Theo ông Hải, đến thời điểm này, các kịch bản nhận định và dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho thấy chưa có dấu hiệu, cơ sở nào để khẳng định mùa đông sẽ lạnh nhất trong 100 năm qua. Trong 3 năm gần đây, chúng ta đều có mùa đông ấm. Đợt rét nhất xảy ra vào tháng 1.2016 khi có tuyết rơi ở Kỳ Sơn (Nghệ An), Vụ Quang (Hà Tĩnh) và Ba Vì (Hà Nội) nhưng nhìn chung toàn mùa thì vẫn là một mùa đông ấm.
"Trong mùa đông năm nay, đợt rét kỷ lục như hồi tháng 1.2016 sẽ khó lặp lại. Bên cạnh đó, các số liệu quan trắc, dự báo chúng tôi lưu giữ chỉ có trong khoảng 60 năm trở lại đây thì không đủ cơ sở để đưa ra nhận định mùa đông rét nhất trong 100 năm qua. Nhận định này không đúng với dự báo của chúng tôi", ông Hải nói.
tin liên quan
Chiều nay vùng núi Phanxipang có mưa đáChiều nay, 3.2, mưa đá được ghi nhận xảy ra trên khu vực đỉnh núi Phanxipang, thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Ông Hải cho biết, theo các số liệu thống kê, ở Hà Nội và khu vực đồng bằng, số ngày rét đậm, rét hại trung bình trong mùa đông là khoảng 15 - 20 ngày và kỷ lục rét đậm, rét hại dài nhất là 38 ngày ngày xảy ra trong năm 2008. Nhưng từ năm 2014 đến năm 2016, mỗi mùa đông chỉ có chưa đến 10 ngày rét đậm, rét hại. Mùa đông năm nay được dự báo sẽ có nhiều đợt rét đậm, rét hại và kéo dài ngày so với 3 năm trở lại đây. Những năm trước, mỗi đợt rét đậm, rét hại chỉ duy trì 2 - 3 ngày thì năm nay sẽ kéo dài 3 - 5 ngày.
Dự báo, sau dịp lễ Noel, miền Bắc sẽ xuất hiện các đợt rét, đậm rét hại. Đặc biệt, hiện tượng tuyết rơi có thể xảy ra vào tháng 1, tháng 2.2018 ở các khu vực núi cao như Fanxipan (Lào Cai), Sìn Hồ (Lai Châu) và Mẫu Sơn (Lạng Sơn).
"Theo dự báo, vùng núi phía Bắc năm nay sẽ có nhiều ngày rét đậm, rét hại, khoảng 20 - 30 ngày, trong đó một nửa là rét hại và không loại trừ có băng giá và tuyết rơi. Người dân và chính quyền các địa phương cần chủ động chuẩn bị phòng chống rét bảo vệ sức khoẻ cho con người và gia súc để hạn chế thấp nhất thiệt hại do tác động của rét đậm, rét hại", ông Hải lưu ý.
Bình luận