Motorola - Đích nhắm hoàn hảo của Google

18/08/2011 11:20 GMT+7

(TNO) Làng công nghệ thế giới chấn động trước thông tin Motorola Mobility đang được sang tay Google với giá 12,5 tỉ USD. Sự kiện này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thế giới công nghệ vốn đã rất sôi động như hiện nay?

Trước thông cáo báo chí của Google về thương vụ trên được đưa ra vào ngày 15.8, báo Washington Post đã phải thốt lên: Google đã kích nổ quả bom hạt nhân trong thế giới công nghệ.

Không bằng lòng với biệt danh công cụ tìm kiếm phổ biến nhất internet, cũng như chưa vừa ý với việc cung cấp một hệ điều hành điện thoại di động được sử dụng nhiều nhất thị trường hiện nay là Android, Google quyết định dấn bước vào lĩnh vực phần cứng của phân khúc smartphone với quyết định đầu tư táo bạo và đắt đỏ nhất trong lịch sử của mình.

Sự hợp nhất lĩnh vực phần cứng với phần mềm cũng chính là triết lý nền tảng tạo nên sự thành công vượt trội cho thương hiệu Apple, biến nhãn hàng quả táo cắn dở thành gã khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ hiện nay.

Cũng giống như Apple và Amazone, Google rõ ràng đã quyết định rằng chìa khóa chủ chốt trong cuộc chiến sắp tới là phải kiểm soát được nền tảng phần cứng cũng như phần mềm chạy trên nó. Google hiện là một trong các thế lực chính ở lĩnh vực game trên smartphone nhờ vào phần mềm Android chiếm hơn 40% thị phần.

Tuy nhiên, hãng chưa có chỗ đứng thực sự trong lĩnh vực phần cứng, thay vào đó Google chọn cách chuyển giao công nghệ phần mềm cho các hãng khác như Samsung và HTC, kiếm tiền bằng việc cung cấp ứng dụng. Thế nhưng điều này có thể thay đổi hoàn toàn sau thỏa thuận với Motorola, hãng từng tạo được những dòng điện thoại di động thành công đầu tiên trên thế giới, và sở hữu hầu như những bằng sáng chế cơ bản nhất của làng điện thoại di động.

Với thương vụ trên, Google đang hi vọng sẽ tạo nên lá chắn hiệu quả trước các đối thủ như Microsoft và Oracle, đồng thời khẳng định vị trí là tay chơi chủ lực trong ngành công nghệ phát triển với tốc độ nhanh như vũ bão hiện nay.

Cùng với thương hiệu Motorola, Google cũng sở hữu luôn hơn 17.000 bằng sáng chế của tên tuổi từng một thời tung hoành trong làng điện thoại di động, cũng như giành được thị phần cần thiết trong phân khúc truyền hình cáp tại Mỹ. Google đã cố gắng nhưng thất bại khi tung ra Google TV. Do vậy Motorola có thể là con ngựa thành Troy hoàn hảo cho phép đại gia này xâm nhập được vào các hộ gia đình tại Bắc Mỹ.

Tạm thời các đối tác của Google như Samsung, HTC, LG đều tỏ ý ủng hộ động thái mua lại Motorola, nhưng liệu các nhãn hàng này có giữ được tinh thần như vậy trong vài năm nữa. Hiện các sản phẩm từ smartphone, tablet của họ đều dựa trên nền tảng Android, nhưng trong tương lai Samsung, HTC và LG còn đủ khả năng cạnh tranh một khi Google sở hữu được cả phần cứng lẫn phần mềm.

Các tên tuổi châu Á chắc hẳn buộc phải lựa chọn đối tác khác, và Microsoft lẫn HP đều đang đưa ra những lời chào mời hấp dẫn. Tuy nhiên, trong tương lai gần, giới phân tích dự đoán Google sẽ đối chọi trực tiếp với Apple sau khi đã được “vũ trang” đầy đủ. RIM, thương hiệu bị cho là chịu tổn thất lớn nhất trong thương vụ xa xỉ này, cũng đang đối mặt với nguy cơ phải sáp nhập hoặc tìm kiếm đồng minh để tăng cường khả năng cạnh tranh nếu muốn tồn tại trong thời buổi mà sự liên kết mang lại sức mạnh, còn việc đứng một mình sẽ nhanh chóng bị kết liễu.

 

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.