Tại các huyện Quan Sơn, Mường Lát đã có 4 người chết (H.Mường Lát 2 người, H.Quan Sơn 2 người), 11 người đang mất tích (H.Quan Sơn 10 người, H.Mường Lát 1 người) và 5 người bị thương. Mưa lũ còn khiến 59 ngôi nhà bị cuốn trôi và đổ sập hoàn toàn; 65 ngôi nhà khác hư hỏng nặng; hơn 1.100 hộ dân phải di dời, sơ tán khẩn cấp khỏi các vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét ở các huyện trên.
Đến ngày 5.8, tuy trên địa bàn mưa đã giảm, nhưng nguy cơ sạt lở vẫn cao. Tại H.Mường Lát, đến ngày 5.8 vẫn có nhiều nơi bị cô lập, do tuyến QL15C có hơn 20 điểm bị sạt lở, giao thông bị ách tắc hoàn toàn.
Theo UBND H.Mường Lát, phải đến ngày 7.8 QL15C mới có thể thông tuyến. Tại H.Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), ngày 4.5, nước từ thượng nguồn đổ về sông Mã, sông Bưởi dâng cao gây ngập 307 nhà dân. Mưa lũ còn khiến các tuyến QL15C, QL217, QL16 sạt lở hơn 70 điểm và bị ngập 15 điểm. Các tuyến tỉnh lộ 521D, 519, 519B, 521B, 521C, 530, 520C, 523B sạt lở 16 điểm, bị ngập 13 điểm. Cũng do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn H.Viêng Xay (tỉnh Hủa Phăn, Lào), lũ đổ về theo suối Xia về H.Quan Sơn, Thanh Hóa, đã cuốn theo 7 người dân của huyện Viêng Xay. Lãnh đạo H.Viêng Xay đã đề nghị H.Quan Sơn giúp tìm kiếm các nạn nhân.
|
Ngày 5.8, UBND xã Thu Cúc (H.Tân Sơn, Phú Thọ) cho biết, trong ngày, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã tìm thấy thi thể anh Đinh Văn Học (33 tuổi, ở xã Quang Huy, H.Phù Yên, Sơn La), người đến xã Thu Cúc bắt cá và bị lũ cuốn trôi. Cùng ngày, một vụ lở đất tại tỉnh lộ 152, đoạn qua xã Hầu Thào (H.Sa Pa, Lào Cai) đã làm anh Giàng A Chỉnh (31 tuổi, ngụ xã Tả Van, H.Sa Pa) tử vong tại chỗ.
Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), đến 17 giờ ngày 5.8 đã có 10 người chết do ảnh hưởng bởi mưa lũ sau bão số 3; 11 người khác đang mất tích. Ngoài ra, mưa lũ do ảnh hưởng bão số 3 ở các tỉnh Bắc bộ và bắc Trung bộ đã làm sập 85 ngôi nhà; 96 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái và hơn 1.000 nhà dân bị ngập lụt và gây hư hỏng trên 471 ha lúa, hoa màu.
Tặng bằng khen cho thanh niên cứu người trong lũ
Chiều 5.8, anh Lê Văn Trung, Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa, đã đến nhà anh Phạm Bá Huy (26 tuổi, ngụ xã Sơn Điện, H.Quan Sơn, Thanh Hóa) để trao tặng bằng khen của Ban Chấp hành Tỉnh đoàn Thanh Hóa, vì hành động dũng cảm cứu người trong mưa lũ của anh Huy.
Trước đó, sáng 3.8, bản Sa Ná (xã Na Mèo, H.Quan Sơn) xảy ra lũ quét, 15 người dân và 20 ngôi nhà trong bản bị cuốn trôi. Một trong số những người bị lũ cuốn là ông Lương Văn Chon (52 tuổi) sau đó được phát hiện đang bám vào ngọn cây trên sông Luồng, cách bờ khoảng 60 m. Đến 15 giờ, anh Phạm Bá Huy có mặt ở hiện trường đã xung phong ra giải cứu ông Chon thành công, sau đó tự bơi vào bờ an toàn. Tại lễ trao bằng khen, lãnh đạo Tỉnh đoàn Thanh Hóa cho rằng, hành động dũng cảm của anh Phạm Bá Huy là tấm gương điển hình về người tốt, việc tốt đáng học tập và cho biết Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã đề nghị T.Ư Đoàn tặng Huy chương Tuổi trẻ dũng cảm cho anh Huy và đã được chấp nhận.
Đề nghị công nhận liệt sĩ đối với trưởng công an xã tử vong khi phòng chống mưa lũNgày 5.8, ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết Bộ LĐ-TB-XH đã đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa hoàn tất hồ sơ để Bộ trình Chính phủ xem xét công nhận liệt sĩ cho anh Thao Văn Súa (33 tuổi, ngụ tại bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn, Trưởng công an xã Nhi Sơn, H.Mường Lát, Thanh Hóa) bị lũ cuốn trôi. Trước đó, tối 3.8 anh Súa đi nắm tình hình mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 3 để tổ chức di dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Khi đến khu vực Trường tiểu học xã Nhi Sơn đúng lúc khu vực này xảy ra sạt lở. Đất đá từ trên núi đổ ập xuống đã vùi lấp anh Súa khiến cán bộ này tử vong.
T.Hằng
|
Bình luận (0)