Mùa cưới, mùa đi đám cưới 4.0 vui bao nhiêu: Dốc hết hầu bao vì... ‘đời người chỉ có một lần’

20/01/2024 11:45 GMT+7

Với suy nghĩ 'đời người chỉ có một lần', nhiều cặp đôi miền Tây tổ chức đám cưới hoành tráng, lộng lẫy nhưng khi trải nghiệm đời sống hôn nhân lâu dài thì nhận ra đã quá lãng phí.

Cái gì cũng muốn hoàn hảo

Từ xưa đến nay, hôn nhân luôn được xem là chuyện trọng đại trong cuộc đời mỗi người. Đám cưới không chỉ là ngày vui của đôi trẻ mà còn là việc lớn của gia đình, dòng họ.

Trước đám cưới, cô dâu chú rể ngập tràn niềm hân hoan, phấn khởi nên thường hào phóng, rộng rãi trong công tác chuẩn bị. Có những cặp đôi lấy hết tiền tiết kiệm để trang hoàng đám cưới lộng lẫy, cố gắng cho bằng bạn bè, hơn hết là bởi lý lo "đời người chỉ có một lần".

Mùa cưới, mùa đi đám cưới 4.0 vui bao nhiêu: Dốc hết hầu bao vì... ‘đời người chỉ có một lần’- Ảnh 1.

Ngày nay, nhiều người trẻ muốn đám cưới phải trang trí thật "xịn xò" để check-in, chụp ảnh để đăng lên mạng xã hội

THANH DUY

Chị Nguyễn Thị Diễm My (32 tuổi, H.Long Mỹ, Hậu Giang) chia sẻ, trong lễ cưới, người trẻ dù thiếu điều kiện nhưng vẫn thường có tâm lý muốn cái gì cũng hoàn hảo nên dễ sinh ra lãng phí. Chẳng hạn, in thiệp kiểu cách, tốn kém trong khi khách mời chỉ quan tâm việc báo tin tổ chức ngày nào, mấy giờ, ở đâu.

"Thiệp mời có hình thức sang trọng không đồng nghĩa khách mời đánh giá đám cưới sang trọng. Miễn mọi người vui vẻ, được đối đãi tử tế, nhiệt tình thì thiệp hồng đơn giản cũng để lại ấn tượng khó quên. Người không có nhã hứng thì thiệp mời có đẹp thế nào họ cũng không đến", chị My khuyên.

Mùa cưới, mùa đi đám cưới 4.0 vui bao nhiêu: Dốc hết hầu bao vì... ‘đời người chỉ có một lần’- Ảnh 2.

Nhiều người trẻ cho rằng với sự phổ biến của điện thoại thông minh, việc chụp ảnh rửa đóng thành album tốn kém nhưng ít người xem

THANH DUY

Ngày xưa, hầu hết đám cưới miền Tây cử hành hôn lễ tại gia đình. Các thanh niên trong xóm tiếp tay che rạp. Lá đủng đỉnh, lá dừa uốn thành vòng nguyệt quanh khung cửa. Chỉ màu quấn thành nhiều họa tiết, hoa văn vui mắt. Thời ấy, nhà tranh vách lá, rạp cưới dựng đơn sơ từ cây nhà lá vườn cốt là để có chỗ cho khách ngồi và che mưa, che nắng. Buổi tối, đàng trai và đàng gái bày lễ nhóm họ riêng cho bên mình. Bà con họ hàng gom lại, trò chuyện thân mật, người cho tiền, người cho những món khác (chẳng hạn vòng vàng).

Ngày nay, đời sống phát triển hơn, dịch vụ thuê rạp cưới tiện lợi, nhưng người trẻ lại muốn phải thật "xịn xò" để check-in, chụp ảnh, có cái đăng lên mạng xã hội. Nhiều gia đình chi hàng chục triệu đến hơn trăm triệu đồng để thuê trang trí tiệc cưới. Nhiều người trầm trồ, thú vị và mơ ước được như thế, nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng đó là "vứt tiền qua cửa sổ". Bởi, dù rạp cưới có đẹp đến đây thì xong lễ cưới cũng phải bỏ đi. Đầu tư nhiều càng tiền càng lãng phí. Quan trọng là cái tình, cái nghĩa của chủ nhà đối với khách.

Mùa cưới, mùa đi đám cưới 4.0 vui bao nhiêu: Dốc hết hầu bao vì... ‘đời người chỉ có một lần’- Ảnh 3.

