Chứng từ, hóa đơn xuất ra của đơn vị này là căn cứ nhập vào phục vụ cho việc hạch toán, xuất tiền, khấu trừ thuế của đơn vị khác…
Hóa đơn đã được giao cho cơ quan thuế in ấn phát hành tập trung, các DN phải mua để sử dụng thống nhất trong cả nước. Việc phát hành tập trung và mua bán để sử dụng thống nhất như trên đã có tác dụng nhiều mặt như mục tiêu ý nghĩa đã nói ở trên. Tuy nhiên cũng xuất hiện một số hạn chế bất cập, trong đó có hai điểm chủ yếu sau đây.
Một, đó là những hạn chế, bất cập trong việc mua, bán hóa đơn thuế. Cơ quan thuế phải có bộ phận phụ trách ấn chỉ để lo in ấn, kho tàng, làm các thủ tục mua bán hóa đơn thuế với nhà in (hoặc tổ chức phát hành tập trung của ngành), với DN và theo nguyên tắc cũng phải có kế toán, thủ kho, thủ quỹ, cũng phải có hóa đơn, sổ sách thu, chi, hạch toán, báo cáo… - có nghĩa là phải thêm tổ chức, bộ máy quản lý cho ngành thuế. Cơ sở sản xuất kinh doanh ở những nơi đông đúc này và vào những thời kỳ nhất định (thường là những ngày đầu tháng) phải xếp hàng, thậm chí đi lại nhiều lần để mua hóa đơn. Nếu có chuyện xếp hàng thì phát sinh tình trạng đi kèm là “cò” xen vào để bán số thứ tự…
Hai, xuất hiện các DN “ma” được đăng ký, thành lập chỉ để mua bán hóa đơn kiếm lời, nhưng gây hậu quả nghiêm trọng làm thất thoát tiền bạc của Nhà nước. Theo cơ quan đăng ký kinh doanh, cả nước hiện có trên 300 nghìn DN, nhưng theo số liệu điều tra DN của Tổng cục Thống kê thì số DN đang hoạt động sản xuất kinh doanh đến 31.12.2006 là trên 131,3 nghìn; nếu mỗi năm tăng khoảng hai chục nghìn DN thì đến cuối năm 2008 cũng chỉ có khoảng trên dưới 170 nghìn, có nghĩa là chưa bằng hai phần ba số đăng ký. Chênh lệch lớn trên có một phần do “không khớp” giữa số đăng ký với số đã thực tế đưa vào hoạt động; có phần do có sự chưa thống nhất giữa các ngành về đơn vị được gọi là DN (tức là hạch toán độc lập) hoặc đơn vị phụ thuộc (không hạch toán độc lập); nhưng có một nguyên nhân không kém phần quan trọng là do nhiều đơn vị đã giải thể, hay có không ít DN tuy đăng ký kinh doanh, nhưng lại là DN “ma” chỉ để mua bán hóa đơn. Nhiều vụ mua bán hóa đơn đã được phát hiện và xử lý trong thời gian qua mới chỉ là bề nổi.
Việc mua bán hóa đơn có tác hại về ba mặt. Một mặt làm cho Nhà nước mất một khoản thu thuế lớn. Mặt khác Nhà nước còn phải chi ra một khoản tiền có thể lớn hơn để chi cho các cơ quan hành chính, sự nghiệp nhà nước do những cá nhân thẩm lậu thông qua việc mua bán hóa đơn để thanh toán khống hoặc hợp thức, để hoàn thuế giá trị gia tăng. Mặt khác nữa là làm cho việc hạch toán của các đơn vị trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân không còn chuẩn xác.
Đứng trước những hạn chế, bất cập đó, cần xem lại đề xuất được thảo luận nhiều trước đây là có thể giao cho các DN sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ được tự in hóa đơn. Đương nhiên, những hóa đơn này cần được chuẩn hóa theo mẫu chung và phải có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan thuế.
Ngọc Minh
Bình luận (0)