Khán giả đến xem phần nhiều vì tò mò, nhưng cũng có người (dù ít ỏi) quan tâm tới môn nghệ thuật còn lạ lẫm với nhiều người Việt Nam.
Trên sân khấu dựng hai chiếc ghế, một chiếc bàn, một giá phơi quần áo, một chiếc bình đựng nước. 5 nam nghệ sĩ biểu diễn đầy ngẫu hứng, không theo một trật tự nào. Vở diễn không đi vào nội dung cụ thể mà chủ yếu khơi gợi ở khán giả, mỗi người có thể hiểu theo cách của riêng mình, không ai giống ai. Ý tưởng của tác phẩm Nhật ký không gian không có từ trước mà được xây dựng trong quá trình tập luyện, làm việc của các nghệ sĩ múa trong suốt 1 tháng. Vào các tối thứ năm hằng tuần (trong tháng 7), các nghệ sĩ trình diễn kết quả làm việc trong một tuần và trao đổi với khán giả. Tác phẩm hoàn chỉnh sẽ ra mắt vào tối 29.7.
Với khán giả Việt Nam, múa đương đại là loại hình nghệ thuật mới, chưa phổ biến và chưa dễ để chấp nhận. Nguyễn Anh Đức và Quách Phượng Hoàng mong muốn Nhật ký không gian có thể giúp khoảng cách giữa nghệ sĩ múa đương đại và khán giả có thể xích lại gần hơn, dù rằng chỉ trong không gian nhỏ. “Mục đích của dự án không chỉ để các nghệ sĩ múa đương đại được khám phá bản thân, trao đổi kinh nghiệm mà còn mong muốn là cầu nối khán giả với môn nghệ thuật này” - Nguyễn Anh Đức chia sẻ.
Nguyễn Anh Đức (trưởng nhóm múa đương đại +84) và Quách Phượng Hoàng đã có may mắn học múa đương đại tại nước ngoài và làm việc cùng nhiều biên đạo nổi tiếng thế giới như Régine Chopinot, Montalvo, Carolyn Carlson... Theo Anh Đức: “Diễn viên múa Việt Nam không thua diễn viên múa ở các nước châu u và các nước phát triển khác về mặt kỹ năng, kỹ thuật. Cái kém của mình là về mặt tư duy. Trong 6 năm làm việc cùng Régine Chopinot, bà không đơn thuần dạy múa, mà qua nghệ thuật múa bà dạy cho tôi biết phát triển con người cá nhân, nhận thức với những thứ xung quanh”. Không phải nhiều nghệ sĩ Việt Nam có cơ hội học tập, phát triển như vậy, bởi theo anh Đức, Việt Nam còn quá ít tài liệu và giáo viên dạy múa đương đại chuyên nghiệp.
Cũng theo anh, nhiều nghệ sĩ Việt Nam được đào tạo tại nước ngoài về múa đương đại, nhưng khi trở về lại rất ít khi làm nghề, vì cuộc sống riêng, nhưng cũng có khi không có cơ hội vì “chả biết diễn ở đâu”. Anh tâm sự: “Nói là khán giả không chịu tìm hiểu, không đến với múa đương đại, nhưng chính các nghệ sĩ cũng rất khó khăn khi đến với khán giả”. Nhật ký không gian giúp nghệ sĩ và khán giả đến với nhau, nhưng "chỉ sau một tháng, chúng tôi không biết sẽ diễn ở đâu". “Tôi luôn mong tìm được nguồn tài trợ để xây dựng một nơi cho các anh em nghệ sĩ hằng ngày luyện tập, biểu diễn với giá vé rẻ thôi để nhiều khán giả được xem, rồi mở lớp dạy múa đương đại...”, đó là mong muốn của Anh Đức cũng như nhiều đồng nghiệp.
Có khán giả trẻ hỏi đại ý rằng, múa đương đại không được mấy khán giả quan tâm, vậy cái đích đến của các nghệ sĩ là gì. Quách Phượng Hoàng trả lời: “Chúng tôi muốn cho múa đương đại tồn tại ở Việt Nam”.
Minh Ngọc
Bình luận (0)