Mùa cá linh già: Làm một mùa, ăn cả năm

29/12/2009 14:45 GMT+7

Năm nay, cá linh già tuy không còn nhiều như trước nhưng vẫn khá dồi dào. Người dân vùng sông nước ĐBSCL tha hồ đánh bắt, vừa bán vừa ăn, còn lại làm khô, làm mắm để dành dùng.

Vào mùa cá linh già, người dân vùng ĐBSCL có nhiều cách đánh bắt khác nhau. Đơn giản nhất là chài với vốn đầu tư ít. Đây cũng là cách đánh bắt linh động, nếu vùng sông rạch nào ít cá thì người ta dễ dàng di chuyển đến nơi khác nhiều cá hơn.

Đủ kiểu đánh bắt

Ông Lê Văn Đua, một dân chài ở xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên - An Giang, cho biết ông thường di chuyển giữa 3 con kênh Trà Sư, Tha La và kênh cầu sắt số 10 để đánh bắt cá linh.
 
“Hầu hết dân chài là người nghèo, họ bơi xuồng khắp nơi tìm cá đánh bắt. Có ngày họ di chuyển hàng chục cây số để tìm con nước  đổ ra sông nhiều cá linh già” – ông Đua nói.

Theo ông Trần Thanh Ngọc, một dân chài ở xã Nhơn Hưng, khoảng 5-10 năm trước, cách đánh bắt cá linh già phổ biến là cất vó. Vó được cất sáng đêm. Người ta che lều bên cạnh vó để khi không đánh bắt thì ăn uống, nghỉ ngơi.

Ông Ngọc nói: “Dùng vó tiện lợi ở chỗ không cần nhiều người đánh bắt. Hồi trước làm vó dễ trúng lắm nhưng bây giờ bị ghe cào quần quá nên người làm vó không sống nổi. Trên những con kênh ở vùng này giờ chỉ còn vài người làm vó”. Ông Ngọc chỉ tay về chiếc lều chỏng chơ cất bên cái vó xa xa.

Cách đánh bắt được nhiều cá linh già hơn là đóng chà - dùng cây tre, trúc, me nước... chất thành đống trên sông rạch, cá thường kéo đến sinh sống, sau đó người ta chỉ cần dùng lưới vây bắt.

Ông Nguyễn Văn Lang, ngụ tại xã An Hòa, huyện Châu Thành - An Giang, đã hơn 30 năm nay làm nghề đóng chà. Ông có gần 100 chà trên sông Tiền, sông Hậu và khắp các dòng kênh, lớn nhỏ ở An Giang, Đồng Tháp...
 
Đội quân làm chà của ông có đến 20 người, mỗi ngày dỡ ít nhất 3 chà. Ông Lang tiết lộ: “Sau khi dỡ chà, tôi đóng lại và khoảng một tháng sau đã có thể dỡ tiếp. Làm chà tuy cực nhưng bắt được rất nhiều cá. Mùa cá linh già này, mỗi chà tôi dỡ thường bắt được khoảng 400 kg”.

Làng nghề khô, mắm mọc rầm rộ

Từ lâu, các huyện đầu nguồn An Phú, Tân Châu - An Giang; Tân Hồng, Hồng Ngự - Đồng Tháp vốn là xứ cá. Hằng năm, vào mùa lũ, các nơi này hứng một lượng lớn cá từ biển hồ Tonle Sap, Campuchia đổ về.

Khi lũ rút cũng là lúc cá đã lớn, chúng lại theo con nước đổ ra sông rạch và người dân đổ đi đánh bắt. Ban đầu, người dân chủ yếu đánh bắt cá để phục vụ nhu cầu gia đình, còn dư thì làm mắm, phơi khô để ăn quanh năm.

Tuy nhiên, cá đánh bắt được quá nhiều, người ta phải bán bớt. Dần dà, các làng nghề làm khô, mắm cá đồng mọc lên rầm rộ ở ĐBSCL và nhanh chóng nổi tiếng trong và ngoài nước, như: khô An Hòa, huyện An Phú; khô cá lóc, huyện Chợ Mới; mắm Châu Đốc..., đều ở An Giang.

