Từ trường hợp Quỹ NAFOSTED đồng ý để PGS Đinh Công Hướng rút khỏi hội đồng khoa học ngành toán, cuộc tranh luận về "mua bán" bài báo khoa học từng diễn ra hơn 3 năm trước đã quay trở lại.
Trong bài viết này, chúng tôi muốn chỉ ra một số hệ lụy từ việc một số 'đầu nậu' thuộc mạng lưới mafia khoa học nước ngoài đứng ra làm đầu mối thu gom hàng ngàn bài báo thượng vàng hạ cám từ khắp nơi rồi bán cho các trường ĐH ở Việt Nam nhằm phục vụ mục đích tạo thành tích khoa học ảo cho các trường này (hiện tượng này đã từng được cảnh báo trước đây trên báo Thanh Niên, ngày 1.9.2020).
Mua bài báo để bán lại ?
Trong thị trường mua bán bài báo khoa học, ngoài quan hệ mua bán trực tiếp giữa bên mua là các trường ĐH cần thăng hạng ảo và bên bán là các nhà nghiên cứu, một số người đã làm chân trung gian "mua bán" để trục lợi. Thay vì bỏ công sức nghiên cứu, đăng bài và bán cho các trường mua bài để lấy tiền thưởng, cách đơn giản, hiệu quả và năng suất hơn là đi mua bài từ các công xưởng sản xuất bài báo dỏm rồi bán lại cho các trường.
Gần đây, tạp chí Engineering Analysis with Boundary Elements thuộc NXB Elsevier vừa gỡ bỏ bài báo do TS L.N.B.Q (Trường ĐH D.) đứng tên tác giả đầu. Lý do bài báo bị gỡ là sau khi công bố, ban biên tập tạp chí phát hiện những thay đổi đáng ngờ trong danh sách tác giả khi so sánh bản thảo ban đầu với phiên bản chỉnh sửa. Ngoài ra, một bài báo với sáu từ khóa giống hệt từ khóa trong bài của nhóm tác giả này đã được rao bán các vị trí tác giả trước đó hơn một tháng. Điều này đặt ra nghi vấn TS Q. đã trả tiền để trở thành tác giả đầu của bài báo này.
Trong năm 2023, tính đến nay, TS Q. đã đăng 20 bài báo ghi địa chỉ Trường ĐH D., đa số ở vị trí tác giả đầu hoặc tác giả liên hệ. Trước đó, người này chưa từng công bố bất cứ bài báo nào. Tuy TS Q. có tên trong danh sách giảng viên Khoa Dược của trường nhưng trên thực tế, là dược sĩ đang làm việc tại Mỹ. Tất cả bài báo của bà Q. đều đăng trên các tạp chí thuộc lĩnh vực kỹ thuật (engineering), không liên quan đến chuyên môn của bà. Đồng tác giả đứng tên chung với bà Q. trong nhiều bài nhất là Iskander Tlili, đầu nậu từng bán hàng trăm bài báo cho một số trường ĐH ở Việt Nam mà Báo Thanh Niên đã phản ánh. Toàn bộ 20 bài báo bà Q. đã công bố nhiều khả năng đều mua từ băng nhóm của Iskander Tlili.
Bản thân Iskander Tlili cũng vừa bị tạp chí International Journal of Numerical Methods for Heat & Fluid Flow gỡ bỏ một bài báo vì những quan ngại về danh sách tác giả và quy trình bình duyệt bị lũng đoạn. Trong bài này, Iskander Tlili là tác giả liên hệ, sử dụng địa chỉ Trường ĐH T.
Tạp chí Engineering with Computers cũng mới gỡ bỏ bài báo của tác giả liên hệ Mostafa Habibi (ghi địa chỉ Trường ĐH D. dù người này không có tên trong danh sách nhân sự của trường) với lý do tự đạo văn và cố gắng phá vỡ quy trình bình duyệt. Trước khi công bố, các vị trí tác giả của bài này đã được rao bán trên một trang web chuyên bán bài ở Iran.
Cách đây chưa lâu (ngày 18.8), tạp chí Digital Scholarship in the Humanities đã gỡ bỏ bài báo của tác giả liên hệ Mohammad Reza Mahmoudi (ghi địa chỉ Trường ĐH T. và ĐH Fasa của Iran) và một đồng tác giả khác do quy trình bình duyệt bài này đã bị thao túng và lũng đoạn. Một bài báo nữa của Mahmoudi cũng bị cùng tạp chí gỡ bỏ trước đó hai tháng với lý do quy trình xuất bản bị lũng đoạn và thao túng. Trong bài báo thứ hai bị rút bỏ, Mahmoudi tuy chỉ ghi địa chỉ ĐH Fasa nhưng một trong các đồng tác giả là TS Ph.K.H ghi địa chỉ Trường ĐH T. Trước khi công bố, các vị trí tác giả trong cả hai bài báo này đều được rao bán trên trang web của công xưởng bán bài ở Nga. Liên quan đến Những nhà khoa học nào bị nghi mua bán bài từ 'công xưởng' Nga? các bài này, Báo Thanh Niên đã từng có bài phản ánh (số ra ngày 24.11.2022).
