>> Người dân ĐBSCL không đồng ý xây dựng thủy điện Don Sahong
Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) đại diện cho Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) chuyển tải ý kiến của người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tới các bên liên quan với lời kêu gọi: “Chính phủ các nước hạ lưu vực sông Mê Kông cần lắng nghe ý kiến của người dân”.
Trong thời gian từ tháng 11 - 12.2014, một chuỗi hoạt động 15 hội thảo tham vấn đã được tổ chức để lấy ý kiến và kiến nghị của người dân ĐBSCL về dự án đập thủy điện Don Sahong. Có 1.000 nông dân tham gia các cuộc tham vấn.
Đây là lần đầu tiên người dân tại các xóm ấp ĐBSCL được nghe nói về dự án đập này và các con đập thủy điện khác đang được xây dựng và đề xuất trên dòng chính sông Mê Kông. Tất cả các đại biểu tham dự đều cho rằng dự án này cùng với các công trình thủy điện khác trên sông Mê Kông sẽ gây thiệt hại lớn tới sinh kế, cuộc sống của người dân và các kế hoạch phát triển của cả ĐBSCL.
Do đó, 100% người tham dự bày tỏ ý kiến phản đối xây dựng đập Don Sahong và yêu cầu chính phủ các quốc gia có chung dòng sông Mê Kông phải lắng nghe ý kiến của người dân. Người dân yêu cầu hãy để dòng sông chảy và phát triển theo cách tự nhiên.
Đại diện cho nông dân ở huyện Châu Thành, Tiền Giang nói: “Sông Mê Kông là dòng sông chung chia sẻ nguồn nước giữa nhiều quốc gia. Không thể nói đoạn sông thuộc chủ quyền quốc gia nào thì có thể tự ý quyết định và gây hại cho quốc gia khác. Nếu các con đập được xây dựng thì không có giải pháp nào khắc phục được”.
Người dân ĐBSCL kiến nghị Chính phủ đề nghị Lào không xây đập Don Sahong và ngừng xây đập Xayaburi. Việt Nam cần tăng cường hoạt động ngoại giao để đạt được sự đồng tình của các nước trong vùng đối với việc ngưng xây đập trên dòng chính sông Mê Kông đồng thời thông tin kịp thời cho người dân về các chính sách và giải pháp của Chính phủ về vấn đề này.
Dự án đập thủy điện Donsahong do Lào đề xuất xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông tại tỉnh Champasac phía nam Lào. Dự án chính thức khởi động quá trình tham vấn trước từ ngày 25.7.2014. Quá trình này kéo dài 6 tháng tuân theo thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (PNPCA) được quy định trong Hiệp định Mê Kông 1995.
Chí Nhân
>> Tuyên bố của Công ty CH. Karnchang PCL không phù hợp với quan điểm chung của MRC và chính phủ Lào>> Sử dụng bền vững nguồn tài nguyên sông Mê Kông
>> Sông Mê Kông đối mặt nhiều thách thức
>> Kêu gọi hủy bỏ các đập thủy điện trên sông Mê Kông
>> Thủy điện trên sông Mê Kông đe dọa sinh kế người dân
>> Tìm kiếm đại sứ du lịch trẻ tiểu vùng sông Mê Kông
Bình luận (0)