Mua bán điện trực tiếp vẫn 'tắc', vì sao?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
29/11/2024 06:17 GMT+7

Sau gần 5 tháng mở cơ chế, vẫn rất ít doanh nghiệp sử dụng điện lớn đăng ký mua bán điện trực tiếp. Tại sao?

Hàng ngàn khách hàng lớn chưa mặn mà với cơ chế DPPA

"Trong 5 chiếc áo của Nike trên toàn cầu, có 1 chiếc được sản xuất tại VN; cứ 2 đôi giày Nike bán trên toàn cầu, có 1 đôi làm tại VN", đại diện của Nike tại VN thông tin như trên trong hội nghị triển khai các nghị định về năng lượng tái tạo do Bộ Công thương tổ chức tại TP.HCM mới đây. Bà Vũ Thị Hương Giang, Giám đốc đối ngoại của Nike tại VN, Campuchia và Thái Lan, cho hay hiện nay có một nhà cung ứng của Nike tại Nam Định đã ký kết thành công để tham gia mua bán điện tái tạo trực tiếp theo cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA). Dự án này sẽ vận hành chính thức vào cuối năm 2025 và dự kiến cung cấp sản lượng 580.000 kWh/năm. Đến năm 2028, khoảng 80% nguồn cung điện từ nhà máy này sẽ cung cấp cho nhà cung ứng của Nike thông qua cơ chế DPPA.

Chính vì hàng hóa bán ra thị trường toàn cầu lớn trong xu thế nhiều thị trường đòi hỏi sản phẩm phải được sản xuất theo tiêu chí xanh, nên không ít tập đoàn sản xuất hàng xuất khẩu sớm tham gia ký kết mua bán điện trực tiếp theo cơ chế DPPA. Ngày 19.11 vừa qua, tại TP.HCM, Công ty thời trang H&M Việt Nam cũng ký thỏa thuận hợp tác theo cơ chế DPPA với Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 2 (PECC2). Đại diện H&M Việt Nam cho rằng sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của hãng thời trang này. PECC2 cũng cho biết đã và đang phát triển các dự án năng lượng tái tạo nhằm cung cấp điện xanh và sạch cho các doanh nghiệp (DN) lớn thông qua cơ chế.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, cho hay sau khi có Nghị định 80 quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA (ban hành ngày 3.7.2024), TP.HCM mới có 2 khách hàng là DN nước ngoài quan tâm cơ chế DPPA gồm Công ty TNHH Samsung, Công ty TNHH Heineken Việt Nam.

Mua bán điện trực tiếp vẫn 'tắc', vì sao?- Ảnh 1.

Hàng ngàn khách hàng dùng điện lớn nhưng chưa ai có đề nghị chính thức đến công ty điện lực để tham gia DPPA

ẢNH: H.H

Trên đây là những khách hàng có các động thái để tham gia mua bán điện trực tiếp. Trong thực tế, số khách hàng sử dụng điện lớn (từ 200.000 kWh/tháng) lên đến hàng ngàn DN, thế nhưng sau gần 5 tháng cơ chế DPPA có hiệu lực, vẫn chưa thấy bất kỳ động tĩnh nào. Đáng nói, rất nhiều khách hàng sử dụng điện lớn trước đây đã kiến nghị nhiều về việc sớm có cơ chế mua bán trực tiếp để đẩy mạnh sử dụng điện tái tạo.

Cụ thể, số liệu từ Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho thấy, theo Nghị định 80, trường hợp có thể cấp điện qua đường dây riêng, tiềm năng khách hàng sử dụng điện lớn (trên 200.000 kWh/tháng) đủ điều kiện tham gia cơ chế DPPA tại TP.HCM là 769 khách hàng với tổng sản lượng năm 2023 là 5,5 tỉ kWh (chiếm 19,3% tổng điện thương phẩm). Tuy nhiên, đến nay Tổng công ty Điện lực TP.HCM chưa nhận đề nghị nào từ phía khách hàng để tham gia DPPA. Ngoài ra, TP.HCM có 2 khu công nghiệp có nhu cầu tham gia cơ chế DPPA qua lưới điện quốc gia. Đó là Khu công nghiệp Đông Nam có nhu cầu với tổng sản lượng năm 2023 là 400,2 triệu kWh; Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 có nhu cầu với tổng sản lượng năm 2023 là 40,5 triệu kWh.

Tương tự, Tổng công ty Điện lực miền Nam (hiện có 21 công ty điện lực trực thuộc) có trên 2.000 khách hàng sử dụng điện lớn. Nhưng theo ông Bùi Quốc Hoan, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam, đến thời điểm này các đơn vị cũng chưa nhận được yêu cầu tham gia mua bán điện trực tiếp từ phía khách hàng dùng điện lớn. Tính cả nước, có hơn 7.700 khách hàng có sản lượng điện tiêu thụ từ 200.000 kWh/tháng trở lên, chiếm hơn 36% tổng điện năng.

