Mùa cá ngát

16/03/2019 20:33 GMT+7

Người quê tôi, Quảng Ngãi, đi làm ăn xa nhiều lắm, nhất là ở Sài Gòn. Những trưa cơm bụi, họ nhắc nhau về bữa cơm quê. Rồi trong nỗi nhớ tràn trề, họ nhớ về mùa cá ngát đầy ắp những kỷ niệm quê nhà.

Đó là những buổi chiều muộn í ới rủ nhau đi giăng câu. Đó là những hừng đông gọi nhau trong sương sớm, đi thẳng ra cánh đồng để “thu hoạch” cá ngát. Dù mình mẩy lấm lem bùn đất nhưng cầm được con cá ngát, thả vào cái giỏ tre, nghe nó quẫy cái rột, thấy sướng gì đâu!
Bắt đầu từ tháng giêng, sông rạch đục ngầu phù sa cưu mang loài cá ngát mà chỉ nghe tên, ai cũng nghĩ đến nồi canh chua ngon quắn cả lưỡi. Cá ngát là loài cá da trơn, sống dưới đáy sông. Khi đã no mồi, cá ngát bơi về hang. Khi đói mới bơi ra để rồi… dính vào những lưỡi câu có mồi “đẹp” như tôm, tép.
Cá ngát khá giống cá trê, đuôi dẹp như đuôi lươn, đầu bạnh ra, có mấy sợi râu lơ thơ quanh miệng. Nhưng cá trê thì hiền, còn cá ngát có ngạnh sắc nhọn rất khó chịu ở hai bên mang. Có người phải khóc ròng vì khi làm cá vô ý để ngạnh đâm vào tay. Chỗ bị đâm sưng đỏ, nhức buốt. Khi canh chín, “nạn nhân” vừa húp vừa ăn cho… bõ tức.
Có người nói khi bị cá ngạnh đâm, lập tức nặn ra vài giọt máu rồi cạo nhớt trên da của chính con cá đó đắp lên là êm ngay. Không biết đã có ai kiểm chứng cách này chưa, chỉ biết canh cá ngát thì chẳng thấy ai “chừa”. Loài cá này vẫn nổi tiếng là “vai chính xuất sắc” của nồi canh chua ngon “hết biết”.
Trước khi mổ bụng, móc mang, chặt vi, nhớ lấy kéo cắt trụi hai cái ngạnh ở hai bên mang cá (lý do đã nói ở trên) nếu không muốn vừa ăn vừa… khóc. Cá phải được làm sạch bụng, cắt vi cho gọn, móc bỏ mang trong, còn mang ngoài để nguyên. Có thể xén cá thành hai hoặc ba khúc. Nếu cá khoanh gọn trong đĩa thì cứ để nguyên con mà… ngắm trước khi ăn.
Cá đồng dễ nấu dễ kho. Như cá ngát, luộc rồi lấy thịt tao dầu nấu cháo loãng thì vị ngọt có thể... lọt tới xương. Húp vài chén cháo cá ngát, người trước đó có cuộc “vui vầy” thấy nồng độ cồn nhanh chóng ra đi không kịp đội nón.
Hai “tiết tấu” khác là cá ngát kho nghệ và kho tiêu. Ở hai món này, miếng cá ngát săn lại, đằm vị ngọt dịu cay nồng, ăn với cơm nóng thì ngon “nhức lưỡi”. Nông dân làm đồng về, muốn lai rai giải mỏi thì món cá ngát xào lăn, cá ngát nướng trui bao giờ cũng được “gọi tên”. Ở món xào lăn, thịt cá ngát thơm thầm. Còn ở món nướng trui thì thịt cá ngát thơm… ngát. Nướng cá ngát bằng lửa rơm ở đầu bờ ruộng, người đi cuối đám ruộng còn nghe hương cá vấn vít đằng sau. Cá ngát nướng chấm muối ớt thì quá “chất” rồi, ngon tới đỉnh luôn.
Phần đông các bà nội trợ hễ thấy cá ngát là mua vì ngon, bổ, rẻ. Chỉ cần 30.000 đồng đã có 2 con cá ngát dài hơn gang tay người lớn. Nguyên liệu cho nồi canh chua cá ngát vẫn là những thứ quen thuộc như khế, lá giang, thơm, cà chín. Vị chua ngọt đằm thắm của món canh này “dụ” được trẻ con biếng ăn. Còn mấy ông chồng nhậu về hay lơ cơm, nghe vợ nói “có canh chua cá ngát nè” là lập tức… lao ngay xuống bếp.
Mùa cá ngát đang về là niềm vui của người ở lại. Nhưng với kẻ đi xa, mùa cá ngát dường như là một “nỗi niềm”. Mới hay, có những món ăn rất đơn sơ mà cứ len lén vấn vương trong tiềm thức người làng để đến một lúc nào đó dệt nên mảnh hồn quê kiểng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.