Gây áp lực, lo lắng cho chú rể
Hơn 15 năm làm trưởng tộc, ông Huỳnh Văn Lương (56 tuổi, ngụ H.Hồng Dân, Bạc Liêu) cho biết, tuy không còn phổ biến nhưng nhiều nơi ở miền Tây vẫn còn giữ nghi thức lạy nhất bộ nhất bái trong đám cưới.
Thông thường, đa số đàng trai xin phép nhà gái thay bằng cách đứng xá, nếu không được đồng ý, đàng trai buộc tuân thủ để nhập gia tùy tục. Điều này hay xảy ra ở những gia đình gia giáo, có truyền thống đạo Nho, lề lối phong kiến xưa.
Ông Lương lý giải, sở dĩ đàng trai muốn tối giản vì nghi lễ này không còn phù hợp với nếp sống hiện đại. Mỗi địa phương có thể cải biến một số chi tiết, thường là số lần xá (bái), nhưng cơ bản, trước bàn thờ tổ tiên, chú rể đứng thẳng người, 2 bàn tay đan vào nhau để ngang ngực, ngón tay cái mở ra hướng lên trời.
Tiếp đến, tay đưa lên trán, khom người xá xuống 1 lần rồi trở về dáng cũ. Sau đó hạ bộ, 2 chân quỳ, 2 bàn tay tách ra úp xuống đất, đầu cúi lạy. Giai đoạn hồi về, chú rể ngước người lên.
Chân phải co gối làm trụ ngựa, 2 bàn tay tỳ lên đầu gối đứng dậy. Sau đó chân trái rút lên, 2 bàn tay đưa về vị trí ngang ngực. Thực hiện 3 lần được xem là đủ lễ.
Nghi thức này diễn ra trong đám hỏi, đám cưới (bên nhà gái và đàng trai - PV). Trong đám cưới, có nơi cô dâu đứng thực hiện lễ lạy như chú rể. Có nơi, cô dâu ngồi co gối xếp 2 chân về phía sau, 2 tay để ngang ngực, khi chú rể lạy thì làm đồng điệu theo.
Thăm dò ý kiến
Bạn ngại gì nhất khi đi đám cưới?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Theo ông Lương, hỷ sự đặc biệt quan trọng nên mọi thứ đều phải đảm bảo suôn sẻ, không ai muốn xảy ra trục trặc. Do đó, việc đàng trai không chỉ dẫn chú rể thành thạo nghi thức lạy dẫn đến "quên bài", lúng túng trong chính lễ là điều không hay, dễ bị bắt bẻ.
Cuộc sống hiện đại, nhiều người trẻ đi làm ăn xa, cận ngày cưới mới về nên không thể học trước được. Vì vậy, thường trong đêm nhóm họ (trước ngày rước dâu - PV), trưởng tộc và dòng họ hướng dẫn cho chú rể. Việc tập dượt điệu bộ rõ nét, khoan thai, dứt khoát trong thời gian ngắn là không dễ.
Nhớ lại hôn nhân hơn 20 năm trước, ông Lê Văn Út Xua (45 tuổi, ngụ H.Long Mỹ, Hậu Giang) chia sẻ: "Đám cưới có rất nhiều việc khác phải chuẩn bị nên nghi thức cầu kỳ này gây áp lực, lo lắng cho chú rể. Đó là chưa nói khi hành lễ gia tiên, nghi thức dài dòng làm kéo dài thời gian. Hiện nay, nhiều gia đình cho phép đứng xá để các cháu bớt 'khổ sở' nên hình thức bái lạy ông bà diễn nhanh chóng, gọn gàng hơn xưa nhiều".
Cần được tiết chế
Trong đám cưới miền Tây, bàn thờ gia tiên luôn là nơi được trang trí lộng lẫy. Bởi điều này nói lên đạo lý uống nước nhớ nguồn, biết ơn ông bà, cha mẹ với công lao sinh thành, dưỡng dục. Đây là truyền thống văn hóa đáng quý và có thể nói, bái lạy chính là cách để thể hiện chữ "hiếu" cụ thể nhất. Song, việc giữ nét văn hóa xưa phù hợp ở nhiều giai đoạn là không dễ. Ngày nay, việc quá câu nệ hình thức mà không giữ nghi thức thì bị cho là lỗi đạo.
