Màu hoa thuần khiết trắng trong khiến Dịu, trong một phút giây nào đó, như thấy nụ cười sáng lấp lóa của Bằng phía sau rặng chuối trổ buồng nặng trĩu, hay bên khóm ớt chỉ thiên lập lòe quả đỏ... Nếu không phải vì đôi bồ câu trên cây trứng gà tự nhiên vô duyên vô cớ gù lên mấy tiếng thảng thốt, Dịu sẽ không giật mình mà nhận ra chỉ còn lại một mình cô trong căn nhà im ắng.
Dịu không yêu Bằng. Cả xóm Dài đều biết điều đó. Lam cũng biết điều đó. Ngày cưới, cô dâu mảnh mai như bông bách hợp mãn khai trong chiếc váy trắng lộng lẫy, chỉ khuôn mặt gượng cười buồn thiu thỉu. Lam phù dâu, đi ngay phía sau bạn thân, thỉnh thoảng đưa mắt lén nhìn nụ cười rộn ràng của chú rể mà thấy lòng mênh mang thổn thức.
Từ lâu lắm, Dịu đã biết, đối với Bằng, mình rất đặc biệt. Hồi bé tí, bọn trẻ xóm Dài thường chành chọe cấu véo, gây sự nhau suốt ngày. Riêng Bằng luôn ở phía sau âm thầm quan sát, hễ đứa nào bắt nạt Dịu, Bằng sẽ như “Súp bờ men” trong phim, xông ra đòi lại công bằng cho cô bạn nhỏ. Hồi lớp 10, thằng Lân “đầu gấu” cùng lớp rất thích trêu chọc Dịu. Có lần, nó lấy bùn non lén bôi nhoe nhoét vào hộc bàn của Dịu, khiến Dịu khóc không thành tiếng. Không biết Bằng đã làm gì, nhưng sáng hôm sau đến lớp, má cả hai thằng đều tím bầm. Từ đó, thằng Lân không bao giờ dám đụng vào Dịu nữa. Thỉnh thoảng, khi Dịu đang đạp xe đi học cùng Lam, Bằng từ sau phóng vụt qua, bỏ vào giỏ xe Dịu lúc chùm me, khi mớ bồ kết, hay mấy cành hoa bưởi… “Của mẹ tớ cho, Dịu cầm về đi”. Thấy Dịu không vui, Lam cười phụng phịu: “Thôi mày, người ta tặng thì nhận đi. Không dùng thì để tao mang về vậy”.
17 tuổi, Dịu lần đầu biết rung động trước một chàng trai. Đó là Tú, người trên thị trấn, học cùng khối. Tú cao dong dỏng, trắng trẻo, lúc nào cũng ăn mặc chỉn chu, lại còn hát hay và biết chơi đàn guitar. Bài Phượng hồng Tú ôm đàn hát hôm bế giảng năm học cuối cấp, không phải chỉ Dịu, mà chắc nửa số con gái trong trường đều tưởng Tú hát cho riêng mình.
18 tuổi, Lam trượt đại học. Dịu, Tú và Bằng ra phố học rồi lại trở về quê. Tú làm công chức trên huyện, vẫn chỉn chu, thanh mảnh như ngày nào. Bằng đã xin được việc ở thành phố nhưng quyết định trở về, để rồi chật vật mãi mới được nhận vào làm trong một công ty trên thị trấn. Dịu yên phận nối nghề dạy mầm non của mẹ.
Thanh niên xóm Dài đã quen hẹn hò trên mạng, chít chát chán rồi rủ nhau ra quán cà phê; có khi nhận lời yêu vài ngày, đi chơi dăm buổi đã vội đậu lại một nhà nghỉ rẻ tiền nào đó. Riêng Bằng thì, đêm đêm, nếu không bận việc gì, lại đến nhà ngồi trò chuyện với bố mẹ Dịu, mặc Dịu kiếm cớ sang nhà Lam chơi, hay trốn biệt trong buồng không ra tiếp chuyện. Bằng uống cạn không biết bao nhiêu ấm chè xanh, ăn hết bao nhiêu đĩa khoai luộc, tương đắc trong từng câu chuyện với ông bà giáo Tài, chỉ không sao chạm được vào trái tim Dịu. Con ngõ nhỏ vào nhà Dịu mòn vẹt lốt giày của Bằng. Còn Dịu thì để trọn tâm trí mình rong chơi mải miết trong những đoạn tin nhắn cầm chừng vô thưởng vô phạt với Tú. Có lần, bà giáo Tài thẽ thọt: “Tìm đâu ra đứa chín chắn đàng hoàng như vậy hả con? Đàn bà con gái, lấy người yêu mình, chứ đừng chạy theo người mình yêu”. Dịu không cãi, cũng không có ý vâng lời.
