Thừa Thiên - Huế
Tại Thừa Thiên – Huế, tin từ Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chiều 2.1 cho biết, mưa do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường những ngày qua đã gây ngập úng một số vùng. Mực nước trên sông Bồ tại trạm Phú Ốc dâng cao đến 1,9m (trên báo động I là 0,9m), đặc biệt tại khu vực H.Quảng Điền nước tràn qua tỉnh lộ 4, đê Diên Hồng gây ngập úng hơn 1.400 ha lúa đã gieo sạ vụ đông xuân 2009 của bà con nông dân tại các xã Quảng Thành, Quảng Thọ, Quảng An…
Ở vùng phía nam tỉnh, đặc biệt tại khu vực các xã Lộc An, Lộc Sơn, Lộc Bổn (H.Phú Lộc), hệ thống các trạm bơm tiêu đã phát huy tối đa nhưng khả năng trễ lịch thời vụ vẫn có thể xảy ra. Hiện các cơ quan chức năng đang khẩn trương kiểm tra việc tiêu úng của các cống tiêu trên đê, các cửa của đập Cửa Lác, Thảo Long; củng cố bờ bao, bờ vùng; vận hành các trạm bơm hoạt động tối đa để tiêu úng kịp thời… nhằm giúp bà con xuống giống kịp thời vụ.
Quảng Nam
Tại Quảng Nam, mưa lũ làm hơn 1.000 nhà dân các huyện: Núi Thành, Duy Xuyên ngập lụt trong lũ. Nặng nhất là xã Tam Sơn (Núi Thành), do nước lòng hồ Phú Ninh dâng cao gây ngập lụt và đe dọa hàng trăm hộ dân tại khu vực Đông Hòa, thôn Thuận Yên Đông từ chiều 30.12 đến trưa ngày 2.1. Rất may chính quyền huyện đã kịp di dời 150 người già, phụ nữ và trẻ em đến nơi an toàn.
Mưa lũ khiến 6.000 ha lúa đông xuân của bà con nông dân trong tỉnh bị cuốn trôi và ngập úng. 200 tấn giống ngâm ủ chuẩn bị cho sản xuất cũng bị hư hỏng, hàng trăm gia cầm bị chết, hơn 50.000m3 kênh mương, đê đập thủy lợi bị sạt lở, gần 500.000m3 ao nuôi trồng thủy sản bị lấp, gây thất thoát trên 200 tấn thủy sản.
Mưa lũ cũng làm 2 người chết, là ông Trần Quang Vũ (Trưởng thôn Đức Phú, xã Tam Sơn chết do bị nước cuốn trôi trong khi chèo thuyền đi kiểm tra tình hình chống lũ trong thôn) và anh Nông Đức Duyên (23 tuổi, quê Thái Nguyên đi qua đập Trà Tây, xã Tam Mỹ Đông, Núi Thành bị lũ cuốn trôi). Như vậy, trong đợt lũ bất thường này, Quảng Nam có 3 người chết và 1 người mất tích. Ngoài ra, trong sóng to gió lớn, biển động dữ dội, lực lượng biên phòng các đồn 276, 260, Hải đội 2 và tàu trục vớt cứu hộ của Công ty Đoàn Ánh Dương đã cứu hộ thành công 244 ngư dân Quảng Nam cùng 51 tàu thuyền đang đánh bắt trên biển bị sóng cuốn trôi dạt, đưa về đảo Cù Lao Chàm an toàn.
Ngay trong sáng qua, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã trực tiếp xuống các địa phương chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả. Trước mắt, mỗi người chết được hỗ trợ 3 triệu đồng để lo mai táng. Tỉnh chỉ đạo các địa phương khẩn trương tìm nguồn giống để giúp nông dân sạ lại vụ đông xuân. Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cho biết tỉnh đang làm văn bản báo cáo khẩn cấp tình hình thiệt hại vụ đông xuân trình Bộ NN-PTNT và Chính phủ để có hướng hỗ trợ giống lúa cho Quảng Nam.
Quảng Ngãi
Tại Quảng Ngãi, ngày 2.1 Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh cho biết tàu cá QNg 2753 TS của ông Ngô Thanh Phương (50 tuổi ở xã Nghĩa An, H.Tư Nghĩa) có 9 người đi hành nghề lưới chuồn bị chết máy trên vùng biển tỉnh Bình Định vào ngày 1.1.2009. Được tin báo, tàu cá BĐ 2230 TS của ông Nguyễn Xuân Thọ (ngư dân xã Tam Quan Bắc, H.Hoài Nhơn, Bình Định) đến cứu, nhưng do sóng lớn không thể cập mạn, nên chỉ có 2 trong tổng số 9 ngư dân có áo phao cứu sinh bơi được qua thuyền cứu nạn. Tàu cứu nạn tổ chức tìm kiếm cho đến chiều 2.1 nhưng vẫn chưa thấy 7 ngư dân còn lại.
Trước đó, ngày 31.12.2008, thuyền QNg 1128 TS của ngư dân xã Tịnh Hòa, H.Sơn Tịnh bị sóng đánh chìm cách bờ biển xã Đức Minh, H.Mộ Đức 500 mét. Chỉ có 4 ngư dân bơi được vào bờ, 2 ngư dân còn lại gồm anh Lê Văn Nghĩa (sinh năm 1982, ở Sơn Tịnh) và ông Lê Văn Tới (sinh năm 1960, ở xã Bình Đông, H.Bình Sơn) bị sóng cuốn trôi mất tích, vẫn chưa tìm được thi thể.
Bình Định, Phú Yên
Tại Bình Định, số liệu thống kê đến tối 2.1, mưa lũ đã làm 1 người chết là anh Nguyễn Văn Thanh (22 tuổi ở Xóm Tiêu, P.Quang Trung, TP Quy Nhơn), 1 tàu cá bị chìm. Mưa lũ còn làm 32 đoạn đê sông, đê biển dài hơn 3,2 km mới được hàn khẩu tạm bị vỡ và 29,481 km đê khác mới được tu bổ tiếp tục bị sạt lở nặng; hàng trăm đập bổi bị nước lũ phá vỡ và cuốn trôi; ngập úng 25.300 ha lúa, trong đó có gần 13.000 ha bị hư hỏng hoàn toàn phải gieo sạ lại. UBND tỉnh Bình Định cũng đã có văn bản đề nghị Chính phủ và các bộ ngành trung ương hỗ trợ cho tỉnh 27,8 tỉ đồng để khắc phục hậu quả lũ lụt và sản xuất đông xuân.
Trong khi đó, tại tỉnh Phú Yên, ngày 2.1 UBND tỉnh quyết định phân bổ và giao bổ sung 15 tỉ đồng để khắc phục hậu quả mưa bão vừa qua. Số tiền này nhằm hỗ trợ về dân sinh; khắc phục, sửa chữa hệ thống giao thông và các công trình thủy lợi; hỗ trợ giống thủy sản để khôi phục sản xuất.
Hồ Trọng – Bùi Ngọc Long – Thái Anh – Hoàng Thuyên – Nghệ Bình – Trình Kế
Bình luận (0)