Ngay cả với nhiều người miền Trung, nhất là ở Khu 4 cũ, có lẽ cũng ít có mấy người biết léc là loại cây gì, và vì sao lại có dòng status vậy.
Người viết xin mạo muội giải thích dông dài một chút: Léc là cây lách, trong cụm từ lau lách mà người ta hay dùng. Do tiếng Việt cổ thường hay nói trại ra nhiều từ nên lách đã thành léc. Ví dụ như mách mẹ (méc mạ), xách nước (xéc nác), có khách (có khéc), hôi nách (hôi néc)... Lách là một loại cây thân mềm, cao hơn cây lau (họ cỏ), thường mọc ở các vùng bán sơn địa, có nhiều đồi núi.
Rậm rạp, lách um tùm mọc thành từng khóm nối nhau bất tận. Nét đặc biệt của loại cây này là lá thon dài và rất sắc cạnh. Đi qua khóm lách, không cẩn thận sẽ bị lá cắt đứt nếu chạm mạnh vào. Có thể nói, ai đã từng lớn lên ở vùng đồi núi miền trung Trung bộ, ắt phải ít nhất có hơn một lần bị loại cây này cắt trúng. Nhưng điều đặc biệt hơn nữa, lách là một loại cây dự báo thời tiết rất chuẩn.
Khi nó trổ cờ, thường là trong năm ấy đã hết bão, nếu có thì cũng ở quẩn quanh đâu đó ngoài biển khơi, chứ hầu như không còn đổ bộ vào bờ. Vì vậy, lúc nhỏ tôi vẫn thường nghe mấy bậc lão niên trong làng hay nói theo giọng địa phương: “Bạo chi mà dữ tặc, léc không ra bông hết bạo cho rồi” (Bão gì mà dữ như giặc, lách không trổ bông hết bão cho rồi)…
Ước vọng của những nhà nông miền Trung một đời vật lộn với bão tố lũ lụt dường như đọng lại trong kinh nghiệm dân gian ngàn đời truyền lại như vậy. Cũng ví như kinh nghiệm kiến bò cột nhà đàn đàn lũ lũ, mối đùn tổ ngoài vườn là sắp có lụt lội. Nhưng, với bây giờ, đôi khi trời trong veo, các dấu hiệu thời tiết ấy không diễn ra mà lũ lụt vẫn ngút ngàn trời đất, là bởi một lý do khác. Khi có biết bao đập nước treo trên cao mà người ta có thể xả xuống bất cứ lúc nào mưa lớn ở thượng nguồn. Thành ra, có những lúc đồng bằng ít mưa nhưng lụt lại ào ạt đổ về nhấn chìm nhà cửa, ruộng vườn, bất kể đến những dấu hiệu dự báo thời tiết của thiên nhiên.
Lách cũng là một loại cây bền bỉ chống chọi với bất cứ ý định nào muốn tiêu diệt nó. Một khóm lách, nếu người ta không muốn tồn tại trong vườn rẫy nữa, dù có băm vằm thân, đốt trụi gốc thì lách vẫn cứ bật mầm vươn dậy, chỉ cần có chút sương đêm cho chúng ít nước. Vì lẽ đó, bao năm qua ở núi đồi biết bao nhiêu loài cây tuyệt diệt, lách vẫn bất chấp mà sống, và vô tư trổ cờ cho niềm hy vọng những cơn bão đã qua.
Khi viết những dòng này, tôi vẫn tự nhủ rằng mùa bão lũ của một năm Dậu cơ cực hãy qua đi, để đôi làn gió heo may cuối thu về. Rồi, nối tiếp miên viễn bốn mùa sẽ là đông đến với niềm mong mỏi sẽ bớt phần rét mướt, co ro.
Bình luận (0)