Mưa lũ bão số 12 đang đe doạ, uy hiếp an toàn nhiều hồ đập ở khu vực các tỉnh Trung bộ và Tây Nguyên, chính quyền các địa phương cần lên kịch bản cho tình huống xấu nhất để chủ động di dân.
Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT trong cuộc họp đánh giá tình hình mưa lũ sau cơn bão số 12 diễn ra chiều nay 5.11, tại Hà Nội.
Thông tin tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, mưa lớn sau bão số 12 đang khiến mực nước trên các sông từ Quảng Bình đến bắc Bình Định và khu vực nam Tây Nguyên đang lên nhanh. Đặc biệt, các sông ở bắc Tây Nguyên đang dao động ở mức cao. Trong những ngày tới, các tỉnh từ Quảng Bình đến Khanh Hoà và khu vực Tây Nguyên có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp
Còn theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN - PTNT), diễn biến mưa lũ và ngập lụt ở các tỉnh Trung bộ đang phức tạp. Cụ thể, ở Thừa Thiên Huế lũ ở sông Hương trên báo động 3 là 1 m và có hơn 80% giao thông bị ngập, nhiều nơi ngập trên 0,5 m nướt. Còn tại huyện Phú Vang đến chiều nay 5.11 vẫn còn 200 hộ dân bị nước ngập vào nhà, giao thông ở nhiều tuyến đường tại huyện Phú Vang cũng bị lũ chia cắt. Tại Quảng Nam, khu vực huyện Điện Bàn đang có nhiều xã ngập sâu, thành phố Hội An cũng đang bị lũ làm ngập lụt và chia cắt. Cho đến ngày 5.11, khu vực nam Trung bộ đang có 14 hồ và Tây Nguyên đang có 17 hồ phải duy trì xả lũ.
Do ảnh hưởng của bão số 12, từ đêm 3.11.2017 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa lớn trên diện rộng kèm theo gió mạnh. Tiếp đó, thủy điện Sông Bung 4 và Sông Tranh 2 xả lũ khiến nước lũ lên nhanh gây ngập một số nơi vùng hạ du gây chia cắt nặng, phương tiện giao thông đi lại bị ách tắc.
Cũng theo thông tin từ Tổng cục Thủy lợi, các hồ chứa từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi đã đầy nước, riêng vùng nam Trung bộ các hồ chứa lớn đã đạt từ 80 -100% so với thiết kế, tỉnh Bình Thuận 100% hồ chứa lớn đầy nước. Đáng lưu ý, khu vực đông Nam bộ và Tây Nguyên các hồ chứa đã đầy nước có thể phải xả lũ cao hơn trong những ngày tới để đảm bảo an toàn. Đặc biệt ở tình Quảng Bình có rất nhiều hồ chứa lớn trên 100 triệu m3 nếu để xảy ra các sự cố thì rất nguy hiểm cho vùng hạ du.
Chỉ đạo cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Cường cảnh báo, mưa lũ đang đe doạ nghiêm trọng toàn bộ các công trình hồ đập, thuỷ điện lớn nhỏ trong trên tuyến từ nam Trung bộ và Tây Nguyên. Theo đó, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương phải triển khai mọi biện pháp ứng phó với mưa lũ, không để xảy ra các sự cố hồ đập. Nhưng bên cạnh đó, chính quyền các địa phương phải lên phương án, kịch bản cho tình huống xấu nhất để chủ động sơ tán người dân ở vùng hạ du.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sẽ lập 3 đoàn công tác và sẽ có mặt tại các tỉnh nam Trung bộ từ ngày 6.11 để chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ.
Bình luận (0)