Việc thuê trang phục, giày dép thay vì mua mới giúp tiết kiệm đáng kể trong đám cưới

THANH DUY

Hối hận vì đã "vung tay quá trán"

Hiện, nhiều đám cưới miền Tây vẫn giữ nếp truyền thống là chụp ảnh rửa ra từng tấm rồi đóng thành album. Các cặp đôi thường thuê chụp ảnh cưới cá nhân (trong studio hoặc phong cảnh), tới đám thì chụp ảnh đãi tiệc (chụp với khách mời). Chi phí trung bình trên 5 triệu đồng. Theo anh Huỳnh Gia Phong (29 tuổi, TP.Vị Thanh, Hậu Giang), thời buổi công nghệ 4.0, những khoảnh khắc đám cưới đều có thể lưu trên mạng, gửi nhanh mà chất lượng không ảnh hưởng. Việc rửa ảnh tốn kém nhưng ít người xem, duy trì nét quy cũ này là không cần thiết. Đám cưới chỉ cần ảnh cổng, ảnh để bàn là được.

Mùa cưới, mùa đi đám cưới 4.0 vui bao nhiêu: Dốc hết hầu bao vì... ‘đời người chỉ có một lần’- Ảnh 4.

Chăm lo tốt cho con cái, gầy dựng sự nghiệp vững vàng trong tương lai mới chính là thước đo chính xác cho một đám cưới viên mãn, hài lòng nhất trong mắt mọi người

THANH DUY

Nhớ về đám cưới của mình 2 năm trước, chị Võ Huyền Chân (28 tuổi, H.Hồng Dân, Bạc Liêu) cho biết, thời điểm đó, dịch vụ cho thuê trang phục đa dạng, phong phú, vừa túi tiền. Thế nhưng, vì muốn lưu giữ kỷ vật ngày cưới, chị quyết định mua mới hoàn toàn váy, áo. Món đồ này nằm mãi một góc trong tủ, theo thời gian thì cũ kỹ, lỗi mốt.

Theo chị Chân, khi có con nhỏ, xây dựng tổ ấm độc lập không phụ thuộc vào cha mẹ, vợ chồng chị nhận ra áp lực kinh tế gia đình là nặng nề. "Nhiều lúc, công việc gặp khó khăn, việc dành dụm tiền chăm lo cho con khiến 2 vợ chồng mất ăn mất ngủ. Lúc này, tôi nghĩ, giá như đám cưới mình làm đơn giản, không sa đà vào việc mua sắm đồ đắt tiền mà để dành tiền lo cho cuộc sống sau này thì ý nghĩa, thiết thực hơn rất nhiều", chị Chân bộc bạch.

Mùa cưới, mùa đi đám cưới 4.0 vui bao nhiêu: Dốc hết hầu bao vì... ‘đời người chỉ có một lần’- Ảnh 5.

Trước đám cưới, cô dâu chú rể ngập tràn trong niềm hân hoan, phấn khởi nên thường hào phóng, rộng rãi trong công tác chuẩn bị

THANH DUY

Lối suy nghĩ đám cưới chỉ có một lần trong đời nên phải làm cho xứng đáng dẫn đến nhiều kết cục dở khóc dở cười. Không ít trường hợp vợ chồng son vỡ mộng, mang nợ sau hôn lễ do tiền chúc mừng không đủ trả số tiền đã "tạm ứng". Điều này dễ kéo theo nảy sinh mâu thuẫn, cãi vã, thậm chí rạn nứt hôn nhân. Bởi đám cưới mới chỉ là điểm bắt đầu của cuộc sống hôn nhân, sau này còn rất nhiều việc cần lo toan và chia sẻ khác.

Bất kể đám cưới nào, dư luận khen chê là điều khó tránh khỏi. Nhưng, nhận xét tích cực hay tiêu cực thì cũng dần bị lãng quên theo thời gian. Quan trọng nhất của lễ cưới là vui vẻ, tổ chức phù hợp với khả năng để ngày trọng đại thực sự là thoải mái, tận hưởng niềm hạnh phúc. Và suy cho cùng, những đôi uyên ương chăm lo tốt cho con cái, gầy dựng sự nghiệp vững vàng trong tương lai mới chính là thước đo chính xác cho một đám cưới viên mãn, hài lòng nhất trong mắt người thân và bạn bè.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.