Một triệu tỉ đồng phát triển TP.HCM

08/07/2016 07:00 GMT+7

Nhiều ý kiến tâm huyết đã được các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách đưa ra trong buổi hội thảo các giải pháp thu hút nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng .

Hội thảo do Sở GTVT TP.HCM và Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP (HFIC) tổ chức chiều 7.7.
Hạ tầng gây thiệt hại kinh tế
Trái phiếu địa phương phải trở thành kênh hấp dẫn đầu tư hạ tầng
PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó trưởng khoa Tài chính doanh nghiệp Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, dẫn số liệu từ theo Asia Plus (Nhật Bản), tiền mặt cụ thể mà người dân TP.HCM tiết kiệm mỗi năm là 2,6 tỉ USD. Trong khi đó, cơ chế tài chính để TP huy động nguồn tiền nhàn rỗi chưa rõ. Người dân thích nắm giữ vàng và ngoại tệ vì tính an toàn và tính thanh khoản cao. Trên thế giới, trái phiếu chính quyền địa phương huy động để phát triển hạ tầng rất hiệu quả. Thế nhưng, ở VN thị trường trái phiếu chính quyền địa phương không phát triển hiệu quả, chưa được xem là kênh đầu tư hấp dẫn. Cần đưa trái phiếu trở thành kênh hấp dẫn để thu hút đầu tư hạ tầng.
TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM nhận xét: Nhu cầu đầu tư xây dựng để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật của TP.HCM là rất lớn, nhưng thực tế ngân sách TP không thể cân đối đủ. Ông Lịch dẫn chứng, TP.HCM đang chủ trương phát triển thành đô thị cảng biển, đô thị đa trung tâm nhưng hạ tầng giao thông còn quá nhiều bất cập. Chẳng hạn, các tuyến đường Đồng Văn Cống, Vành đai 2, xa lộ Hà Nội (Q.2) kết nối cảng Cát Lái - cảng lớn nhất nước nhưng hằng ngày kẹt xe khủng khiếp, gây thiệt hại vô cùng lớn về mặt kinh tế. Trong khi đó, khu cảng Hiệp Phước thuộc H.Nhà Bè nhiều năm qua không phát triển được cũng do thiếu đường bộ kết nối. Cũng theo ông Trần Du Lịch, quỹ đất đô thị của TP.HCM là “con gà đẻ trứng vàng” nhưng thời gian qua bị thất thoát nhiều quá. TP.HCM có quỹ đất công, nhà công còn rất lớn nhưng cũng bị lãng phí. Nguồn lực tại các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước rất lớn để đầu tư cho hạ tầng dân sinh cũng chưa được phát huy.
Theo đánh giá của TS Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phó trưởng khoa Tài chính ngân hàng thuộc Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, giai đoạn 2011 - 2020, năng lực sử dụng nguồn vốn ODA tại VN trong thời gian qua còn thấp. Nguồn vốn ODA cho cơ sở hạ tầng ngày càng giảm do VN đã bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình. TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright bày tỏ lo ngại, trong 5 năm tới, vốn ngân sách mà chính quyền TP.HCM dành cho phát triển cơ sở hạ tầng chỉ bằng 6% GDP, chưa bằng 1/3 so với TP.Thượng Hải, thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Trong khi nguồn vốn ngân sách nhà nước chiếm vai trò cực kỳ quan trọng để phát triển cơ sở hạ tầng.
Trong bối cảnh thiếu vốn, việc huy động vốn lại đang gặp nhiều vướng mắc. Ông Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc HFIC cho biết, theo luật định, HFIC chỉ được huy động gấp 6 lần vốn chủ sở hữu đối với quỹ đầu tư phát triển địa phương và gấp 3 lần vốn chủ sở hữu với doanh nghiệp nhà nước. Đó là một hạn chế. "Chúng tôi đang xin T.Ư nâng tỷ lệ được huy động vốn nhiều hơn, cộng với các nguồn lực mà chúng tôi tích tụ nhằm nâng vốn điều lệ lên, từ đó có thể huy động nguồn lực xã hội nhiều hơn". Hiện nếu tính hết tất cả các chương trình mà TP.HCM đã đặt ra và kỳ vọng (7 chương trình trọng điểm của TP và các dự án trọng điểm) thì tính sơ bộ cần gần 1 triệu tỉ đồng (tương đương 43 tỉ USD). Trong khi đó, ngân sách TP dành cho các chương trình trọng điểm liên quan đến hạ tầng chỉ khoảng 215.000 tỉ đồng (vốn ngân sách cấp khoảng 130.000 tỉ đồng, cần huy động các nguồn lực xã hội cho 5 năm là 85.000 tỉ đồng).
Nên thu phí các dự án hưởng lợi từ hạ tầng
Theo TS Trần Du Lịch, về các phương thức huy động vốn, để phương thức hợp tác công tư phát huy hiệu quả đòi hỏi chính quyền TP.HCM phải mạnh dạn nghiên cứu và kiến nghị để có hình thức pháp lý cao hơn, thì nhà đầu tư mới yên tâm bỏ tiền đầu tư xây dựng. Hiện nay văn bản pháp lý cao nhất của mô hình này chỉ mới dạng nghị định, chưa nâng lên thành luật.
Dẫn chứng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên sắp hình thành kéo theo dọc xa lộ Hà Nội có rất nhiều dự án nhà ở, trung tâm thương mại mọc lên; giá nhà, đất khu vực này tăng vọt, nhiều đối tượng được hưởng lợi, ông Lịch đề xuất, nhà nước cần thu phí những dự án bất động sản được hưởng lợi từ các dự án hạ tầng hoàn thành.
Bà Lê Thu Hương, đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) cho biết, cơ quan này đang tìm cách cho vay trực tiếp, không qua bảo lãnh của Chính phủ. Nguồn vốn này không tính vào nợ công của Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế tại TP.HCM, trở ngại không chỉ ở năng lực mà do các thủ tục, quy trình. Nhiều chủ đầu tư là ban quản lý dự án không có thẩm quyền vay trực tiếp.
Ở khía cạnh khác, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM thông tin, hiện có nhiều DN đã và đang đề xuất tham gia đầu tư hạ tầng giao thông như các công ty Đại Quang Minh, Phát Đạt, Tài Nguyên... DN bất động sản khi làm các khu đô thị kết hợp với làm đường, xây cầu là chủ động cập nhật tiến độ hoàn thành dự án. Nên khi nhà nước đầu tư làm đường, xây cầu, cần kết hợp với các DN đầu tư bất động sản để cập nhật được tiến độ dự án bất động sản.
Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM lại tiếc rẻ: “Cả Sở chúng tôi tập trung sức lực cho 9% vốn ngân sách cho đầu tư, trong khi nguồn vốn bên ngoài 60 - 70% lại chưa huy động được”. Đối với các dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng), theo ông Anh cần nên nghiên cứu BT đổi bằng thuế, hoặc DN có đất nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất thì được miễn tiền sử dụng đất để đầu tư hạ tầng. Ông Anh còn đề xuất mở rộng thêm nhiều hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) trong hạ tầng chứ không cố định trong 7 hình thức như hiện nay.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết với thế mạnh tiềm năng của TP, nếu được cởi trói thì tốc độ phát triển sẽ nhanh hơn nữa. UBND TP sẽ nghiên cứu đề xuất các giải pháp đột phá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.