Có lẽ vì vậy mà trên mạng xã hội, những video về chú rể lạy nhất bộ nhất bái khi lấy vợ miền Tây thu hút nhiều được xem và bình luận với 2 luồng ý kiến trái chiều. Người cho rằng, nên giữ nét xưa, vì là lễ nghĩa là quan trọng, để thấy việc cưới hỏi không phải là chuyện đùa. Nghi lễ này còn được xem là "'phép thử" về đức tính của chàng rể.
Tài khoản Dương Xuân Nhi bộc bạch: "Ngày xưa, lạy thế nên họ trân trọng hôn nhân, xem hôn nhân là cả một đời. Nguyễn Phúc Vĩnh Thuận bày tỏ: "Ai thấy cái này là cổ hữu chứ tôi thấy nó cần được giữ gìn và phát huy". Có người cho rằng đó là bản sắc để nhận diện đám cưới miền Tây: "Hay quá, giờ ít vùng còn giữ được phong tục này", tài khoản Hoàng Diễm chia sẻ.
Tuy nhiên, qua khảo sát, đa số số lượng ý kiến cho rằng cách bái lạy này đã lỗi thời, rườm rà không còn phù hợp với nếp sống hiện nay. Việc "chế" hình thức lạy sang xá là đi theo xu hướng rút ngắn phần lễ, dành thời gian nhiều hơn cho phần hội trong đám cưới. Bởi, người miền Tây vốn trọng tình làng nghĩa xóm, luôn muốn đối đãi khách mời cho chu đáo.
Tài khoản Văn Trí nhận định hình, thức lạy nhất bộ nhất bái kiểu cách, phức tạp nên đâm ra ngán ngẩm: "Nghĩ tới cảnh mình lạy kiểu này chắc thôi nghĩ lấy vợ luôn quá". Tài khoản Nguyễn Văn Tơ chia sẻ kinh nghiệm từng trải với nỗi 'ám ảnh' thấy rõ: "Tay chân run cầm cập, muốn xỉu luôn chứ chẳng đùa".
Theo tài khoản Thế Khải, thủ tục cưới cần tối giản vì đây không phải là thước đo cho sự yêu thương, hạnh phúc của vợ chồng sau này: "Làm vậy để chi, về đối xử tốt với con người ta là được rồi!".
Liên quan đến vấn đề này, theo nhà nghiên cứu văn hóa Phan Kim Huê (trong quyển Lễ tục Việt Nam xưa và nay: gia lễ xưa thế nào? Nay nên thế nào?), việc làm lễ yết kiến cha mẹ, ông bà mà bắt phải quỳ lạy thì mất cả nhân cách con người ta. Hình thức này không còn phù hợp với thời đại bây giờ. Hẳn nhiên, lễ này không thể bỏ hẳn nhưng cần đổi theo cách cúi vái là hơn. Như vậy thì hôn lễ tự nhiên giảm nhẹ về hình thức, xã hội bớt đi ngay được một số lớn trai không có vợ, gái không có chồng.
Trong biên khảo "Nói về miền Nam - Cá tính miền Nam - Thuần phong mỹ tục Việt Nam", nhà văn Sơn Nam cũng cho rằng, điều quan trọng nhất của đám cưới vẫn là để cho bà con vui vẻ, sống trong không khí của bạn bè ở chòm xóm. Cốt lõi hơn hết là sinh kế, nơi ăn nơi ở của cô dâu chú rể; sự hợp tính tình, sở thích để đôi trẻ cùng nhau phấn đấu, nhờ vào sự xây dựng của bạn bè và bà con. Cho nên, những hình thức phong tục phức tạp, làm mất thời gian, tốn kém cần nên được tiết chế vừa vừa phải phải là tốt nhất.
Bình luận (0)