Vay vàng, lỗ nặng
Đầu tháng 2.2022, anh L.S (sống tại TP.HCM) mượn mẹ 2 lượng vàng miếng SJC để đầu tư chứng khoán. Anh L.S cho biết, đã bán 2 lượng vàng với giá gần 65 triệu đồng/lượng, nhận về chưa đến 130 triệu đồng. Thời điểm đó, vẫn còn dịch Covid-19 nên toàn bộ số tiền được anh L.S nạp vào tài khoản chứng khoán để lướt sóng nhưng lỗ nặng. Cứ loay hoay đầu tư này kia nên số tiền ngày càng "teo tóp". Anh L.S cho biết: "Gần 3 năm qua cũng chưa mua được 2 lượng vàng trả cho mẹ. Giờ nhìn giá vàng miếng lên 84 - 85 triệu đồng/lượng, phải cần số tiền lên 170 triệu đồng mới mua được. Như vậy, chưa đầy 3 năm mà số tiền phát sinh thêm lên 40 triệu đồng, tương đương gần 31%. Nói chung nhắc đến vay vàng như một bài học xương máu. Thôi thì tích cóp tiền mua lại vàng trả mẹ chứ không giá cứ lên hoài thì không biết bao giờ mới trả được 2 lượng vàng", anh L.S cho hay. Trường hợp như anh L.S không phải hiếm, nhiều người vay vàng người thân để mua nhà, mua xe hay chi phí cho cuộc sống thì nay gánh nặng khi giá kim loại quý tăng mạnh.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) thông báo bán đấu giá khoản nợ liên quan Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT) với giá khởi điểm hơn 616,8 tỉ đồng. Sau nhiều lần đấu giá không thành công, giá khởi điểm của khoản nợ này liên tục được điều chỉnh giảm, lần giảm gần đây nhất là hơn 229 tỉ đồng so với thời điểm tháng 8. Công ty APT có 2 hợp đồng vay tại Sacombank vào năm 2009 là 103 tỉ đồng và 5.833 lượng vàng SJC. Theo thông báo của Sacombank, tổng nghĩa vụ trả nợ tính đến ngày 8.1.2024 hơn 1.768 tỉ đồng, trong đó vốn là 529,97 tỉ đồng, lãi trong hạn 823,23 tỉ đồng, lãi quá hạn hơn 415 tỉ đồng. Trong báo cáo tài chính năm 2023, đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ khi APT lỗ lũy kế tới 1.354 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu 1.264 tỉ đồng. Như vậy số lỗ lũy kế đang lớn gấp 15,39 lần vốn điều lệ công ty (88 tỉ đồng). Phía APT giải trình khoản lỗ 1.354,5 tỉ đồng thực chất là lỗ do phát sinh khoản lãi vay phải trả ngân hàng và xử lý dự phòng công nợ, hàng tồn kho… của những năm trước đó. Với số nợ bằng vàng, hàng năm công ty APT phải cho ngân hàng tăng lên hàng chục tỉ đồng. Chẳng hạn, cuối năm 2023, nợ bằng vàng của công ty phải trả là 665,24 tỉ đồng, tăng 95,7 tỉ đồng so với đầu năm. Công ty cũng thừa nhận mất khả năng thanh toán khoản nợ này.
Lỗ nặng vì vàng miếng SJC tăng giá
Dự báo giá vàng tăng nhưng…
Sự tăng giá mạnh của vàng miếng SJC trong năm nay khiến nhiều người vay nợ vàng "gục ngã". So với đầu năm, giá vàng miếng SJC tăng 13,5 triệu đồng/lượng, tương đương mức đi lên 19%. Giá mua vào vàng miếng SJC ở mức 82,5 triệu đồng, còn chiều bán ra ở mức 84,5 triệu đồng. Mức giá này thấp hơn mức kỷ lục trong năm mà vàng miếng SJC đạt là 92,4 triệu đồng/lượng nhưng cũng rất cao. Tốc độ tăng giá của vàng miếng vẫn thấp hơn so với vàng nhẫn 4 số 9. Với mức giá bán ở 83,1 – 83,3 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn hiện nay đang cao hơn so với đầu năm 21 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng thêm 33,8%. Kim loại quý trên thị trường quốc tế cũng tăng khá mạnh so với đầu năm, thêm khoảng 600 USD/ounce, lên 2.657 USD/ounce. Mức tăng giá của vàng quốc tế so với đầu năm là 28,7%.
Mặc dù vàng quốc tế đang đứng ở mức cao nhưng nhiều chuyên gia gần đây vẫn đưa ra dự báo mức giá của kim loại quý còn cao hơn nữa vào cuối năm. Chuyên gia Nick Fulton tại USA Pawn đã thay đổi mức giá dự báo của vàng lên 3.000 USD/ounce vào cuối năm thay vì mức 2.800 USD/ounce trước đó. Vàng đang được chọn là nơi trú ẩn khi thời kỳ xung đột chính trị căng thẳng, cuộc chiến tại Trung Đông vẫn chưa có hồi kết. Thêm vào đó, lãi suất của Mỹ đang có xu hướng hạ. Ông Matthew Jones - nhà phân tích kim loại quý tại Solomon Global - dự báo, giá vàng có thể đạt 3.000 USD nếu Israel tấn công trả đũa Iran…
Trong trường hợp giá vàng quốc tế đạt mức giá 3.000 USD/ounce, quy đổi theo giá USD ngân hàng vào khoảng 90,4 triệu đồng/lượng. Mức giá dự báo này cao hơn giá hiện nay khoảng 340 USD/ounce, tương ứng 10,2 triệu đồng/lượng. Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng giá vàng thế giới dù có thể tăng lên 3.000 USD/ounce nhưng trong cơn sốt vàng, người dân tuyệt đối đừng vay vàng hay mượn tiền để mua vàng. Bởi khi giá vàng tăng nhanh thì cũng có thể giảm nhanh chóng sau đó. Mượn tiền mua vàng hay mượn vàng để bán lấy tiền thì đều có nguy cơ lỗ nếu không đúng xu hướng giá đi như thế nào.
Bình luận (0)