Lo lắng mua bán vàng không hóa đơn bị ép giá
Sau khi Báo Thanh Niên thông tin 2 cửa hàng của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC tại Đà Nẵng trên đường Hùng Vương và đường Nguyễn Văn Linh đóng cửa vừa qua thì nay 2 cửa hàng này đã mở cửa trở lại. Tuy nhiên, đây chỉ là động thái tạo sự an tâm cho khách hàng của công ty, còn cửa hàng vẫn chưa mua bán trở lại. Bà B.S (khách hàng mua vàng tại Công ty SJC miền Trung) cho biết: "Cửa hàng hiện mở cửa nhưng chưa mua bán gì nên tôi vẫn còn giữ 11 chỉ vàng nhẫn vì đi bán chỗ khác cũng không tiệm nào mua. Hơn nữa, thời điểm mang vàng đi bán, giá vàng nhẫn ở mức
82 triệu đồng/lượng, nay xuống còn 81,5 triệu đồng/lượng nên tạm thời chưa bán ra". Công ty SJC miền Trung mới đây có thông báo sau thời gian tạm ngưng hoạt động sẽ trở lại kể từ ngày 14.10 tại 3 địa điểm trên địa bàn TP.Đà Nẵng là 193 Hùng Vương, 185 Nguyễn Văn Linh và 8 Bạch Đằng.
Dù câu chuyện bán vàng của bà B.S đã tạm thời được giải quyết, nhưng thực tế mua bán khó khăn đang khiến nhiều người có thói quen tích trữ, tiết kiệm bằng vàng lo lắng. Chị Thanh Nga (ngụ Q.Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ chị có thói quen mua vàng tiết kiệm mỗi khi có tiền dư. Bằng cách đó, gần chục năm qua, chị đã "bỏ ống" được 2 lượng vàng miếng SJC mua tại cửa hàng vàng khu vực chợ Bến Thành (Q.1, Thành phố Hồ Chí Minh). Giờ thấy ở đâu cũng yêu cầu hóa đơn, chị lo lắng vì không còn giữ bất cứ giấy tờ gì. "Hồi mua nhớ là có hóa đơn mà sau mấy lần chuyển nhà, tôi bỏ đâu không biết. Vừa rồi đi ngang tiệm vàng đó hỏi thì họ nói không mua vàng miếng SJC nên cũng hoang mang không biết bán vàng ở đâu. Tôi mua là để phòng thân nên cũng chưa có ý định bán. Tuy nhiên, khi nghe thông tin mua bán vàng phải có hóa đơn nên cũng hoang mang", chị Nga lo lắng.
Trên một diễn đàn vàng, một số thành viên chia sẻ: "Vàng lên giá từng ngày nhưng người đang giữ vàng không mấy vui vì nếu họ tích trữ từ năm này sang năm khác và không may bị mất hóa đơn thì rất khó bán". Một người khác thắc mắc: "Có miếng vàng 5 chỉ SJC mà mua cách đây 5 năm, không có hóa đơn thì bán làm sao?". Ngay tức thì có người hướng dẫn: "Bán chợ đen đó bạn, bị trừ cỡ 150.000 - 200.000 đồng/miếng 5 chỉ tùy chỗ. Nhưng có nơi thu, có nơi không". Một thành viên khác lại khẳng định: "Cứ ra chợ đen thì có bao nhiêu vàng đều bán được hết, cần gì CCCD"… Ngoài ra, giá vàng miếng SJC hay vàng nhẫn giao dịch trên những diễn đàn này cũng đã hạ nhiệt hơn trước đó mấy ngày. Chẳng hạn có người ở Thành phố Hồ Chí Minh cần mua số lượng lớn với giá 84,7 triệu đồng/lượng, có nơi 85,3 triệu đồng/lượng… Trong khi đó, giá mua - giá bán vàng miếng của Công ty SJC là 82,5 - 84,5 triệu đồng/lượng.
