Ấn tượng ban đầu
Tôi đến Đức vào những ngày cuối tháng 5, khi thời tiết đã bớt lạnh. Giữa ánh nắng nhàn nhạt của Frankfurt dần hiện ra hình ảnh của một mùa hè sôi động. Sân bay Frankfurt, một trong những cửa ngõ hàng không chính của châu u, vốn đã nhộn nhịp giờ càng nhộn nhịp hơn. Những chiếc máy bay sơn biểu tượng World Cup, những chiếc xe buýt với hình linh vật World Cup và cả những chiếc xe đẩy ở sân bay cũng thế. Nước Đức đã sẵn sàng cho một mùa bóng đá cuồng nhiệt.
"Die Welt zu Gast bei Freunden" (A times to make friends - một dịp để kết bạn) - nước Đức chào đón người hâm mộ bốn phương bằng câu khẩu hiệu đầy ý nghĩa này. Sau những cảm nhận về lòng hiếu khách, về một cửa ngõ hàng không đồ sộ, về những chuyến tàu siêu tốc, tôi bắt đầu thâm nhập vào thế giới bóng đá của mùa hè nước Đức.
Điểm đến đầu tiên của tôi là sân vận động World Cup ở thành phố Frankfurt, sân mái dù lớn nhất thế giới. Sau đó lần lượt là AllianzArena, sân đấu rực rỡ nhất nước Đức và có lẽ là đẹp nhất thế giới, rồi sân Olympia đồ sộ giữa lòng thủ đô Berlin, sân Fritz Walter nằm khuất sau những rặng núi xanh thẳm ở Kaiserslautern. Trước ngày khai mạc, có dịp đi qua 12 thành phố đăng cai cũng như địa điểm tập huấn của các đội bóng, tôi thực sự khâm phục những gì mà người Đức chuẩn bị cho kỳ World Cup.
Ngày hội bóng đá
Trước ngày khai mạc, thành phố Munich tấp nập lạ thường. Hầu như cả nước Đức, chính xác là cả thế giới, đã đổ về xứ sở của bia, của bóng đá và của niềm kiêu hãnh này. Hòa mình vào dòng người nườm nượp đó, tôi đã có những cuộc gặp bất ngờ.
"Chào Bora, ông đến đây vì bóng đá à?", giữa phố xá Munich cuồng nhiệt, tôi bất chợt gặp HLV Bora Milutinovic huyền thoại. "Tôi đi du lịch", Bora đáp. Nhưng tôi không tin, một con người của bóng đá như Bora thì làm sao có thể thờ ơ trong giờ phút này được. Sau một hồi loay hoay, cuối cùng tôi cũng "ép" được Bora nói về bóng đá. "Ồ, tôi không dự đoán vì bóng đá luôn đi theo những lộ trình điên rồ. Tôi chỉ muốn nói là sẽ có nhiều bất ngờ", Bora nhận định. Giữa phố xá Munich, tôi còn gặp nhà chiến lược Arsene Wenger đến từ Pháp, danh thủ Samuel Eto'o từ Cameroon, cựu thủ môn Luis Chilavert của Nam Mỹ và rất nhiều người mà trước đây tôi hằng ngưỡng mộ. Họ, cũng như tất cả những người yêu bóng đá mà tôi gặp, đều chìm trong không khí hừng hực của mùa hè nước Đức.
Rồi ngày khai mạc đến. Từ tờ mờ sáng 9.6.2006, khi Munich còn chìm trong sương lạnh, những dòng người rồng rắn đã kéo nhau lên ngọn đồi bên ngoài thành phố, nơi sân đấu AllianzArena yêu kiều đang chờ. Hàng chục ngàn, rồi hàng trăm ngàn người cùng lên đồi, nơi diễn ra lễ khai mạc. Đến bây giờ tôi mới hiểu hết ý nghĩa của cụm từ "ngày hội bóng đá" là gì. Sức hấp dẫn khủng khiếp đến mức mọi người, yêu và không yêu bóng đá, đều bị cuốn vào, đều hướng về AllianzArena. Không phải ai cũng có vé, nhưng họ đều muốn hòa mình, muốn hít thở cái không khí kỳ diệu đó.
Từ trái tim AllianzArena, hơi nóng đã lan tỏa khắp nước Đức và khắp thế giới. Suốt 1 tháng ròng, người hâm mộ đã được sống với những cung bậc cảm xúc mạnh mẽ cùng những pha ghi bàn của Lukas Podolski, những đường chuyền của Zinedine Zidane, những pha bắt bóng ngoạn mục của Gianluigi Buffon...
|
Bóng đá thời khủng bố
Có lẽ đây là kỳ World Cup mà công tác an ninh được siết chặt nhất từ trước đến nay bởi những lo ngại về khủng bố, về tân phát xít, hooligan và tệ kỳ thị chủng tộc. Ngay lúc đặt chân đến Frankfurt, tôi đã cảm nhận được sự hiện diện của một hệ thống kiểm tra toàn diện, từ hiện đại đến thô sơ. Tại sân bay, tôi đã phải đi qua nhiều cổng kiểm soát với máy phát hiện vũ khí, chất nổ... Sau đó, nhân viên hải quan còn mở va-li của tôi ra để lục lọi. "Sao anh mang nhiều cà phê vậy?", một nhân viên hỏi. "Ồ, để uống và tặng bạn bè. Tôi không chắc là có thể tìm được loại cà phê hợp khẩu vị tại Đức nên phải lỉnh kỉnh thế này", tôi cười. Tại nơi làm thủ tục nhập cảnh, nhân viên an ninh còn "tặng" tôi một loạt câu hỏi: "Anh đến đây làm gì?", "Anh sẽ ở những đâu?", "Có ai đón anh không?", "Người đó tên gì?"...
