Chiều nay 24.6, tâm ATNĐ nằm trên vùng biển ven bờ các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng, mạnh cấp 6-7, sau đó di chuyển trên vùng biển ven bờ các tỉnh Thái Bình - Ninh Bình. Do ảnh hưởng của bão, đêm qua ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh. Từ sáng 24.6, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7. ATNĐ sẽ gây ra một đợt mưa trên diện rộng tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong các ngày từ 24 - 26.6. Ông Lê Thanh Hải - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư - cho biết chiều qua nhiều tỉnh, thành miền Bắc đã có mưa to và rất to. Nguyên nhân bắt nguồn từ một khối không khí lạnh cường độ nhỏ tràn về miền Bắc, giữa lúc nắng nóng ở khu vực này đang gia tăng.
Bản đồ dự báo đường đi của bão số 2 (Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư) |
Tại Quảng Ninh, ông Phạm Đình Hòa, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết hồi 20 giờ chiều qua mưa đã xuất hiện tại một số địa phương như Đông Triều, Uông Bí và Móng Cái, nhưng lượng mưa hầu như không đáng kể. Đến tối qua, tất cả các tàu thuyền, phương tiện thủy đang hoạt động trên vùng biển Quảng Ninh đã được gọi về để chủ động tìm nơi tránh bão. Các cơ sở nuôi trồng thủy hải sản, các nhà bè, nhà nổi trên biển cũng đã được yêu cầu thực hiện các biện pháp kiên cố lại lồng bè, giằng chống bão hoặc di dời tránh bão. Cầu Bãi Cháy – cây cầu đã từng bị chao đảo trong cơn bão số 1 năm 2010 cũng đã có phương án cấm xe máy lưu thông khi có gió giật từ cấp 6.
Chiều tối qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra mưa lớn, kèm giông gió mạnh đã khiến nhiều cây cối, bảng biển quảng cáo trên địa bàn TP Thanh Hóa và các huyện lân cận bị ngã đổ, gây ách tắc giao thông trên nhiều tuyến phố. Đặc biệt, trên tuyến Quốc lộ 47, đoạn chạy qua địa bàn huyện Đông Sơn, cây cối gãy đổ kéo theo nhiều dây điện bị đứt và hư hỏng, nằm ngổn ngang trên đường, khiến hàng trăm chuyến xe lưu thông trên tuyến đường ùn tắc kéo dài hàng giờ đồng hồ. Cơn mưa chiều 23.6 cũng đã khiến nhiều đoạn đường trên địa bàn TP Thanh Hóa bị ngập úng cục bộ.
Liên quan đến công tác phòng chống bão số 2 tại Thanh Hóa, đến chiều tối 23.6 đã có 7.731/8.568 phương tiện khai thác trên biển nhận được thông tin, vào nơi trú ẩn an toàn; các phương tiện với 5.619 lao động còn lại đều đã có thông tin liên lạc với gia đình và địa phương, đang trên đường vào đất liền tránh bão.
Cũng hôm qua, Trực ban Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái cho biết đã tìm thấy xác của một trong 4 nạn nhân bị nước lũ cuốn trôi tại thôn Sua Lông (xã Nậm Khắt, H.Mù Căng Chải). Trước đó, cơn mưa lớn kéo dài từ tối 22.6 đến sáng qua đã khiến nước sông trên địa bàn lên nhanh, cuốn trôi 4 người dân đang đánh bắt cá.
Địa chấn liên tiếp ở miền núi Quảng Nam Khoảng 18 giờ ngày 22.6, người dân ở xã Trà Giác (H.Bắc Trà My, Quảng Nam) đột nhiên nghe một tiếng nổ lớn phát ra từ khu vực núi Chóp Nón (thuộc thôn 2, xã Trà Giác). Sau đó mặt đất rung chuyển mạnh trong khoảng hơn 2 giây. Toàn bộ vật dụng trong nhà chao đảo. Theo ông Đinh Hồng Việt, Chủ tịch UBND xã Trà Giác, hiện tượng địa chấn xảy ra liên tục (khoảng trên 20 lần) trong vòng ba tháng lại đây, có ngày hai đến ba lần. Nhiều già làng cho biết: Chuyện lở núi, sụt đất thì thấy nhiều, nhưng đất rung chuyển, nhà cửa cây rừng cũng rùng rùng theo thì bây giờ mới thấy, ở nhà hay ở rẫy ở rừng cũng đều bị rung. Theo nhiều người dân, tại các vùng giáp ranh xã Trà Giác là Trà Giang, Trà Tân, Trà Bui, Trà Đốc (H.Bắc Trà My) và xã Trà Dơn (H.Nam Trà My) cũng liên tục xảy ra các cơn địa chấn tương tự. Ông Nguyễn Duy Khánh, Bí thư Đảng ủy xã Trà Tân, xác nhận việc chuyện mặt đất rung chuyển là hoàn toàn có thật; xảy ra bất cứ ban ngày hay ban đêm. Tại xã Trà Tân đã xảy ra rất nhiều lần và lặp lại liên tục, có tuần địa chấn xuất hiện đến ba lần. Một số nhà dân tại thôn 1 và thôn 2 đã bị nứt tường. Qua tìm hiểu, các khu vực xảy ra địa chấn đều nằm các khu vực xảy ra nạn phá rừng và khai thác khoáng sản trái phép. Theo nhiều người phỏng đoán, nguyên nhân có thể là do tình trạng phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép với nhiều hầm hố khoét sâu trong lòng đất cộng với sự thẩm thấu nước do tích nước lòng hồ thủy điện Sông Tranh II mới đây đã làm tác động thay đổi địa chất và gây ra các cơn địa chấn. Song đây chỉ là phỏng đoán và chưa có kiểm chứng khoa học. Hồ Trọng - Thùy Trang |
Q.Duẩn - N.Minh - M.Vọng - M.Lan
Bình luận (0)