Bán vàng còn khó hơn mua
Mua bán vàng phải xem mặt
Ông C.C, chủ tiệm vàng lâu năm tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết do mấy tháng gần đây, việc mua bán vàng yêu cầu khách hàng phải trình CCCD nên trong giao dịch cũng có điểm hơi khác so với trước. Cụ thể, khách hàng vào bán vàng mà có hóa đơn thì tiệm vàng sẽ gọi điện xác minh xem tiệm kia còn hoạt động không. Nếu tiệm vàng xuất hóa đơn còn hoạt động thì tiệm sẽ thu lại vàng của khách hàng với giá thấp hơn tiệm kia rồi sau đó sẽ mang đến tiệm cũ bán lại kiếm lời. Trường hợp khách hàng không có hóa đơn nhưng trên sản phẩm có thể hiện thông tin của đơn vị sản xuất có uy tín thì tiệm cũng sẽ thu lại sản phẩm. Riêng những sản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thì tùy trường hợp mà xử lý.
"Thực tế, ở các tỉnh thành còn phong tục tặng vàng nhẫn, nữ trang cho đám cưới, sau đó các đôi vợ chồng trẻ lên Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống và có nhu cầu bán lại để mưu sinh. Trong trường hợp này, tiệm sẽ yêu cầu người bán trình CCCD, kiểm tra sản phẩm và báo giá. Thông thường những sản phẩm trong các món nữ trang này có hàm lượng, chất lượng khác nhau nên giá cũng sẽ khác nhau. Do không có hóa đơn nên giá thu vào sẽ thấp hơn so với giá niêm yết tại thời điểm đó. Ví dụ, giá vàng 18K có mức 4,64 triệu đồng/chỉ chiều mua vào, bán ra 5,14 triệu đồng/chỉ, thì giá mua vào là 4,44 triệu đồng/chỉ, thấp hơn khoảng 200.000 đồng/chỉ so với giá bình thường", ông C.C giải thích.
Vị này thừa nhận, người bán vàng không đúng tiệm đã mua thì trước nay đều bị thiệt. Không những mức giá thấp hơn mà có khi sản phẩm được cân lại không đủ trọng lượng, lại thiệt thêm một lần nữa. Không chỉ vàng cưới, nhiều người đi du lịch Đài Loan, Dubai… mua vàng trang sức, khi có nhu cầu bán lại nhưng không có hóa đơn thì cũng sẽ tính như vậy. "Những khách bán vàng chịu cung cấp CCCD thì đó là vàng của họ, còn những người không chịu đưa CCCD khi bán vàng thì có thể là hàng gian, tiệm cũng sợ không dám mua vào. Làm nghề bán vàng như thầy bói, phải xem mặt khách hàng như thế nào mới dám mua bán, không thì mua phải hàng không sạch lại khổ", ông C.C phân trần.
Cũng vì mua bán rắc rối hơn nên mấy tháng trở lại đây, thanh khoản thị trường vàng ảm đạm. Đặc biệt, những thông tin râm ran về việc thanh, kiểm tra các đơn vị kinh doanh vàng đang diễn ra càng khiến giao dịch trầm lắng. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước công bố thông tin đang phối hợp các bộ, ngành liên quan quyết liệt triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng. Trong đó, tập trung nguồn lực để hoàn thành việc thanh tra theo Quyết định số 324 ngày 17.5.2024 đối với 2 tổ chức tín dụng và 4 doanh nghiệp kinh doanh vàng theo đúng kế hoạch. Kiên quyết đấu tranh làm rõ, xử lý và đề xuất các cấp thẩm quyền xử lý nghiêm đối với các vi phạm, kể cả vi phạm pháp luật hình sự (nếu có).
Như vậy, thị trường vàng vẫn đang trong giai đoạn lắng sâu.
Giá vàng nhẫn tăng trở lại
Kể từ khi Ngân hàng Nhà nước tiến hành bán vàng can thiệp thị trường qua 5 đơn vị, giá vàng nhẫn đã không ngừng tăng lên. Hiện nay giá vàng nhẫn đang cao hơn vàng thế giới 4 triệu đồng/lượng, còn vàng miếng SJC cao hơn 5,2 triệu đồng/lượng. Các đơn vị kinh doanh vàng miếng SJC có giá mua vào 82,5 triệu đồng, bán ra 84,5 triệu đồng. Trong khi đó giá vàng thế giới tiếp tục tăng thêm 6 USD/ounce, lên 2.640 USD/ounce.
Bình luận (0)