Lại chờ hướng dẫn?

Được biết, tuy đã có cơ chế mua bán điện trực tiếp, song giữa bên bán và bên mua còn rất nhiều điều cần tháo gỡ. Đại diện Heineken Việt Nam bày tỏ khát vọng muốn sớm chuyển đổi năng lượng nhưng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo. DN này mong muốn nhà cung cấp điện trực tiếp có thể tham gia sớm cơ chế mua bán trực tiếp giữa đơn vị phát điện tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn. Qua đó, giúp DN thực hiện thành công tham vọng giảm phát thải.

Chia sẻ tại Hội nghị triển khai các nghị định về năng lượng tái tạo ngày 25.11 vừa qua, nhiều DN năng lượng cũng đặt vấn đề là giá cả để bán điện trực tiếp thì không biết tính thế nào; các quy định về chi phí truyền tải, phân phối - bán lẻ điện, quản lý, điều độ hệ thống, điều hành, chi phí thanh toán bù trừ... đến nay vẫn còn quá mơ hồ. Một DN sản xuất khu vực phía nam băn khoăn vì không có cơ sở pháp lý trong đàm phán giá điện với khách hàng. Rồi các dự án điện tái tạo chuyển tiếp, bị lỡ giá FIT, đang hưởng giá tạm theo Quyết định 21 liệu có được chuyển sang tham gia cơ chế DPPA thì không được hướng dẫn. Đặc biệt, DN có nhu cầu sử dụng dưới 200.000 kWh, có thể gom 2 DN sát nhau trong khu công nghiệp để mua điện trực tiếp có được không?... Đại diện một quỹ ngoại đầu tư điện mặt trời nhận xét, cơ chế DPPA chậm do chưa có hướng dẫn cụ thể nào của Bộ Công thương về mức phí DPPA và phí liên quan.

Lý giải về việc chưa có DN nào đăng ký tham gia DPPA, một lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) thừa nhận là có nhiều lý do. Hoặc DN lớn muốn tìm một đầu mối phát điện có đủ tổ hợp với công suất phát lớn, có thể lên 1.000 MW để ký kết mua điện, tuy nhiên rất khó có đơn vị phát điện nào đáp ứng được công suất lớn như vậy nên việc mua điện trực tiếp bị tắc tại đây. Bên cạnh đó, một số DN đang trong quá trình tìm kiếm, trao đổi, thỏa thuận và khi thống nhất mới ký kết tham gia. Thường giai đoạn tìm kiếm, trao đổi này mất khá nhiều thời gian. "Cơ chế DPPA là cơ chế lựa chọn, khi cung và cầu gặp nhau thì mới có thỏa thuận ký kết", vị này nói.

Chuyên gia năng lượng, TS Ngô Đức Lâm cho rằng Nghị định 80 là khung pháp lý cơ bản để bước đầu triển khai thị trường mua bán điện cạnh tranh. Cần phải hoàn thiện cơ chế DPPA đi vào cuộc sống. Các bên có nhu cầu mua và bán đang tìm hiểu nhau nhưng về phía quản lý phải có hướng dẫn chi tiết từ Bộ Công thương, bởi đây là lần đầu tiên VN có cơ chế DPPA, cần chi tiết hơn. Vừa qua, Bộ Công thương triển khai các nghị định về năng lượng tái tạo đến từng khu vực địa phương nhằm lắng nghe những vướng mắc giữa bên bán và bên mua điện trực tiếp. Hy vọng sau các hội nghị này, Bộ Công thương phải bắt tay vào tháo gỡ, hướng dẫn gấp mới đẩy nhanh được nhu cầu mua bán điện trực tiếp từ nguồn điện tái tạo.

Các hướng dẫn tháo gỡ cần tập trung một số vấn đề: Mua bán điện trực tiếp qua lưới riêng hay qua lưới quốc gia, đều tạo áp lực cho lưới điện. Nghị định 80 nêu rõ đảm bảo an ninh năng lượng điện quốc gia, an toàn hệ thống điện theo quy hoạch đã được phê duyệt. Theo Quy hoạch điện 8, đến năm 2030 có 4.100 MW điện mặt trời, trong đó tổng công suất tự sản, tự tiêu hết 2.600 MW. Như vậy, chỉ tiêu phát triển mới các nguồn điện mặt trời theo DPPA đến 2030 chỉ khoảng 1.500 MW. Giới hạn này cần được nêu rõ trong các văn bản hướng dẫn nhằm gạt bỏ cơ chế xin - cho ngay từ đầu.

Bên cạnh đó, cần sớm sửa Quy hoạch điện 8 để có thể có nhiều người tham gia cơ chế DPPA hơn. Quan trọng nhất là cần triển khai sớm chính sách giá điện 2 thành phần, qua đó tính toán giá bán điện theo cơ chế DPPA mới tương đối chính xác và không bị lúng túng giữa bên bán, bên mua.

Chuyên gia năng lượng, TS Ngô Đức Lâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.