Mua bánh trung thu tự đóng gói tặng trẻ em nghèo… bị phạt 10 triệu đồng

Đình Tuyển
Đình Tuyển
15/09/2018 10:44 GMT+7

Mua hàng ngàn bánh trung thu về tự đóng gói để tặng học sinh nghèo, một mạnh thường quân ở Cần Thơ bị cơ quan chức năng tịch thu bánh, phạt 10 triệu đồng.

Chiều 14.9, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Cần Thơ cho biết, Đội Quản lý thị trường số 5 của Chi cục vừa phối hợp với Cảnh sát môi trường xử phạt hành chính một người ở Cần Thơ mua 4.000 bánh trung thu không có bao bì, nhãn mác rõ ràng ở thời điểm kiểm tra .
Đắng lòng mua bánh không lấy bao bì
Người bị phạt là anh Nguyễn Minh Nhật, 32 tuổi, ngụ tại khu vực Yên Bình (P. Lê Bình, Q. Cái Răng, TP. Cần Thơ). Anh Nhật được biết đến với nhiều chương trình thiện nguyện ở miền Tây như "Trung thu yêu thương" (trao quà cho học sinh nghèo) hay "Cảnh đời" (tặng quà, xây nhà tình thương cho người khó khăn)…
Quyết định xử phạt của Quản lý thị trường với anh Nhật Ảnh: Đình Tuyển
Anh Nhật trần tình, ngày 28.8, trong lúc đang đi xa, anh có đặt mua 4.000 cái bánh trung thu loại nhỏ 120 gr (với giá 5.000 đồng/cái) của cơ sở bánh kẹo Cẩm Vân (đường Phạm Ngũ Lão, P. An Hòa, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ). “Do tin tưởng và cùng làm từ thiện nhiều năm nên khi cơ sở cho người giao hàng tận nhà tôi cũng không để ý đến các giấy tờ liên quan nguồn gốc. Cho đến khi bất ngờ bị quản lý thị trường kiểm tra và lập biên bản thu giữ số bánh. Lúc kiểm tra, tôi có xin cơ quan chức năng vài phút để đi lấy các giấy tờ liên quan. Nhưng khi tôi cầm đầy đủ giấy tờ về… thì lực lượng chức năng không chấp nhận, lý do: đã lập biên bản rồi”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, anh Nhật bị phạt là vì tại thời điểm kiểm tra, anh không xuất trình được hóa đơn của cơ sở mà anh mua bánh. Trong khi đó, theo lời xác nhận của anh Nhật thì trong số bánh anh mua, một phần là để tặng trực tiếp cho học sinh nghèo ở Trà Vinh, một phần là để bán như một hình thức kiếm tiền lời. Dù mục đích cũng là lấy tiền làm từ thiện nhưng theo như quy định, anh đã vi phạm lỗi kinh doanh hàng hoá không ghi nhãn mác và bị xử phạt theo Nghị định 117 của Chính phủ về vi phạm hành chính về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hoá.
“Cái sai sót chính là anh Nhật mua bánh mà không lấy bao bì của cơ sở sản xuất vốn đã in đầy đủ những tiêu chuẩn công bố mà lại tự đóng hộp. Về quy định an toàn thực phẩm thì các sản phẩm ra thị trường bắt buộc phải ghi công bố, hạn dùng, lô sản phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng”, ông Hiền nói.
Phiếu giao hàng anh Nhật bổ sung nhưng không được chấp nhận Ảnh: Đình Tuyển
Giải thích thêm về việc bán bánh làm từ thiện, anh Nhật cho biết: “Tôi hoàn toàn không cố tình làm hàng không nhãn mác. Hàng năm tôi mua bánh này để làm từ thiện cho các bạn học sinh vùng sâu vùng xa. Tôi và tất cả các thành viên trong nhóm hơn 60 người chia nhau ra, mỗi người bán một số bánh. Vừa có thêm tiền lời làm chương trình vừa để mọi người cảm nhận việc mình làm ý nghĩa hơn”.
Bánh vẫn có thể sử dụng được
Theo ông Hiền, sau khi lập biên bản, lực lượng quản lý thị trường cũng nhận được phản ánh của ông Nhật rằng một số cơ quan thông tấn dẫn nguồn và cho rằng bánh anh Nhật mua không có nguồn gốc xuất xứ, thậm chí nghi của Trung Quốc làm ảnh hưởng nhiều đến anh. Chính vì thế quản lý thị trường của đã tìm hiểu và xác minh rằng, phía Cơ sở bánh kẹo Cẩm Vân xác nhận có bán cho anh Nhật 4.000 cái bánh. Cơ sở này cũng xuất trình đầy đủ giấy tờ, công bố tiêu chuẩn sản phẩm.
“Do đã chứng minh được nguồn gốc số bánh anh Nhật mua về nên Chi cục quản lý thị trường sẽ chỉ đạo Đội số 5 trả lại bánh lại cho anh Nhật và cơ sở sản xuất bánh. Và theo quy định pháp luật thì vi phạm này không buộc phải tiêu huỷ. Còn hình thức, múc xử phạt chính là lỗi hành vi 10 triệu đồng cũng đã áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ”, ông Hiền nói.
Chương trình "Trung thu yêu thương" do anh Nhật tổ chức năm 2017 Ảnh: Châu Anh
Trả lời liệu số bánh trên có thể tiếp tục được sử dụng, ông Hiền cho biết, chuyện này là có thể nhưng không khuyến khích vì không biết còn đảm bảo không, nếu đem sử dụng mà có vấn đề gì họ phải chịu trách nhiệm. “Nếu muốn sử dụng, để chắc ăn thì nên lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm, các chỉ tiêu công bố vẫn đảm bảo an toàn thì có thể sử dụng, đóng gói lại”, ông Hiền cho biết.
Nhóm thiện nguyện của anh Nhật chuẩn bị bánh cho học sinh Ảnh: Châu Anh
“Cái bánh trung thu với trẻ em thành thị rất bình thường nhưng với trẻ em nghèo vùng sâu là cả ước muốn trong mùa trung thu. Chính vì thế năm nào nhóm thiện nguyện chúng tôi vẫn tổ chức chương trình "Trung thu yêu thương" cho các em vùng sâu, vùng xa. Năm nay, vì sự cố này mà chương trình trao quà bị hủy. Cả nhóm ai cũng buồn, hụt hẫng... Nhưng dù thế nào, chắc chắn năm sau chúng tôi sẽ lại tới với các em”, anh Nhật chia sẻ thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.