nhìn sông" của Lý Thái Tổ nghìn năm qua đã đúng và chắc chắn hàng chục, thậm chí hàng trăm năm sau vẫn tiếp tục đúng.
"Do đó, mục tiêu phát triển Hà Nội thành thành phố "văn hiến - văn minh - hiện đại"; là trung tâm động lực thúc đẩy phát triển vùng châu thổ sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước; thành phố kết nối toàn cầu và sánh ngang với thủ đô các nước phát triển trong khu vực chắc chắn sẽ trở thành hiện thực trọn vẹn và sinh động", ông Nguyễn Quang Anh nói.
Bình luận (0)