Mua bán xe cũ không sang tên: Xảy ra tai nạn, ai chịu trách nhiệm?

23/03/2024 10:46 GMT+7

Nhiều người mua bán xe cũ nhưng chỉ ký ủy quyền, không làm thủ tục sang tên thắc mắc khi nếu xảy ra tai nạn hay vấn đề pháp lý, ai chịu trách nhiệm?

Sau hơn 7 tháng Thông tư 24/2023 của Bộ Công an quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới có hiệu lực thi hành, nhiều người mua bán xe cũ vẫn thắc mắc về thủ tục sang tên, biển số định danh. Trong đó, những người mua xe cũ đặt câu hỏi: mua bán xe cũ chỉ ký ủy quyền, không sang tên thì lưu thông trên đường có bị CSGT phạt?

"Mua đi tạm"

Ông K. (50 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đang tìm mua xe ô tô cũ và rất thích chiếc xe mang biển số một tỉnh ở miền Tây. Tuy nhiên, giấy tờ xe đã ký qua 2 lần ủy quyền nên ông không tiếp tục ký ủy quyền được nữa, còn đi lại làm thủ tục thì ngại tốn thời gian.

Mua bán xe cũ không sang tên: Xảy ra tai nạn, ai chịu trách nhiệm?- Ảnh 1.

Xe máy cũ trên thị trường có nhiều loại với giá từ 3 triệu đến gần 50 triệu/xe

Vũ Phượng

"Nếu chốt chiếc xe này thì tôi chỉ cầm cà vẹt xe và 2 tờ ủy quyền đó để chạy, không làm được thủ tục gì. Còn nếu đi về tận nơi cấp biển số xe để sang tên thì tốn chi phí đi lại, trong khi chiếc xe của tôi giá trị không cao và chỉ đi lại trong thành phố. Điều tôi lo ngại là đi xe của mình nhưng không sang tên thì có bị CSGT phạt không", ông K. nói.

Mua bán xe cũ không sang tên: Xảy ra tai nạn, ai chịu trách nhiệm?

Việc mua xe ô tô cũ chỉ ký giấy ủy quyền, không làm thủ tục sang tên cũng không phải chuyện hiếm. Anh P. (42 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) cũng mua lại chiếc ô tô cũ với giá hơn 200 triệu đồng nhưng không làm thủ tục sang tên vì không biết chủ đứng tên trên cà vẹt xe đang ở đâu.

Anh P. chia sẻ: "Tôi mua chiếc xe đi tạm, luôn chấp hành luật giao thông nên cứ để vậy chạy, có bị CSGT phạt hay không tôi cũng không chắc".

Mua bán xe cũ không sang tên: Xảy ra tai nạn, ai chịu trách nhiệm?- Ảnh 2.

Những chiếc xe giá từ 3 - 5 triệu được nhiều người lao động thu nhập thấp tìm mua

Vũ Phượng

Trong khi đó, tại một số cửa hàng mua bán xe máy cũ tại TP.HCM, những chiếc xe đời cũ giá từ 3 - 6 triệu đồng/xe vẫn được rao bán. Theo chủ cửa hàng, những xe này có cà vẹt xe đầy đủ, biển số tỉnh nên người bán không muốn về tỉnh làm thủ tục thu hồi.

"Chiếc xe giá trị thấp, nếu về tỉnh làm thủ tục thu hồi thì vừa phát sinh chi phí đi lại, vừa phải nghỉ làm nên người bán không làm thủ tục thu hồi. Người mua xe trong khoảng tầm này chủ yếu là người lao động tay chân thu nhập thấp nên chỉ cần phương tiện đi lại, có giấy tờ bảo đảm xe hợp lệ là được", một chủ cửa hàng giải thích.

Mua bán xe cũ không sang tên, rủi ro ai gánh?

Lãnh đạo một đội CSGT phụ trách đăng ký xe cho biết, Thông tư 24 quy định, khi bán, tặng cho, thừa kế... (gọi chung là chuyển quyền sở hữu xe) thì chủ xe phải giữ lại chứng nhận đăng ký xe, biển số xe và nộp cho cơ quan đăng ký xe chứng nhận đăng ký xe, biển số xe để làm thủ tục thu hồi.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe, chủ xe phải làm thủ tục thu hồi; trường hợp quá thời hạn trên mà chủ xe không làm thủ tục thu hồi hoặc giao chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu xe làm thủ tục thu hồi thì trước khi giải quyết cơ quan đăng ký xe ra quyết định xử phạt đối với chủ xe về hành vi không làm thủ tục thu hồi theo quy định.

Mua bán xe cũ không sang tên: Xảy ra tai nạn, ai chịu trách nhiệm?- Ảnh 3.

Nếu mua bán xe mà không làm thủ tục thu hồi, đăng ký xe thì khi xảy ra tai nạn giao thông hay các vấn đề liên quan pháp luật khác người đứng tên trên cà vẹt xe phải chịu trách nhiệm

Vũ Phượng

Trường hợp chủ xe không làm thủ tục thu hồi sau khi chuyển quyền sở hữu xe thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi vi phạm liên quan đến xe đó.

"Do vậy, nếu mua bán xe mà không làm thủ tục thu hồi, đăng ký xe thì khi xảy ra tai nạn giao thông hay các vấn đề liên quan pháp luật khác người đứng tên trên cà vẹt xe phải chịu trách nhiệm", CSGT khẳng định.

CSGT cũng sẽ ra quyết định phạt sang tên trễ hạn khi điều tra giải quyết tai nạn giao thông hoặc khi giải quyết thủ tục đăng ký xe (quá hạn kể từ ngày ký giấy tờ 30 ngày).

Lãnh đạo một đội CSGT khác thông tin, khi lưu thông trên đường, người chạy xe cần đem theo các giấy tờ gồm: CMND/CCCD, giấy đăng ký xe (cà vẹt xe), bằng lái, bảo hiểm xe và đăng kiểm (với ô tô). Các trường hợp dừng xe yêu cầu xuất trình giấy tờ, CSGT chỉ kiểm tra các giấy tờ trên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.