Mùa cá linh già

28/12/2009 11:08 GMT+7

Gió bấc hiu hiu, nước lũ từ từ rút xuống. Đây là thời điểm hàng đàn cá linh già trên những cánh đồng ngập tràn nước lũ trước đó theo con nước vượt ra sông. Lúc này, người dân vùng sông nước miền Tây chỉ việc chuẩn bị các dụng cụ đón con nước để đánh bắt.

Trời vẫn tối mịt, trong khi tôi còn nằm co ro trong chăn để tránh cái lạnh mùa gió bấc thì Tư Hưng đã hì hục vác chài xuống chiếc xuồng đậu dưới bến. Một lát sau, anh quay lên giục tôi cùng xuống xuồng đi đánh bắt cá linh.

Tất bật cả ngày

Nhà Tư Hưng ở cầu số 2, xã Cần Đăng, huyện Châu Thành - An Giang. Từ nhà anh đến nơi đánh bắt cá linh ở con kênh bên cầu số 4 xa khoảng 5 km. Chúng tôi bơi xuồng trong đêm.

Vừa đi, Tư Hưng vừa giải thích: “Nói là mùa cá linh già chứ thật ra còn có rất nhiều loại cá trắng khác nhưng cá linh vẫn chiếm nhiều nhất. Đầu mùa nước nổi, cá linh non vừa được sinh ra đã ùa lên đồng tìm thức ăn. Sau vài tháng, số cá này nhanh chóng trưởng thành. Cả tháng nay, nước lũ rút dần nên cá linh già cũng theo con nước ra sông. Người dân tụi tôi chỉ việc chuẩn bị dụng cụ đón con nước để đánh bắt”.

Chúng tôi đến cầu số 4 khi trời vẫn chưa sáng hẳn. Vậy mà trên con kênh rộng hơn 10 m đã có hàng đoàn ghe, xuồng tập trung đánh bắt cá linh. Hàng chục người luôn tay quăng chài và dùng đèn soi đeo trên đầu để bắt cá. Người nào cũng hào hứng, chuyện trò rôm rả.

Chọn một chỗ trống, Tư Hưng dừng xuồng, lấy chài ra quăng xuống nước. Thật không may, vì trời còn tối lờ mờ nên ngay cú quăng đầu tiên, chài của anh đã mắc vào một mô đất.

Tư Hưng nhờ tôi giữ hộ dây chài rồi cởi áo lặn xuống dòng nước lạnh ngắt. Chỉ một thoáng sau, anh đã nổi lên mặt nước, leo lên xuồng và phân trần: “Kênh hẹp lại có nhiều xuồng, ghe chài lưới nên mỗi người chỉ có một khoảng nhỏ mặt nước để đánh bắt. Cá linh già lại có thói quen đi gần bờ, cặp sát mé đất nên quăng chài dễ dính vào mô đất hay gốc cây lắm”.

Dứt lời, Tư Hưng bung chài tiếp. Lần này thì trót lọt, khi anh kéo chài lên khỏi mặt nước, tôi nhìn thấy một mớ cá linh lấp lóa quẫy tanh tách.

Mặt trời ló dạng, khung cảnh đánh bắt cá linh già càng trở nên rộn ràng, náo nhiệt. Ngay đầu kênh cầu số 4, người người thay nhau quăng chài. Trên con kênh lớn gần đó, một tốp người cũng đang lặn hụp dỡ chà bắt cá linh.
 
Cả trăm người tất bật, miệt mài trên sông nước nhưng tiếng cười, tiếng gọi nhau í ới vẫn vang lên mỗi khi ai đó kéo được một chài đầy ắp cá linh. Khúc hòa tấu trên sông nước ấy mỗi lúc càng sôi động, kéo dài đến tận hoàng hôn.


Một mẻ lưới đầy ắp cá linh

Tấp nập xuồng ghe

Trong những ngày này, ở nhiều khu vực tại miệt An Giang, Đồng Tháp..., đi đến đâu, người ta cũng dễ dàng bắt gặp cảnh đánh bắt cá linh già hết sức nhộn nhịp của người dân vùng sông nước. Trên khắp các con kênh tiếp giáp với những cánh đồng ngập lũ trước đó, đâu đâu cũng tấp nập ghe xuồng đi chài, câu, cào, kéo lưới đánh bắt cá linh.

Sôi động hơn hẳn phải kể đến kênh Tha La và kênh Trà Sư ở xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên - An Giang. Hai nơi này có hai đập tràn để điều tiết, chủ động ứng phó với lũ hằng năm và năm nào cũng xả lũ tràn đồng. Kênh sâu, dòng chảy rộng đã mang theo một lượng cá dồi dào cho các cánh đồng.

Như một điểm đến của ngư dân khắp nơi, cứ tới mùa nước nổi là họ quy tụ về đây đánh bắt cá đến khi nước rút kiệt. Mỗi ngày có hơn 20 chiếc xuồng, ghe cào của dân chài tứ xứ tới đây đánh bắt cá linh.

Ông Lê Văn Đua, một dân chài ở xã Nhơn Hưng, cho biết dù xuồng ghe đông đúc vậy nhưng đánh bắt cá linh vẫn rất trúng. “Tùy theo người chài giỏi hay dở mà lượng cá bắt được nhiều hay ít. Mỗi chài của tôi ít nhất cũng bắt được gần 0,5 kg, nhiều thì hơn cả ký cá, chủ yếu là cá linh già” - ông Đua cho biết.

Theo ông Trần Thanh Ngọc, một dân chài ngụ tại xã Phú Vĩnh, huyện Tân Châu - An Giang, cá linh già trên đồng đổ ra sông rộ nhất vào thời điểm con nước kém. Ông Ngọc cho biết mỗi tháng có hai con nước kém vào ngày 10 và 25 âm lịch.

“Lúc này, không chỉ ban ngày, nhiều hộ dân còn chuẩn bị sẵn đèn điện kéo ra tới bờ kênh để đánh bắt cá linh sáng đêm khiến vùng sông nước nhộn nhịp như ngày hội” - ông Ngọc hào hứng.

Sản lượng cá tự nhiên sụt giảm

Theo các nhà khoa học và chuyên gia thủy sản, sản lượng cá tự nhiên ở ĐBSCL ngày càng sụt giảm. Việc đánh bắt bừa bãi, điển hình như phương thức dùng xung điện theo kiểu tận diệt là một trong những nguyên nhân chính tác động trực tiếp đến nguồn lợi thủy sản nước ngọt ở ĐBSCL.

Ngoài ra, các địa phương chạy đua làm lúa vụ 3 nên sử dụng hệ thống đê bao không cho nước lũ vô đồng đã làm mất môi trường sinh sống của các loài cá trong mùa nước nổi.

Các nhà khoa học và chuyên gia thủy sản khẳng định nếu không có biện pháp bảo vệ, khai thác hiệu quả, chỉ trong thời gian ngắn nữa, nguồn thủy sản ở ĐBSCL sẽ nhanh chóng cạn kiệt.

Theo Quốc Dũng / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.