Sau này, khi đi qua tất cả các sân đấu, tôi đều trải qua thủ tục tương tự. Mỗi lúc vào ra trung tâm báo chí, tôi đều phải đi qua cổng an ninh, đều phải móc hết mọi thứ trong túi, kể cả những đồng xu euro, để soi qua máy. Chai nước và bia, dù làm bằng nhựa, cũng không được đưa vào bên trong. Hồi đó, lúc đến trước các sân đấu, tôi rất hay gặp cảnh những anh chàng phóng viên cố uống hết nước hoặc bia trước khi "người đi chai ở lại". Tại sân Olympia ở Berlin, cánh phóng viên còn phải trải qua một thủ tục tế nhị. Bất kỳ ai ra khỏi trung tâm báo chí đều phải cho nhân viên an ninh kiểm tra máy tính xách tay, để đảm bảo rằng "anh không cầm nhầm máy của ban tổ chức".
Việc kiểm tra sân bãi cũng được thực hiện hết sức chặt chẽ. Một loạt robot theo dõi đã được "thả" xung quanh các sân, đặc biệt là tại sân Olympia, để phát hiện kẻ đột nhập trái phép. Máy bay luôn lượn lờ phía trên các sân vận động trước và sau mỗi trận đấu để canh chừng. Người ta còn thiết lập các khu vực cấm bay ở những điểm nhạy cảm. Mỗi chiếc ghế trong sân và tại trung tâm báo chí đều được săm soi kỹ lưỡng trước các trận đấu để loại trừ nguy cơ. Bên trong thì căng vậy nhưng bên ngoài rất nhẹ nhàng, người ta không hề cảm nhận được "mùi súng ống" mà chỉ thấy một không khí hết sức chan hòa. Nhiều lúc, tôi còn bắt gặp mấy chàng cảnh sát chơi bóng với người hâm mộ nước ngoài trên đường phố.
|
Kỷ niệm riêng khó quên
Nước Đức có hệ thống tàu lửa có thể nói là hiện đại nhất châu u. Muốn đi tàu rất dễ, bạn chỉ cần lên internet là có thể đăng ký vé, biết giờ đi, giờ đến một cách chính xác. Bạn cũng có thể xem các bảng thông báo hoặc sử dụng các máy bán vé và cung cấp thông tin ở các nhà ga. Sự tiện lợi này giúp tôi có những ngày thoải mái ở nước Đức nhưng đôi khi lại đẩy tôi vào tình huống dở khóc dở cười.
Vào dịp World Cup 2006, kiếm được khách sạn hầu như là nhiệm vụ bất khả thi. Trong hoàn cảnh đó, tôi đã phải lợi dụng những chuyến tàu để làm "khách sạn" cho mình. Sau các trận đấu, tôi thường xếp một lộ trình để làm sao có thể lên tàu ngủ một đêm và sáng mai dậy là có thể tới địa điểm làm việc mới. Chẳng hạn như sau trận đấu ở Munich, tôi làm việc tới khuya ở Trung tâm báo chí AllianzArena và sau đó đáp tàu đi Hanover. Sáng thức dậy, xuống nhà ga tìm nơi giặt giũ và tắm rửa xong xuôi là "một ngày mới bắt đầu". Cũng có khi hai ngày phải làm việc ở cùng một thành phố thì phải chọn giải pháp đi vòng. Chẳng hạn như từ Munich, tôi lên tàu tới Frankfurt rồi sau đó đổi tàu để trở lại Munich, thế là được ngủ một đêm "ngon lành" mà chẳng cần khách sạn. Tuy nhiên, đôi khi ngủ quên, thành ra sáng sớm thức dậy, tôi thấy trước mắt mình không phải là Munich của phương nam mà là những tòa nhà đồ sộ, cổ xưa của Hamburg ở phương bắc. Những lúc đó thì chỉ còn biết ngửa mặt than trời. Dù đôi lúc gặp rắc rối, nhưng chính trên những chuyến tàu này, tôi đã có nhiều đêm không ngủ, "tiếng hát át tiếng tàu" với các cổ động viên bốn phương, đôi khi tôi ngủ lại trên sân ga lạnh giá với họ. Qua đó, tôi được dịp hiểu thêm về hấp lực của trò chơi sân cỏ.
Đ.H
Bình luận (0)