Tác giả ma, nhân sự ảo
Ngoài hình thức đầu nậu nước ngoài bán bài trực tiếp cho các trường cần mua bài tạo thành tích ảo, các đầu nậu còn bịa ra những cái tên giả mạo, không thể xác định danh tính để tránh bị chú ý khi bán quá nhiều bài dưới cùng một tên; hoặc nhằm mục đích bán một bài cho nhiều trường cùng lúc, trong đó bản thân đầu nậu đứng tên một trường, còn tên giả đứng tên trường khác.
Trong số các bài báo bị gỡ bỏ, có khá nhiều tác giả "ma", nghĩa là tác giả không có thực, không thể xác định được danh tính. Chẳng hạn, trong bài báo bị gỡ bỏ của TS L.H.N.Q được nhắc trên đây, một đồng tác giả cũng ghi địa chỉ Trường ĐH D. (như bà Q.), là Zahra Abdelmalek. Tuy nhiên, người này không có tên trong danh sách nhân sự của trường này.
Zahra Abdelmalek đã đăng tổng cộng 52 bài báo, tất cả đều ghi địa chỉ là Trường ĐH D.: bắt đầu từ năm 2020 với 33 bài, 11 bài năm 2021 và 8 bài năm 2023. Trước khi đăng bài cho trường này, Abdelmalek chưa từng công bố bài báo nào. Nơi công tác và nguồn gốc của người này cũng không thể xác định. Đồng tác giả đứng tên chung với Abdelmalek trong nhiều bài nhất (17 bài) chính là đầu nậu Iskander Tlili. Rất có thể Abdelmalek chỉ là cái tên giả mạo do Tlili bịa ra để gián tiếp bán bài cho trường này sau khi hành vi bán bài của đầu nậu này bị phơi bày trên Báo Thanh Niên khiến Tlili phải hạn chế hoặc ngừng bán bài trực tiếp.
Một trường hợp tác giả ma nữa rất nổi bật, là Narjes Nabipour, người đã từng được Báo Thanh Niên phản ánh do bị rút bỏ 3 bài báo (ghi địa chỉ Trường ĐH D.) vì có đồng tác giả giả mạo và một số đồng tác giả đã được lén lút thêm vào bài báo trong quá trình chỉnh sửa bản thảo.
Đáng chú ý, Nabipour là một tác giả không thể xác định danh tính. Do đồng tác giả quen thuộc nhất của Nabipour là Shahaboddin Shamshirband, chúng tôi không loại trừ khả năng Nabipour chỉ là một cái tên giả mạo do 'ông vua' bị gỡ bài Shamshirband bịa ra nhằm mục đích bán một bài báo cho nhiều trường cùng lúc. Trong số hàng chục bài mà Shamshirband và Nabipour làm đồng tác giả, hễ Shamshirband ghi địa chỉ Trường ĐH T. thì Nabipour lấy địa chỉ Trường ĐH D. Trước khi bán hàng trăm bài cho 2 trường này, Shamshirband đã bị gỡ bỏ gần 50 bài báo vì gian lận, và đứng thứ 13 trong danh sách những người bị gỡ bài nhiều nhất trong lịch sử khoa học, theo thống kê của Retraction Watch.
Khi có động thì... xóa dấu vết
Theo ghi nhận của chúng tôi, cứ mỗi khi các trường hợp gian lận bị phát hiện, thay vì thực hiện trách nhiệm giải trình và minh bạch hóa thông tin, cách xử lý của các trường mua bài đều là âm thầm xóa dấu vết.
Thật vậy, hơn một năm rưỡi từ khi Báo Thanh Niên vạch trần giáo sư ngoại Tim Chen của Trường ĐH T. bị tố giả mạo trong hoạt động khoa học, trường này vẫn không đưa ra bất kỳ phản hồi nào. Việc duy nhất trường đã làm cho đến nay là xóa bỏ thông tin về buổi "Sinh hoạt học thuật chủ đề "The Supervisor" của GS Tim Chen" ngày 29.10.2018 trên trang web của trường (mà slide bài trình bày của GS Tim Chen cũng là sản phẩm đạo văn). Tương tự, Trường ĐH D. đã xóa toàn bộ thông tin về bà Q. khỏi danh sách nhân sự của trường sau khi trường hợp này bị báo chí phản ánh.
* Bài viết là của cá nhân tác giả, không phản ánh quan điểm nơi tác giả làm việc.
Bình luận (0)