Mưa chồng mưa, lũ chồng lũ, miền Trung ứng phó ra sao?

Đình Huy
Đình Huy
15/10/2023 16:34 GMT+7

Theo GS - TS Vũ Trọng Hồng, phương án cấp bách nhất là di dời người dân ở nơi nguy hiểm đến khu vực an toàn. Tuy nhiên, về lâu dài, người dân các tỉnh miền Trung vẫn phải xây dựng công trình chống bão, lũ.

Liên quan đến đợt mưa lũ tại miền Trung, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, từ ngày 15 - 17.10, các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định có mưa to đến rất to, lượng mưa từ 150 - 250 mm, có nơi trên 400 mm; riêng khu vực Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam 250 - 450 mm, có nơi trên 800 mm; Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50 - 100 mm, có nơi trên 150 mm.

Miền Trung đối diện mưa chồng mưa, lũ chồng lũ, ứng  phó ra sao? - Ảnh 1.

Con đường ở Thừa Thiên - Huế bị ngập

LÊ HOÀI NHƠN

Nhận định về tình hình mưa ở miền Trung trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia), cho hay đợt mưa từ ngày 10.10 đến nay phân bố không đồng đều, trọng tâm mưa là Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam với lượng mưa phổ biến từ 400 - 800 mm. Thậm chí, ở Đà Nẵng có điểm mưa trên 1.000 mm.

Ông Hưởng cho rằng, đợt mưa này là "hình thế kinh điển của mùa mưa ở khu vực miền Trung". Nguyên nhân là tác động của không khí lạnh, dải hội tụ nhiệt đới cùng gió đông di chuyển từ phía đông vào. Gió đông phát triển trên cao từ 1.500 - 5.000 m, đưa lượng ẩm rất lớn từ Biển Đông vào, cùng đó gió đông bắc đẩy lượng ẩm đó lên cao gây ra đối lưu mạnh ở khu vực miền Trung, tạo ra mưa lớn.

Trong những ngày tới, các hình thế thời tiết gây mưa ở miền Trung tiếp tục hoạt động. Mưa sẽ tiếp tục lan rộng vào sâu vào đất liền và các nơi miền núi phía bắc của Trung bộ. Nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất rất cao.

Xem nhanh 20h ngày 15.10: Á khôi bị phân xác ném xuống sông | Người Đà Nẵng vật lộn ngày ngập sâu

Di dời người dân để ứng phó với mưa lũ

Để ứng phó với đợt mưa lũ lần này, GS - TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho rằng phương án cấp bách là các địa phương cần di dời người dân đến khu vực an toàn, nhất là tại những điểm có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ quét và sạt lở đất.

Theo ông Hồng, ở mức cảnh báo thiên tai do mưa cấp 4, mức cao nhất, sẽ xuất hiện mưa chồng mưa, lũ chồng lũ. Ngoài ra, trong đợt mưa lớn này đang có dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng sẽ có bão hoặc áp thấp nhiệt đới xuất hiện. 

Trước mắt là chống mưa lũ nhưng lâu dài sẽ phải chống bão nên các khu vực nông thôn, miền núi ở Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam cần cải tạo nhà để chống bão lũ. Đó là mỗi ngôi nhà nhà phải có 1 tầng trên cao, nước dâng lên đến đâu thì chuyển đồ vật, trâu bò, lợn... lên đến đó. Ngoài ra, phải có công trình chống bão lũ cộng đồng để người dân chuyển đến khi cần.

"Tôi rất lo cho Thừa Thiên - Huế bởi đây là địa phương có dân cư thưa thớt, nhiều khu vực kinh tế vẫn chưa phát triển. Chính vì vậy, việc cải tạo nhà cửa để chống mưa ngập và bão lũ sẽ rất khó khăn. Để làm được điều này thì nhà nước cần phải hỗ trợ rất nhiều", ông Hồng nói, và cho hay, cách chống bão lũ này được người dân Nghệ An, Hà Tĩnh áp dụng rất nhiều nhưng các tỉnh khác ở miền Trung ít thực hiện.

Tại sao Đà Nẵng thường xuyên ngập?

Trong đợt mưa 5 ngày vừa qua, Đà Nẵng đang là địa phương có số nhà ngập nhiều nhất (1.432 ngôi nhà). Bên cạnh đó, thành phố này phải sơ tán 6.831 người khỏi khu vực ngập lụt, cho học sinh trên toàn địa bàn nghỉ học. Mưa lũ cũng làm 76 điểm ngập từ 0,3 - 0,5 m; 3 điểm ngập từ 1 - 1,5 m; sạt lở 1 điểm khoảng 10 m ta luy âm đường đèo Hải Vân.

Miền Trung đối diện mưa chồng mưa, lũ chồng lũ, ứng  phó ra sao? - Ảnh 3.

Một con đường ở Q.Liên Chiểu (Đà Nẵng) bị ngập

HUY ĐẠT

Không chỉ riêng đợt mưa lần này mà mỗi khi có trận mưa không quá lớn, Đà Nẵng lại "chìm trong biển nước". Chính vì vậy, ông Vũ Trọng Hồng cho rằng, Đà Nẵng cần hết sức chú ý bởi diễn biến mưa rất phức tạp.

"Tôi nhận thấy cao trình ở Đà Nẵng dường như không đúng với cao trình ở bản đồ địa hình quốc gia. Cần phải kiểm tra lại cao trình ở thành phố này vì mưa không lớn nhưng nhiều nơi vẫn bị ngập", GS Hồng nói.

Theo GS Hồng, Đà Nẵng rất gần sông, gần biển, dân cư thưa nhưng nước ở trong thành phố không thoát được ra ngoài, nhiều khả năng cao trình ở đây có sự sai lệch, thấp hơn sông, biển nên mới xảy ra tình trạng này.

Ngoài ra, ông Hồng cũng đặt ra câu hỏi liệu có tiêu cực trong việc xây dựng những công trình đô thị ở đây hay không?

Xem nhanh 12h ngày 15.10: Miền Trung tiếp tục chịu mưa lớn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.