Múa đương đại trên nền tảng trực tuyến

Nguyên Vân
Nguyên Vân
14/11/2021 06:30 GMT+7

Công chiếu vở múa trên kênh YouTube, Fanpage hay biểu diễn trực tuyến trên nền tảng zoom là những phương thức mà nghệ sĩ múa, chủ yếu ở lĩnh vực múa đương đại, đang xoay trở trong điều kiện hiện nay.

Vào zoom để…“bước qua cánh cửa thì…”

Bước qua cánh cửa thì... là dự án hợp tác tập thể do biên đạo múa Ngô Thanh Phương khởi xướng từ đầu năm 2021, một hành trình thử nghiệm diễn ra trong điều kiện bình thường mới, được phát triển dựa trên các đối thoại đa dạng giữa những người tham gia, đồng hành trong sự thích nghi, chơi đùa với các không gian trình diễn-nghe-nhìn mới. Nếu chương 1 - Mình mình thì… ra mắt hồi tháng 7, diễn tả trạng thái của con người khi cơ thể và tâm trí bị đặt trong không gian bao trùm bởi sự giám sát và quản chế nghiêm ngặt thì chương 2 mang tên 1936 vừa giới thiệu cuối tháng 10, với các biểu đạt cơ thể bắt rễ từ ký ức, cảm xúc, không gian sống cá nhân…, và phương cách trình hiện tác phẩm có xu hướng tách mình ra khỏi các định dạng có sẵn (hay đôi khi là các “định kiến”) về “múa đương đại” ở VN (thường được biết đến nhiều hơn ở khía cạnh kỹ thuật).

Hình ảnh từ Tổ khúc múa Ánh sáng tâm hồn

Chụp màn hình

Điều đặc biệt trong dự án này, chính là hình thức thể hiện. Ở Mình mình thì…, biên đạo đặt 2 nghệ sĩ múa vào một không gian bị theo dõi suốt 8 tiếng đồng hồ bởi camera, và khán giả như là người tìm kiếm niềm vui một cách bí mật, quan sát qua hệ thống camera từ xa và trực tuyến. Đến Bước qua cánh cửa thì…, Ngô Thanh Phương chọn nền tảng zoom với hai màn hình tương tác, 1 nghệ sĩ múa xuất hiện duy nhất là dp1936 (Diễm Phương) và 1 nhân vật giấu mặt “người đánh máy” (Xuân Nguyên).

1936 mở đầu bằng việc camera dẫn lối cho khán giả vào một căn phòng, dp1936 làm nhòe bằng cách đưa camera lướt qua thật nhanh những đồ dùng của bản thân. Kết thúc, dp1936 đã lựa chọn cái nhìn thẳng trực diện vào màn hình. Lựa chọn “chơi” với không-thời-gian chồng lắp lên nhau xuất phát từ những chia sẻ riêng tư của Diễm Phương và cả những tưởng tượng cá nhân của Ngô Thanh Phương khi phải trải qua giai đoạn lần đầu tiên đối mặt với Covid-19 tại Hội An: không gian bí bách không định hình được hiện tại hay tương lai, nó ôm ấp quá khứ trong bối cảnh của thực tại.

Trò chuyện với khán giả sau buổi diễn, cũng từ nền tảng zoom, Ngô Thanh Phương cho biết quá trình thử nghiệm trên zoom đã mang đến cho nhóm nghệ sĩ không ít những trải nghiệm mới. Zoom vốn gắn liền với những buổi họp mặt hay gặp gỡ trong mùa giãn cách, nay được

Ngô Thanh Phương và nhóm nghệ sĩ “trưng dụng” làm nơi vừa mang lại thách thức vừa là cơ hội thử nghiệm trong quá trình sáng tạo.

Hình ảnh chụp lại từ vở 1936

MORUA

Thêm phương án uyển chuyển

Cùng với Bước qua cánh cửa thì…, người yêu thích nghệ thuật múa và khán giả nói chung có cơ hội thưởng thức Tổ khúc múa Ánh sáng tâm hồn (42 phút) được phát trên kênh YouTube và Facebook cùng tên. Đây là tác phẩm nghệ thuật của biên đạo múa Tuyết Minh và hơn 150 nghệ sĩ đại diện cho cộng đồng nhảy múa tại TP.HCM và Hà Nội (mà cô là người kêu gọi), nhằm tri ân sự hy sinh thầm lặng của lực lượng tuyến đầu, ngợi ca tinh thần tương thân tương ái của dân tộc VN, lan tỏa năng lượng tích cực đến với cộng đồng trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19. Không chỉ vậy, đây cũng là tiếng nói của nghệ sĩ múa đối với đại dịch, là cách để nghệ sĩ múa thể hiện tình yêu múa, được là chính mình khi mang tác phẩm đến mọi người.

Bởi, thời gian qua, như nghệ sĩ múa Sùng A Lùng (thuộc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM - HBSO) chia sẻ: “Đã có bạn diễn viên nói với tôi rằng “mình đi chạy xe công nghệ rồi, dịch lâu quá không thể kham nổi nữa". Dịch kéo dài khiến chúng tôi phải tự nhìn lại mình và nghề, nhìn một lần nữa con đường phía trước”. Sùng A Lùng cho biết dù đã bắt đầu trở lại làm việc, tuy chỉ là tập luyện - mỗi diễn viên trong đoàn lên lớp thay phiên nhau, nhưng có cơ hội để sẻ chia những ý tưởng mới mẻ sau thời gian dài luyện tập online. “Chúng tôi đưa ra câu chuyện và kích thích sự sáng tạo của mỗi người trong câu chuyện đó, quay lại - giữ lại hoặc chia sẻ lên mạng xã hội cho mọi người cùng xem, để biết diễn viên múa vẫn chăm chỉ làm việc, vẫn tìm tòi sáng tạo, vẫn có sản phẩm và chuẩn bị cho ngày trở lại sân khấu”, anh nói.

Theo NSND Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa (chỉ đạo nghệ thuật Tổ khúc Ánh sáng tâm hồn), việc trình diễn tác phẩm trên YouTube (hay qua zoom) đều là phương thức sản xuất mới, rất đáng khích lệ. Ông cho biết thêm sắp tới hội sẽ tùy tình hình để có những phương thức uyển chuyển hoặc những đầu tư tiếp theo, bởi để xây dựng thành phương án thường xuyên như hình thức của Ánh sáng tâm hồn thì còn những mặt hạn chế. Hơn nữa, “nghệ thuật múa thì gắn với sân khấu, những vở mang tính chính thống phải được trình diễn đầy đủ theo đúng quy trình của loại hình này”, ông Phương nói. Biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng (tổng đạo diễn HBSO) cũng cho rằng: “Dù gì, thưởng thức nghệ thuật phải đến sân vận động, nhà hát; nghệ sĩ biểu diễn phải có khán giả để cùng nhau tương tác, lan tỏa năng lượng trực tiếp, nghệ thuật mới thực sự thăng hoa”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.