Không ít trường ĐH đang áp dụng mức thu học phí với sinh viên học lại cao hơn nhiều mức trần tối đa được phép thu theo quy định nhà nước.
Mức thu học phí dù là học lại cũng không được vượt quá trần quy định của Chính phủ - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Lớp riêng giá cao
Theo Quy định số 1403 của Trường ĐH Quảng Bình, mức thu học phí học lại được tính chung với học phí học cải thiện điểm, học theo tiến độ riêng.
Trong đó, trường này quy định 3 mức học phí khác nhau với sinh viên (SV) học lại. Trường hợp SV học ghép chung với các lớp khác, học phí học lại của một tín chỉ được tính theo hệ số 1,3 so với học phí quy định theo nhóm ngành nghề. Nếu học theo lớp riêng với quy mô từ 4 SV trở lên, trường lấy tổng học phí lớp bình thường chia đều cho số lượng SV đăng ký thực tế, chi phí sẽ cao nếu lớp học càng ít người.
Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật Hải Dương cũng có hẳn quy định về lệ phí học lại. Nếu SV đề nghị mở lớp thì mức thu học phí 1 tín chỉ được tính theo công thức học phí của lớp học đủ sĩ số chia đều cho số SV đăng ký học lại thực tế.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên về vấn đề này, tiến sĩ Trần Ngọc, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Quảng Bình cho biết, hình thức “lớp riêng” với quy mô dưới 4 SV không phổ biến, rất hạn chế và chỉ để giải quyết những trường hợp rất đặc biệt. Chẳng hạn, những SV bắt buộc phải trả nợ môn học kịp ra trường để không bị muộn xin việc, SV làm đơn trình bày trường mới giải quyết theo yêu cầu người học. Vì vậy, lớp học được tổ chức lấy thu bù chi, không hướng tới lợi nhuận.
Quyết định số 538 về mức thu học phí học lại năm học 2014 - 2015 của Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội cũng có quy định tương tự. Đặc biệt, lớp lý thuyết và đồ án chỉ có 1 SV học lại, mức học phí được tính lên tới 2.050.000 đồng/tín chỉ. Tuy nhiên, tiến sĩ Ngô Thị Kim Dung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, cho biết năm nay trường không tiếp tục áp dụng hình thức lớp học lại sĩ số nhỏ hơn quy định. Theo bà Dung, với học chế tín chỉ không còn khái niệm “học lại” vì SV cứ đăng ký học và tích lũy đủ các học phần theo quy định để tốt nghiệp. Khi đó, SV học lần đầu và học lần sau sẽ học chung một lớp, học phí không khác biệt.
“Thu cao để đốc thúc sinh viên học tốt” !
Theo Quyết định 1291 của Học viện Nông nghiệp VN về mức tạm thu học phí học kỳ 1 năm học 2015 - 2016, học phí học lại bậc ĐH theo tín chỉ giờ hành chính tính theo hệ số 1,2 lần mức thu học phí theo quy định và hệ số 1,5 lần vào buổi tối, chủ nhật và hè. Trường ĐH Cần Thơ cũng quy định học phí học lại với mức thu 1,5 lần so với học phí quy định. Trường ĐH Tân Tạo còn quy định SV phải đóng học phí gấp 1,5 lần thi lại lần đầu và gấp 2 lần thi lại lần hai.
Nói về điều này, cán bộ đào tạo của Trường ĐH Cần Thơ lý giải, kinh phí đào tạo được nhà nước hỗ trợ không có phần cho những học phần học lại của SV nên khi học lại phải chịu các chi phí này. “Hơn nữa, việc thu học phí với hệ số cao hơn cũng nhằm đốc thúc sinh viên phải học tốt ngay lần học đầu tiên”, cán bộ này phân trần.
Trong khi đó vẫn có nhiều trường ĐH công lập đang áp dụng mức học phí chung không có sự khác biệt giữa lần học đầu tiên và các lần học lại.
Không được vượt quá trần quy định
Theo ông Bùi Hồng Quang, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT), trong quy định học phí hiện hành không quy định cụ thể mức thu học phí các học phần học lại. Dù vậy, các trường thu học phí nói chung không được vượt quá trần học phí Chính phủ đã ban hành với từng trình độ đào tạo, nhóm ngành nghề dù thu theo tháng hay tín chỉ.
|
Mỗi trường thu một kiểu
Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM không phân biệt đơn giá học phí học lại so với học lần đầu. Tương tự Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM hiện cũng áp dụng một mức học phí chung cho lần học đầu và các lần học lại.
Theo tiến sĩ Phạn Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, trong học chế tín chỉ, SV thi rớt lần đầu có thể đăng ký học lại chung với lớp được mở sau đó, không mở lớp đào tạo riêng như học chế niên khóa trước đây. Vì vậy, nếu thu học phí học lại cao hơn học lần đầu, đặc biệt thu học phí cao với những lớp có sĩ số nhỏ hơn quy định là chưa thỏa đáng, chưa đủ sức thuyết phục. Cũng theo tiến sĩ Hạ, trường này vẫn mở những lớp học lại nhỏ chỉ 8 - 9 SV và chỉ thu học phí ở mức bình thường.
Trong khi đó, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM thu học phí học lại với hệ số 1,4 so với học phí học lần đầu. Theo giải thích của một cán bộ đào tạo trường này, việc thu học phí học lại cao hơn là một cách để SV có động lực thi đỗ ngay lần học đầu tiên.
|
Bình luận (0)