Mua bán vàng vẫn gặp khó

16/10/2024 05:57 GMT+7

Sau khi người dân có ý kiến về việc gần như không thể mua vàng miếng SJC qua hình thức trực tuyến, Ngân hàng Nhà nước cho rằng có thể đến các điểm kinh doanh trực tiếp để được giải đáp.

Thậm chí, Ngân hàng (NH) TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV) đã mở thêm điểm bán trực tiếp. Tuy nhiên, việc đăng ký mua vàng vẫn gặp khó.

Mua vàng vẫn phải đăng ký trực tuyến, khó khăn

Theo phản ánh mới đây của bà Trần Nhi (ngụ Hà Nội) qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ, từ khi 4 NH thương mại nhà nước và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chỉ cho mua vàng miếng khi đăng ký trực tuyến, đã có tình trạng người dân gần như không thể mua vàng miếng vì liên tục đăng ký không thành công, dù "canh" rất đúng giờ.

Mua bán vàng vẫn gặp khó- Ảnh 1.

Người dân gặp khó khăn khi muốn mua vàng miếng SJC

ẢNH: NGỌC THẮNG

Bà Nhi hỏi cơ quan chức năng có giải pháp nào để người dân có thể tiếp cận việc mua vàng miếng dễ dàng hơn không? Vì việc khó tiếp cận từ nguồn chính thống, người dân sẽ phải chấp nhận mua trực tuyến qua các kênh không chính thống và đang có dịch vụ đăng ký hộ với nhiều rủi ro cũng như tốn chi phí không đáng có.

Trả lời phản ánh trên, NH Nhà nước (NHNN) cho rằng từ ngày 3.6 đến nay, cơ quan này đã tổ chức bán vàng miếng SJC thông qua 4 NH thương mại nhà nước và Công ty SJC để bán trực tiếp vàng miếng tới người dân. Từ khi tổ chức thực hiện phương án nêu trên, NHNN thường xuyên chỉ đạo các tổ chức thực hiện nghiêm túc phương án bán vàng miếng SJC. Tăng cường kiểm tra, giám sát quy trình thực hiện bán vàng miếng tại các điểm bán vàng miếng SJC; đảm bảo tuân thủ các quy định có liên quan, không để xảy ra vi phạm trong quá trình thực hiện… Vì vậy, trường hợp khách hàng có kiến nghị về cách thức bán vàng miếng SJC bằng phương thức trực tiếp hay đăng ký trực tuyến của Công ty SJC, đề nghị khách hàng liên hệ với Công ty SJC qua các kênh thông tin điện tử hoặc đến trực tiếp các điểm kinh doanh của công ty này để được giải đáp.

Sau phản hồi của NHNN, kể từ ngày 14.10, BIDV thông báo mở rộng các điểm bán vàng miếng SJC lên 4 điểm tại Hà Nội và 2 điểm tại TP.HCM, tăng gấp đôi số điểm bán so với thời gian đầu triển khai bán vàng miếng SJC. Tuy nhiên, BIDV lưu ý chỉ bán vàng miếng SJC cho khách hàng đã có tài khoản tại NH này và đăng ký mua trực tuyến trên website của BIDV. Quy định này cũng giống như trước và hình thức bán vàng miếng SJC cũng tương tự cả 3 NH còn lại và Công ty SJC.

Vẫn khó mua bán vàng

Hôm qua (15.10), chúng tôi đăng nhập website của SJC để đăng ký mua vàng miếng thì toàn bộ 5 điểm giao dịch vàng miếng SJC của công ty tại khu vực TP.HCM đều hết lượt mua vàng. Lên ứng dụng NH TMCP Ngoại thương VN (Vietcombank), đăng ký mua vàng miếng SJC ở những chi nhánh thì cũng nhận được thông báo quay lại đăng ký vào ngày làm việc tiếp theo do đã nhận đủ số lượng khách hàng đăng ký mua vàng miếng SJC của hôm nay. Tình trạng này thử ngay trên website của BIDV cũng tương tự...

