2 phiên giảm xóa thành quả 2 tuần tăng
Hôm qua 8.6, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chìm trong sắc đỏ. Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VN-Index trên sàn TP.HCM (HOSE) tiếp tục giảm 38,9 điểm xuống 1.319,88 điểm. Trước đó trong phiên đầu tuần, chỉ số này cũng mất 15,27 điểm. Như vậy, chỉ sau 2 phiên điều chỉnh, VN-Index đã bay hơi hơn 54 điểm, tương đương giảm gần 4% so với đỉnh cao lịch sử 1.374,05 điểm đạt được vào cuối tuần qua. Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index cũng lao dốc 3,84% và tổng cộng sau 2 phiên đầu tuần này đã mất 24,52 điểm, tương đương giảm 7,4% từ đỉnh cao trước đó, xuống còn 306,39 điểm.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta VN, nhận định có một số nguyên nhân cho đợt điều chỉnh nhanh trong 2 phiên vừa qua. Đó là VN-Index sau khi đã liên tục đạt đỉnh mới nên giá nhiều CP đã tăng rất cao và không còn đủ sức hấp dẫn cho NĐT mới tham gia, nhất là 3 ngành mang tính dẫn dắt thị trường vừa qua như ngân hàng, thép và chứng khoán. Kế đến là tình trạng vay cầm cố (margin) ở các công ty chứng khoán hầu như đã chạm trần với con số dư nợ hơn 112.000 tỉ đồng, cao gấp nhiều lần con số kỷ lục của năm 2018. Lượng tiền cho vay không còn nên về xu hướng nguồn vốn sẽ thu hẹp hơn. Hơn nữa, hệ thống giao dịch của HOSE một tuần qua đã rơi vào tình trạng nghẽn lệnh liên tục, bảng giá không hiển thị đúng tình trạng khớp lệnh khiến NĐT không xác định được đâu là giá mua bán cho phù hợp. Đặc biệt, việc không cho phép hủy hay sửa lệnh càng khiến NĐT lo lắng nên xuất hiện tình trạng sẵn sàng đặt lệnh thị trường để ưu tiên thực hiện. Đây là tình trạng bán bằng mọi giá nên nhiều CP nhanh chóng rớt xuống giá sàn.
Đồng quan điểm, đại diện Công ty CP chứng khoán Rồng Việt cũng cho rằng TTCK tháng 5 tăng mạnh mẽ và qua tháng 6 đã tiếp tục được duy trì nên bắt đầu xuất hiện hoạt động bán chốt lời của các NĐT. Mặt khác, làn sóng Covid-19 thứ tư cũng là yếu tố đáng chú ý về mức độ ảnh hưởng lên triển vọng kinh tế vĩ mô 2021 khi đợt bùng phát này nghiêm trọng hơn so với 3 đợt trước. Điều này tác động đến kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết. Nhưng công ty này vẫn lạc quan khi cho rằng việc điều chỉnh hiện nay chỉ là tạm thời và khả năng sẽ tiếp tục tăng lên khi sự tham gia của các NĐT cá nhân mới đang tăng lên mức kỷ lục trong tháng 5 vừa qua.
Chờ lực cầu bắt đáy
Tăng, giảm là chuyện bình thường trên TTCK nhưng đây cũng có thể sẽ là kinh nghiệm cho những NĐT mới tham gia. Trước đó, nhiều người đua mua CP bất chấp các phiên tăng trần liên tục khi có tâm lý bỏ lỡ cơ hội.
Chủ tịch một công ty chứng khoán tại TP.HCM chia sẻ, nói giá CP là “bong bóng” thì cũng chưa đúng. Hiện chỉ số P/E (giá/thu nhập cổ phiếu) trung bình khoảng 17 - 18 lần nhưng có CP chỉ ở mức 10 lần, trong khi vào năm 2018 được cho rằng “bong bóng” thì P/E lên đến 26 - 27 lần. Tuy nhiên, NĐT cần lựa chọn CP hợp lý tham gia, chứ công ty kinh doanh lỗ mà CP vẫn tăng giá ầm ầm là khó hiểu.
Ông Hồ Quốc Tuấn, giảng viên cao cấp chuyên ngành kế toán & tài chính tại Đại học Bristol (Anh), nhận xét: Hiện tượng “bán tháo” chỉ xảy ra ở một số NĐT “đu đỉnh” chứ không diễn ra trên toàn thị trường. Chính vì vậy vẫn có NĐT tham gia bắt đáy giúp giá trị giao dịch vẫn rất cao. Nhiều NĐT khi thấy dấu hiệu thị trường còn điều chỉnh sâu hơn sẽ không vội tham gia mà tiếp tục chờ đợi để có mức giá tốt hơn. Phân tích sâu hơn, ông Nguyễn Thế Minh cho hay theo kịch bản Công ty chứng khoán Yuanta đã phân tích từ đầu năm thì VN-Index năm 2021 chỉ đạt mức 1.360 - 1.364 điểm khi tính theo P/E dự báo cho cả năm ở mức 18 lần. Nhưng khi chỉ số này đã vượt lên trên 1.370 điểm và P/E chung toàn thị trường đã cao hơn thì không còn hấp dẫn các NĐT nữa. Với phiên giảm mạnh hôm qua, VN-Index đã về sát ngưỡng 1.300 điểm và xu hướng tiêu cực trong ngắn hạn đang gia tăng. Thậm chí nếu thị trường tiếp tục giảm thêm một phiên mạnh như ngày 8.6, khả năng “call margin” (bán giải chấp những CP được cầm cố vay tiền) sẽ diễn ra thì đà giảm càng mạnh hơn.
Dù vậy, ông Minh cũng nhìn nhận khi thị trường giảm mạnh, sẽ có lực cầu bắt đáy tham gia nên sẽ có những đợt phục hồi xen kẽ. Quan trọng nhất từ nay đến cuối tháng 6, NĐT vẫn phải hồi hộp giao dịch trong tình trạng hệ thống HOSE bị nghẽn lệnh, chập chờn nên khiến tâm lý không yên tâm. “Quan trọng nhất là hiện nay không còn dễ để NĐT lựa chọn CP mua vào như trước đây nữa với mặt bằng giá cao vừa qua. Kết quả kinh doanh quý 2/2021 của các nhóm ngành ngân hàng, sắt thép đều không thể đột biến như quý 1/2021 vừa qua nên càng khó để tạo ra lực đẩy mới.
Bình luận (0)