Lam, giờ đã là cô hàng xén, thỉnh thoảng đi chợ về, mang cho Dịu chùm me non, túi sấu chua hay vài trái khế để hai đứa dầm bát muối ớt, ngồi ngoài vườn vừa chấm vừa ăn như hồi còn đi học. Một lần, Lam chun mũi bảo: “Này, Bằng tốt thế, mà mày cứ hững hờ sao á?”. Dịu cười: “Tốt vậy thì mày cưới ổng đi”. Lam quay đi, trân trân nhìn bụi bách hợp còn xanh um lá, thở dài. Dịu biết mình lỡ lời, chấm vội múi me vào bát ớt rồi trệu trạo: “Me mày mua đâu mà chua quá vậy hở Lam?”.
Rồi, ông giáo Tài thấy đau mệt trong người, lại sụt cân trầm trọng. Đi khám, bác sĩ bảo ung thư. Bà giáo khuỵu xuống. “Cả đời ổng ăn rau tôi trồng trong vườn, uống nước chè xanh tôi nấu, chả mấy khi đụng đến điếu thuốc hay giọt rượu, làm sao mà ung thư được!”. Nhưng kết quả sinh thiết ghi rõ mồn một, phim chụp X-quang lồ lộ những cục u lớn như ngón chân, đã di căn. Bà chỉ còn biết khóc. Gia cảnh thanh bần, bảo hiểm không, mà tiền viện phí thuốc thang cho ông thì lớn quá. Mỗi đợt xạ trị, mấy chỉ vàng của bà giáo Tài để dành khi Dịu lấy chồng lại lần lượt ra đi.
|
Biết cảnh nhà, ông giáo Tài cứ mỗi lần xạ trị, đau đớn thấu trời xanh, lại tìm cớ quát tháo vợ con, đòi về nhà để chết cho bằng được. Đúng khi ấy, Bằng mang cả cọc tiền bọc trong giấy báo, đặt vào tay bà giáo. “Chết, nhà con cũng khó, lấy tiền đâu ra?”. “Dạ, tiền con cho thuê miếng đất bố mẹ để lại ngoài chợ, bác cứ cầm đỡ lo cho bác trai. Giờ bố mẹ con mất rồi, hai bác xem như con là con cái trong nhà cũng được”. Dịu ở trong nghe ra, thấy vài gợn gió xào xạc đi qua lòng mình.
Ông Tài mất được hơn một năm, thì Dịu về với Bằng. Ngày cưới, rước dâu ra đến ngõ rồi, Dịu còn ngoái lại phía sau khóc mãi. Đôi mắt trang điểm sâu thăm thẳm cố tìm kiếm trong đám bạn đồng niên cái dáng dong dỏng cao, chỉn chu của Tú. Trong lễ cưới, Tú lên hát ca khúc Phượng hồng, giọng buồn tha thiết. Dịu nghe như tuổi 18 xôn xao quay trở lại, còn Tú, thì vẫn như chỉ hát cho mình cô…
Giá như khi ông giáo Tài sức cùng lực kiệt, vợ con hỏi muốn ăn gì, ông kêu thèm ăn con cà cuống nướng rơm như hồi nhỏ, Tú cũng như Bằng, ngày chủ nhật lặn lội khắp đồng chỉ để tìm vài con cà cuống cho ông. Giá như khi ông lang vườn bảo bệnh ông uống canh củ sen hầm sẽ đỡ phần nào, Tú cũng như Bằng, cởi áo nhảy ùm xuống đầm mò từng củ sen già còn sót lại giữa tiết trời mùa đông rét buốt… thì có lẽ, trước khi nhắm mắt, ông giáo Tài đã không cầm tay Dịu đặt vào tay Bằng, tha thiết gửi gắm cô cho bằng được.