Đáng chú ý, chỉ có riêng SJC là bất kỳ khách hàng nào cũng có thể đăng ký mua vàng qua website, còn với tất cả 4 NH thương mại nhà nước gồm BIDV, Vietcombank, NH NN-PTNT (Agribank) và NH TMCP Công thương VN (VietinBank) thì yêu cầu khách hàng phải có tài khoản tại chính 4 nhà băng này mới có thể đăng ký mua vàng miếng SJC.

Không những mua vàng miếng SJC khó khăn vì phải "canh" đăng ký mà ngay cả vàng nhẫn 4 số 9, người dân có thể mua tại nhiều cửa hàng kinh doanh khác cũng "hên xui". Chị Thanh Hồng (ngụ Q.3, TP.HCM) cho biết tuần trước, chị ghé một cửa hàng vàng có thương hiệu để mua vàng nhẫn do chuẩn bị làm quà cưới cho cháu nhưng cửa hàng báo hết, chị phải đi đến 2 cửa hàng tư nhân khác mới mua được.

Còn hôm qua, chúng tôi ghé một tiệm vàng khu vực chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM), nhân viên bán hàng cho biết tiệm đang có vàng nhẫn thương hiệu SJC loại 1 chỉ và 5 chỉ. Giá vàng nhẫn là 84,5 triệu đồng/lượng (cao hơn giá Công ty SJC bán ra 1,2 triệu đồng/lượng, ở mức 83,4 triệu đồng/lượng). Ngoài ra, việc bán vàng cũng không còn dễ dàng như trước.

Cách đây 1 tuần, bà B.S (TP.Đà Nẵng) cho biết liên tục 10 ngày bà mang vàng nhẫn trước mua ở Công ty SJC miền Trung đi bán nhưng cửa hàng tạm ngưng hoạt động. Bà mang vàng nhẫn SJC qua Công ty PNJ thì không bán được vì cửa hàng chỉ mua vào vàng nhẫn của chính họ. Qua cửa hàng Doji cũng gặp cảnh tương tự. Đến nay, Công ty SJC miền Trung đã mở cửa trở lại nhưng bà không cần tiền nữa nên quyết định giữ luôn số vàng này…

Càng siết, vàng càng trở thành hàng hóa đặc biệt?

Việc khó mua khó bán của người dân trên thị trường vàng hiện nay nên với nhiều người đây là một loại hàng hóa rất đặc biệt. Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển phân tích: Từ trước năm 2012, thị trường vàng vẫn hoạt động bình thường. Nhưng từ năm 2012 khi NHNN cho rằng vàng gây "nhiễu loạn" chính sách tiền tệ và kinh tế vĩ mô thì bắt đầu có những chính sách quản lý siết chặt. Đặc biệt trong vòng 5 năm qua, sự chênh lệch của giá vàng trong nước với thế giới ngày càng tăng, bất hợp lý. Mức chênh lệch này lại chảy vào đâu không ai biết và tình trạng buôn lậu theo đó cũng gia tăng.

Mua bán vàng vẫn gặp khó- Ảnh 2.

Người dân gặp khó khăn khi muốn mua vàng miếng SJC

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Đến hiện tại, giao dịch của người dân lại khó khăn hơn bội phần. Do vậy, cần phải đánh giá nhìn nhận lại thị trường vàng một cách công bằng, khách quan. Bởi có thể thấy thực tế năm 2022, khi thị trường tài chính tiền tệ có biến động mạnh thì nguyên nhân không phải do vàng mà chính là thị trường bất động sản. Nếu nói rằng đầu cơ trục lợi trên thị trường vàng thì sẽ quá nhỏ so với thị trường bất động sản.

TS Đinh Thế Hiển nhấn mạnh: Nếu NHNN vẫn còn loay hoay với việc quản lý và siết chặt vàng thì tự dưng lại khiến tâm lý người dân càng xem trọng vàng, càng thúc đẩy nhu cầu về hàng hóa này tăng cao. Chấp nhận quản lý vàng là cần thiết nhưng phải có giải pháp quản lý hợp lý, tạo việc mua bán thuận lợi cho người dân như trước đây.

