Mua gốm Nhật rẻ hơn tại Hà Nội

22/08/2015 10:23 GMT+7

Khoảng 3-4 năm trước, thú chơi gốm Nhật bắt đầu xuất hiện tại TP.HCM, về sau lan ra tới Hà Nội. Hai năm trở lại đây, nhiều cửa hàng bán gốm Nhật đã mọc lên trong thành phố như cửa hiệu bán gốm ở Nam Ngư (Q.Hoàn Kiếm), tiệm gốm ở Núi Trúc (Q.Ba Đình), Seto Shop ở Âu Cơ (Q.Tây Hồ)…

Khoảng 3-4 năm trước, thú chơi gốm Nhật bắt đầu xuất hiện tại TP.HCM, về sau lan ra tới Hà Nội. Hai năm trở lại đây, nhiều cửa hàng bán gốm Nhật đã mọc lên trong thành phố như cửa hiệu bán gốm ở Nam Ngư (Q.Hoàn Kiếm), tiệm gốm ở Núi Trúc (Q.Ba Đình), Seto Shop ở Âu Cơ (Q.Tây Hồ)…

Nhiều người ở Hà Nội đang có thú chơi gốm Nhật
Nhiều người ở Hà Nội đang có thú chơi gốm Nhật - Ảnh: Ngọc An
Giá rẻ hơn mua ở TP.HCM 5-6 lần
Bắt đầu từ niềm đam mê với gốm, chị Linh Trang biết tới gốm Nhật rồi mê luôn. Trước đây, muốn mua gốm Nhật, người chơi ở Hà Nội chỉ có cách đặt mua tại cửa hiệu trong TP.HCM với giá thành đắt đỏ. Chị Trang nhớ có lần phải bỏ ra tới 500 nghìn đồng để mua một chiếc cốc nhỏ.
Cũng như chị, nhiều người chơi bỏ ra hàng triệu đồng để mua gốm cũng là chuyện bình thường. Dần dần, tìm hiểu ra, chị Trang biết thực chất giá thành gốm Nhật không quá đắt như vậy. Do gốm Nhật mới xuất hiện và đang tạo ra cơn sốt nên giá thành mới bị “thổi” lên như thế. Chị và một người bạn là nhiếp ảnh gia đã quyết định mở Cửa hiệu bán gốm tại Nam Ngư vừa để thỏa mãn sở thích, vừa để đưa gốm Nhật giá phải chăng đến với người Hà Nội.
“Những đồ gốm Nhật đang được bày bán tại TP.HCM và Hà Nội có khi được mua trực tiếp từ lò gốm bên Nhật, giá thành rất cao, nhưng nhiều cửa hàng hiện nay lấy nguồn hàng từ nước thứ ba…để đưa về với giá thành rẻ hơn”, chị Trang cho hay.
Nhiều nơi bán gốm Nhật, trong đó có cửa hiệu của chị Trang, mua đồ gốm từ Campuchia. “Đồ gốm ở đây chủ yếu là đồ gốm tồn kho, hoặc đồ giải tỏa cửa hàng chuyển về, nên giá thành rẻ hơn tới 5-6 lần so với mua từ lò gốm của Nhật”, chị Trang nói.
Tuy vậy, để tìm được nguồn gốm này không phải dễ, mỗi cửa hàng đều có nguồn hàng riêng và giữ kín coi như “bí mật nhà nghề”. Bởi vậy, cùng là vật dụng đó, nhưng đến mỗi cửa hàng, khách hàng có thể tìm thấy các mẫu mã khác nhau với giá thành khác nhau.
Chị Hà Linh (đường Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy) khoe đã mua chiếc cốc uống nước bằng gốm Nhật màu xanh lam, được trang trí với họa tiết vô cùng cầu kỳ, tinh xảo tại một cửa hàng tại TP.HCM lúc đồ gốm Nhật đang gây sốt và vẫn còn ít nơi bán với giá 500.000 đồng, nhưng hiện nay, tại nhiều cửa hàng tại Hà Nội, có thể dễ dàng tìm được những chiếc cốc độc đáo như vậy với mức giá chỉ khoảng 100.000 đồng.
Không còn là của hiếm như cách đây vài năm, các cửa hiệu bán gốm đã xuất hiện nhiều hơn, vì thế giá gốm được đưa ra cũng rất phải chăng và không quá chênh lệch. Tùy theo chất liệu, kiểu dáng, một chiếc cốc có giá từ 20.000 - 50.000 đồng, một chiếc bát, chiếc đĩa có giá từ 50.000 - 100.000 đồng. Nhiều cửa hàng bán theo bộ, chẳng hạn như bộ ấm chén, bát, đĩa khoảng từ 200.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng. Hầu hết các cửa hàng bán gốm Nhật bán qua mạng, facebook, hoặc bán trực tiếp ngay tại cửa hàng.
Chủ một cửa hàng gốm Nhật cho biết, trung bình mỗi tháng có khoảng 500 lượt khách mua hàng. Nhiều khách hàng hay tranh thủ đến cửa hàng vào buổi trưa hoặc cuối tuần. Nhưng nhiều hơn là số lượng khách đặt mua online.
Thưởng thức cái đẹp
Gốm Nhật mang đặc trưng văn hóa của đất nước Nhật Bản. Chị Phương Mai (cựu du học sinh Nhật Bản), người yêu và am hiểu về gốm Nhật cho hay, có hai loại gốm chính là Arita và Mino. Loại gốm Arita lại chia ra làm nhiều dòng nhỏ như kakiemon có màu đặc trưng là trắng sữa, dòng nabeshima có màu đặc trưng là đỏ, vàng, xanh, lục. Loại gốm mino cũng chia ra nhiều dòng như kiseto có lớp màu vàng bóng có các hoạt tiết cỏ cây hoa lá trên bề mặt, dòng oribe tráng men xanh...
“Để được gọi là chơi gốm Nhật sành cũng phải nghiên cứu khá nhiều”, chị Mai nói.
Tại Cửa hiệu bán gốm, chị Linh Trang đưa cho chúng tôi xem một chiếc bát làm bằng gốm mỏng, cầm lên tay nhẹ bẫng.
“Đây là một loại gốm rất đặc trưng của Nhật”, chị nói.
Nhưng không phải loại gốm Nhật nào cũng nhẹ như thế, có loại gốm thô và khá nặng. Chúng tôi thích thú ngắm nhìn hai chiếc cốc có màu men xanh lục, một chiếc to hơn chiếc kia.
“Bộ cốc công phu thế đấy. Có nhiều đồ gốm Nhật đi theo bộ, theo cặp, chẳng hạn như bộ cốc này”, chị Trang giải thích.
Ở nhiều cửa hàng gốm, cùng với đồ gốm sản xuất tại các lò gốm của Nhật, còn có đồ gốm ở các nước khác xuất sang Nhật, như từ châu Âu hay Trung Quốc…
Bà chủ cửa hàng chỉ cho chúng tôi biết một vài cách có thể nhận biết đồ gốm đặc trưng của Nhật như dựa vào họa tiết như hình con cá, hoa đào, hình con thỏ, hình zích zắc, hay kiểu dáng như chiếc bát có chân, bát có tay cầm nhỏ phía trên, bát dẹt, đĩa chữ nhật vuông, trên đồ gốm có in hình con dấu, hay chữ Nhật dưới đáy đĩa, bát…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.