Tuy nhiên, theo ông Tám Dớn (Nguyễn Văn Tám, ngụ tại huyện Tân Châu - An Giang), trong mùa cá linh già những năm gần đây, cách đánh bắt thịnh hành nhất là đóng dớn. Trên khắp các kênh rạch, cánh đồng, ở đâu chúng tôi cũng thấy chằng chịt dớn lưới. Ông Tám vốn thiện nghệ trong nghề này nên đã chết tên Tám Dớn.

“Dớn bắt được nhiều cá, rất thích hợp để đánh bắt cá linh già” - ông Tám Dớn khẳng định. Dớn là căng lưới thành một hàng dài hàng trăm mét trên đồng ruộng hoặc đóng thành hình chữ V để chặn đón đường đi của đàn cá.
 
Trên đường lưới đó, cứ khoảng 50 m được đặt một cái rọ cũng bằng lưới và hom lọp cho cá chui vào. Mỗi người làm nghề dớn lưới ít nhất cũng có một đường lưới với hơn 10 rọ. 

Dọc kênh Vĩnh Tế từ Châu Đốc sang tận Tịnh Biên, Tri Tôn – An Giang, chúng tôi còn thấy những trạm đáy đặt san sát. Những ngày rộ cá linh già, tại mỗi trạm đáy đều có người trực canh suốt ngày đêm. Họ đánh bắt, ăn ngủ ngay tại chỗ.

Anh Lê Thanh Tâm, một người giữ đáy, hồ hởi: “Tuy cực mà vui, cứ chạng vạng tối là cả làng đáy lên đèn sáng rực cả vùng sông nước. Cách khoảng 30 phút, tụi tôi lại kéo đáy lên bắt cá, cứ vậy suốt ngày đêm”.

Dân nghèo dễ kiếm sống

Ông Lê Văn Đua cho biết vào mùa cá linh già đổ ra sông, mỗi ngày ông chài được gần 3 giạ cá (khoảng 90-100 kg) và bán được khoảng 200.000 đồng. “Mùa cá ra sông kéo dài hàng tháng nên dân nghèo tụi tôi cũng dễ kiếm sống” - ông Đua tâm sự.

Theo ông Nguyễn Văn Lang, chỉ tính mùa cá linh già, lượng cá ông dỡ chà bắt được nhiều gấp chục lần so với những tháng khác cộng lại. “Cá linh già bắt được nhiều vô kể. Sau khi lựa bán, còn lại tôi làm khô, làm mắm ăn cả năm không hết” - ông Lang khoe.

Theo ông Sáu Lộ, chủ vựa thu mua cá đồng ở huyện An Phú - An Giang, cá linh già vài năm gần đây tuy vẫn còn nhiều nhưng không thể sánh nổi những năm trước.

“Trước đây, cá linh già đánh bắt được tính bằng giạ đong lúa hoặc từng cần xé chứ không cân ký như bây giờ. Hồi đó, trung bình mỗi mùa cá ra sông là mỗi hộ dân thu hoạch khoảng vài ba chục giạ cá, làm một mùa để ăn cả năm dư sức” - ông Sáu Lộ nhớ lại.

Ông Tám Dớn cho rằng năm nay cá linh già tuy không còn nhiều như những năm trước nhưng vẫn khá dồi dào. “Mỗi đường dớn lưới của tôi kiếm được vài trăm ký cá một ngày. Năm nay, cá linh già ra sông sớm hơn năm ngoái gần cả tháng. Hiện trên nhiều cánh đồng, sông rạch, nước vẫn còn lêu bêu nên dân nghèo vẫn còn dịp làm ăn. Nước vẫn chưa rút hẳn nên mùa cá linh già vẫn còn, sông nước vẫn nhộn nhịp xuồng ghe đánh bắt” - ông Tám Dớn phấn khởi.

Theo Bài và ảnh: Quốc Dũng / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.