Đồng tình, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cho rằng từ trước đến nay, vàng vẫn được xem là khác biệt với những hàng hóa thông thường nên các chính sách quản lý có sự khác biệt. Đây cũng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các doanh nghiệp (DN) phải được cấp phép từ cơ quan quản lý chuyên ngành là NHNN. Nhưng từ trước đến nay người dân vẫn được mua bán theo nhu cầu. Chỉ riêng từ tháng 6 đến nay, NHNN chỉ cho phép bán vàng miếng SJC thông qua SJC và 4 NH thương mại nhà nước nhằm kéo giảm chênh lệch giá giữa trong nước và thế giới, chống hoạt động đầu cơ buôn lậu. Có thể nói rằng NHNN đã thành công với mục tiêu này.

Tuy nhiên, điều này lại khiến thị trường vàng trở nên không bình thường. Hơn nữa, người dân rất khó mua cũng khó bán - là điều khác biệt nhất so với trước đây. Trong khi đó, nhu cầu về vàng để tiết kiệm, làm tài sản tích lũy của người dân từ trước đến nay vẫn luôn có. Đây là nhu cầu chính đáng của người dân bao đời nay.

"Dù vàng là hàng hóa đặc biệt thì có cách quản lý riêng nhưng cần để thị trường hoạt động bình thường như trước. Hiện các giải pháp bán vàng thông qua SJC và 4 NH thương mại chưa biết đến khi nào kết thúc khiến người dân hoang mang, lo lắng là có thực. Tôi cho rằng NHNN cần xem xét để sớm thay đổi vì giải pháp hiện nay chỉ nên sử dụng ngắn hạn. Trong thời gian tới vẫn sớm sửa đổi một số quy định trong Nghị định 24 để đáp ứng nhu cầu giao dịch bình thường của người dân", TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Nên để thị trường vàng hoạt động bình thường

Trước thực trạng mua bán vàng của người dân gặp khó khăn, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận định thị trường này hiện bị méo mó. Theo ông Huân, NHNN thông qua 4 NH và Công ty SJC để bán vàng ra thị trường và đưa ra giá bán hằng ngày. Dù đạt được mục tiêu rút ngắn mức đắt đỏ hơn thế giới từ 20 triệu đồng/lượng xuống còn 4 - 5 triệu đồng/lượng nhưng người mua vàng không dễ. Chính vì điều này mà nhiều người sở hữu vàng có tâm lý không bán ra hoặc nếu có cần tiền, buộc mang vàng ra bán thì cũng đem ra thị trường tự do để bán với giá cao hơn. 

Ngoài ra, từ đầu tháng 6 đến nay, các đơn vị bán vàng miếng giới hạn mỗi người 1 lượng, nhiều người có nhu cầu mua khối lượng nhiều hơn thì đành chấp nhận ra thị trường tự do. Ví dụ, trước đây một khách hàng mua 100 cây vàng một lúc là bình thường, có chỗ để mua nhưng nay thì điều này khó thực hiện. Không những vàng miếng SJC mà cả vàng nhẫn cũng rơi vào tình cảnh khan hàng. Một số chành (đơn vị sản xuất vàng) nhận được đơn hàng vài chục chỉ vàng nhẫn cũng lắc đầu vì không có nguồn nguyên liệu để sản xuất.

TS Đinh Thế Hiển lưu ý, nếu vẫn không khuyến khích đầu tư, nắm giữ vàng thì cần có chính sách quản lý phù hợp. Chẳng hạn như các loại ô tô vốn chúng ta cũng không khuyến khích mua sắm thì sẽ thông qua các loại thuế. Giá ô tô ở VN cao hơn nhiều so với các nước khác thì người dân vẫn mua bán bình thường khi có nhu cầu. Mức chênh lệch đó là chảy vào ngân sách nhà nước. Vì vậy, người dân cũng có thể chấp nhận mức chênh lệch giữa vàng trong nước với thế giới nhưng phải để họ được giao dịch thuận lợi. NHNN nên đánh giá lại và đề xuất chính sách quản lý. 