Về với nhau, Dịu ở trong ngôi nhà nhỏ Bằng mới cất cuối xóm Dài, có khu vườn cũng nhỏ xíu xiu. Bằng không biết hát, da ngăm ngăm đổ màu đồng, ăn mặc cũng không chải chuốt. Đôi lần, trong ý nghĩ, Dịu so sánh Bằng với hình ảnh Tú ngồi ôm đàn, thấy sao khác quá. Mỗi lần chợt nghe ca khúc Phượng hồng cất lên trên ti vi hay trong radio, lòng Dịu vẫn thổn thức, như thể, tuổi 18 chỉ dạo chơi đâu đó, chơi chán sẽ tự trở về; hoặc giả, cuộc hôn nhân với Bằng chỉ là trò chơi tuổi nhỏ, khi cuộc chơi tàn rồi, mấy đứa trẻ sẽ đứa nào trở về nhà đứa đó.
Vậy nên, mỗi sáng, thấy Bằng dậy sớm lụi cụi nấu tô mì, rang bát cơm trứng, để khi Dịu đánh răng xong, đồ ăn đã bày sẵn trên bàn; hay ngày trở gió, Dịu vừa kêu nhạt miệng, chiều đi dạy về đã có bát canh chua cá lóc thơm lừng đợi sẵn trên mâm… thì Dịu cũng không cảm động là mấy.
Hình như, với Bằng, việc chăm sóc người khác một cách tận tụy đã trở thành niềm vui. Chỉ cần Dịu thích điều gì đó, Bằng sẽ tìm mọi cách để làm cho bằng được. Mùa bão, không có tiền để đổ trạc cả khu vườn, Bằng lụi cụi xếp từng viên gạch bi thành lối đi đẹp mắt, để nếu Dịu có ra vườn dựng lại giậu mồng tơi, thăm trái na mở mắt, bùn đất cũng không thể bám được vào đôi gót chân trắng hồng của cô. Khi Dịu hớn hở mang về đôi bồ câu non, Bằng dành cả ngày thứ bảy đi xin gỗ tạp, rồi đục đẽo cưa cắt để làm một chiếc chuồng nhỏ xinh đặt trên chạc ba của cây hồng trứng gà lúc lỉu. Rồi, khi nhìn đôi mắt lấp lánh niềm vui của Dịu, cái dằm gỗ đâm vào ngón cái (mà lúc cưa đục không may bị dính) không còn làm đau Bằng nữa.
Lần duy nhất, Bằng khiến Dịu ngạc nhiên đến thích thú là một sáng cuối xuân, cô thức dậy đã thấy vườn nhà mình nở bói vài bông hoa bách hợp. “Anh trồng lúc nào vậy?”. “Anh trồng lâu rồi, chẳng qua em không để ý đấy thôi”. Thì, đã bao giờ Dịu để ý đâu. Lọ tinh dầu bưởi cô hay xức lên tóc, chai nước bồ kết nấu sẵn để trong tủ lạnh... tất cả cô đều dùng, mà chưa bao giờ hỏi xem Bằng đã kỳ công ngồi chiết khi nào. Tay Dịu chạm vào cánh hoa trắng muốt. “Đẹp thật. Chồng em cũng có lúc lãng mạn quá. Giá anh biết đánh đàn hay biết hát thì em sẽ yêu biết mấy”. Câu nói của Dịu bỗng dưng chững lại trong ánh mắt cụp xuống của Bằng. Trong màu hoa trắng, nụ cười của cả hai đều gượng gạo.
Cưới nhau hai năm chưa có con, đi khám, bác sĩ bảo hai vợ chồng đều khỏe mạnh, chẳng qua là vì chưa hợp hơi nhau. Dịu cười buồn. Hôm sang nhà, thấy Bằng đang lom khom sắc thuốc cho vợ, Lam rủ rỉ: “Mày cũng một vừa hai phải thôi. Cứ để chồng lụi cụi suốt ngày chăm như chăm em bé, mà vợ thì hững hững hờ hờ”. Dịu cười thành tiếng: “Đang cần có người xót hộ ổng đây”. Lam lắc đầu: “Tao nói thật đấy. Mày số sướng mà không biết hưởng. Tao chỉ mong cưới được người bằng một nửa chồng mày thôi”. Dịu khẽ xoay xoay chiếc nhẫn cưới trên tay, lòng dâng lên nỗi xót xa kín đáo. Mấy năm rồi, chợ mỗi ngày một đông, tuổi mỗi ngày một nhiều, mà Lam không chịu lấy chồng, cũng chẳng nhận lời yêu ai…
Bốn năm kể từ ngày Dịu cưới, Tú được điều về làm phó chủ tịch ngay xã của vợ chồng Dịu. Người ta bảo, đây là bước dọn đường để Tú tiến lên nấc thang mới cao hơn. Ủy ban với trường học có mối liên hệ thường xuyên. Thành ra, Dịu gặp Tú nhiều hơn. Cũng chỉ là sự gặp gỡ đơn thuần. Nhưng, mỗi khi thấy vợ đứng rất lâu trước gương, tô thêm chút màu son lên môi trước khi đến lớp, miệng lẩm nhẩm ca khúc Phượng hồng, là Bằng quay đi giấu tiếng thở dài.