Chẳng hạn, có thể cho phép các DN lớn (kể cả một số NH thương mại nhà nước) nhập khẩu vàng hằng năm theo quy định về số lượng nhất định (hạn ngạch). Các DN nói chung sẽ có nhiều thương hiệu vàng riêng rẽ như trước năm 2012 và từ đó có sự cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo thanh khoản nhưng mức chênh lệch với thế giới cũng sẽ không quá cao như vừa qua. Bản thân việc nhập khẩu vàng cũng như tích lũy tài sản và có tính thanh khoản cao, dễ dàng chuyển thành ngoại tệ bất kỳ lúc nào nên đừng quá lo lắng đến việc ảnh hưởng đến ngoại tệ hay dòng tiền người dân đổ hết vào vàng.

"Tôi cho rằng để thị trường vàng hoạt động bình thường, cho phép nhập khẩu theo hạn ngạch thì nhu cầu của người dân cũng như từ trước đến nay là ở mức bình thường. Người dân vẫn thích đa dạng hóa việc tích lũy bằng nhiều tài sản khác nhau như bất động sản, vàng…", TS Đinh Thế Hiển nhận định.

TS Nguyễn Trí Hiếu cũng đồng tình không nên quản lý thị trường vàng một cách "cực đoan". NHNN cần xem xét, đề xuất sửa đổi nhanh một số quy định tại Nghị định 24 trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, NHNN không tham gia trực tiếp vào thị trường vàng mà chỉ làm vai trò quản lý. Hoạt động nhập khẩu vàng giao cho các DN được phép với số lượng tính toán phù hợp cho từng giai đoạn. Điều này vẫn giúp duy trì chênh lệch giá vàng trong nước với quốc tế hợp lý; người dân được mua bán tự do như trước đây.

Bên cạnh đó, VN có thể tiến tới nghiên cứu có chứng chỉ vàng (dạng sàn chứng khoán vàng) để khuyến khích người dân giao dịch thay vì mua bán vàng vật chất. Bởi việc mua bán và tích trữ vàng vật chất trong nhà có nhiều rủi ro. Trong khi đó, việc phát hành chứng chỉ vàng để giao dịch có thể thúc đẩy sự luân chuyển dòng vốn trên thị trường và cũng giảm lượng vàng nguyên liệu cần nhập khẩu nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu đầu tư, tích trữ của người dân.

Để giá vàng biến động theo cung cầu thị trường

Vàng cũng như những hàng hóa khác, giá cả biến động theo cung cầu thị trường, cứ cung vàng nhiều lên thì giá cả sẽ tự giảm. Cần nhanh chóng có giải pháp để thị trường này hoạt động một cách bình thường. Ngoài ra, về lâu dài giải pháp cho thị trường đó là cần sớm nghiên cứu sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, trong đó nhanh chóng nghiên cứu chứng chỉ vàng để có thể thay thế vàng vật chất. Đồng thời sớm cho các DN được nhập khẩu nguồn nguyên liệu sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Tình trạng khan hiếm nguyên liệu sản xuất vàng nhẫn đã thúc đẩy giá tăng nhanh trong năm nay, có lúc vượt mặt vàng miếng SJC.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (ĐH Kinh tế TP.HCM)

Giá vàng miếng SJC đắt hơn thế giới lên 5 triệu đồng/lượng

Giá vàng miếng SJC gia tăng mức đắt đỏ, lên 5 triệu đồng mỗi lượng thay vì khoảng 4 triệu đồng/lượng những ngày trước đó. Các đơn vị kinh doanh vàng miếng SJC mua vào với giá 83 triệu đồng/lượng, bán ra 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC đứng yên bất động dù giá thế giới có sự điều chỉnh giảm. Kim loại quý trên thị trường quốc tế ở mức 2.653 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng nhẫn tiếp tục tăng thêm từ 100.000 - 200.000 đồng mỗi lượng. Công ty SJC mua vào vàng nhẫn lên 81,9 triệu đồng, bán ra 83,4 triệu đồng. Công ty PNJ mua vào 82,8 triệu đồng, bán ra 83,8 triệu đồng… Giá vàng nhẫn đang ở mức cao kỷ lục và đắt hơn thế giới lên 3,8 triệu đồng/lượng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.