Một ngày, trong cuộc giao lưu, Dịu uống khá nhiều. Hôm ấy, Tú đem cả cô vợ sắp cưới đến giới thiệu. Khi Dịu lảo đảo về nhà, Bằng phải dìu cô. Mùi đồ ăn vương trên áo Bằng khiến Dịu nôn thốc tháo. Sáng ra, Bằng mới biết, bãi nôn trúng bụi bách hợp anh trồng để đón chờ mùa hoa đầu hạ. Những chiếc lá xanh vô tình vươn lên sắc lẻm, như vết kiếm chĩa thẳng vào tim Bằng.
Khi nhìn thấy lá đơn có chữ ký của Bằng đặt trên bàn, Dịu bất ngờ. Trong ý nghĩ của mình, Dịu chưa bao giờ nghĩ đến chuyện một ngày chồng sẽ chủ động ly hôn. “Em đã làm gì sai sao?” - đó là câu duy nhất Dịu hỏi chồng trước khi cô đặt bút ký. Bằng lắc đầu buồn bã: “Không. Em không có gì sai cả. Chỉ vì anh thấy cuộc hôn nhân này cô đơn quá. Anh cô đơn, nên lỗi là tại anh”.
Lá đơn Bằng để lại trên bàn. Căn nhà nhỏ hai vợ chồng ở anh cũng để lại cho Dịu. Anh gấp quần áo rồi dọn đi đâu, cô không biết. Cô vẫn nghĩ Bằng chỉ giận dỗi nhất thời thôi. Hai ba ngày nữa, anh sẽ trở về, theo cách thật bất ngờ như anh thường làm: Chờ một buổi cô đi dạy, lén về nhà, nấu bữa cơm ngon, nấp trong phòng, đợi cô về sẽ ú òa khiến cô giật mình, sau đó rối rít làm lành với cô. Bằng yêu cô đến thế, chỉ một vết xước nhỏ trên chân cô cũng khiến anh xót xa, thì làm sao anh có thể bỏ mặc cô được.
Một tuần, hai tuần, ba tuần… lá đơn vẫn nằm trên bàn, nhưng Bằng không trở lại. Và Dịu nhận ra, hình như mình bắt đầu nhớ. Nhìn những bông bách hợp chớm nở ngoài vườn, cô nhớ dáng Bằng cặm cụi vùi củ hoa vào lòng đất. Khi ngửi mùi canh cá thơm lừng bên bếp hàng xóm, cô tưởng Bằng đang đứng đó, trong căn bếp nhỏ, múc thìa canh đầu tiên đưa lên miệng hỏi cô mùi vị đã vừa chưa. Khi vết chai trên đôi bàn chân động cựa đau nhức, cô nhớ bàn tay Bằng vừa xoa bóp, vừa xuýt xoa: “Em đừng đi giày cao gót nữa, để mai anh lên siêu thị huyện mua cho đôi giày búp bê nhé…”. Từ ngày Bằng đi, thật kỳ lạ, ý nghĩ về Tú với cây đàn guitar dường như trở nên rất nhạt nhòa trong lòng Dịu. Cô chỉ thèm quay quắt mùi mồ hôi nồng nồng và nụ cười trắng lóa của chồng…
Hai tháng trôi qua, lá đơn Dịu đã cất vào ngăn tủ, không có ý định gửi tòa. Cô trở về nhà mẹ, thấy bà giáo Tài rưng rưng nước mắt. Người ta bảo, Bằng đã nghỉ việc để vào Nam. Gánh hàng xén của Lam, hai tháng nay cũng đã dọn khỏi chợ rồi. Dịu nghe lòng mình trống hoác. Ngoài kia, mùa hoa trắng đã sắp sửa tàn…
Bình luận (0)