Mua nhà 'bao pháp lý' trên đất nông nghiệp, nhiều hộ dân trắng tay

17/06/2022 20:04 GMT+7

Nhiều gia đình bỏ ra hàng trăm triệu đồng để mua nhà trên đất nông nghiệp theo hình thức 'chìa khóa trao tay, bao pháp lý' ở P.Thành Nhất, TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) lâm cảnh trắng tay, nợ nần khi bị giải tỏa.

Ngày 17.6, lực lượng chức năng P.Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) tiếp tục tổ chức cưỡng chế đối với 14 căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại hẻm 293, đường Nguyễn Thị Định, P.Thành Nhất.

Tại hiện trường, một lãnh đạo UBND P.Thành Nhất cho biết cơ bản người dân đều đồng thuận di dời tài sản, khắc phục hậu quả xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Do đó, lực lượng của phường đang tạo điều kiện hết sức để hỗ trợ bà con trong quá trình tháo dỡ, di dời tài sản.

Trắng tay vì mua nhà “bao pháp lý”

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, cả 14 căn nhà được xây dựng tại P.Thành Nhất đều được bà Lê Thị Loan (nguyên Chủ tịch UBND P.Thành Nhất, bị cách chức tháng 3.2022), ký xác nhận: “Nhà ở hợp pháp, ổn định, không thuộc diện tranh chấp, di dời giải tỏa” để làm hồ sơ cấp điện nước. Thậm chí, có 3/14 hộ đã được cấp sổ hộ khẩu.

Lực lượng chức năng đang cưỡng chế 14 căn nhà xây trên đất nông nghiệp tại hẻm 293

HOÀNG BÌNH

Ông Phan Văn Hải, một trong những hộ mua nhà trên đất nông nghiệp tại hẻm 293, cho biết khi người dân mua đất, mua nhà tại hẻm này đã được chủ đất hứa “bao pháp lý, bao điện nước” và được lo cho giấy xác nhận nhà ở hợp pháp nên yên tâm xuống tiền, làm hợp đồng mua căn nhà cấp 4 với giá 680 triệu đồng để có nơi trú ngụ.

Đến nay, khi mất nhà thì ông Hải cũng như những hộ dân tại hẻm 293 đều rất hối tiếc, không biết phải đi đâu về đâu. “Tôi là người đến sau cùng, chủ nhà hứa bao giấy tờ, có người trong hẻm còn đưa sổ hộ khẩu ra khoe nên yên tâm mua. Thời điểm đó thị trường cũng rôm rả việc rao bán nhà trên đất nông nghiệp nên chẳng ai ngờ có ngày hôm nay. Giờ chúng tôi hối tiếc vô cùng. Giá như chính quyền làm gắt từ đầu, ngăn chặn từ đầu thì chủ đất không xây được nhà, chúng tôi cũng không dám xuống tiền để mua, không trở thành nạn nhân, trắng tay như bây giờ”, ông Hải đắng lòng nói.

Người dân di dời tài sản để hạn chế thiệt hại khi bị cưỡng chế giải tỏa

HOÀNG BÌNH

Cũng theo ông Hải, ngoài việc có giấy xác nhận nhà ở hợp pháp, một số hộ dân trong hẻm 293, đường Nguyễn Thị Định còn được cấp sổ hộ khẩu.

Ông Trần Văn Tiến (52 tuổi) cho biết sau nhiều năm làm công nhân cầu đường, ông xin nghỉ hưu sớm vì sức khỏe yếu rồi gom góp được ít tiền, mua căn nhà với giá 630 triệu đồng vào cuối năm 2021 theo hình thức “chìa khóa trao tay, bao pháp lý” tại hẻm 293. Giờ nhà bị cưỡng chế, ông Tiến đang tìm cách thương lượng với chủ đất để hạn chế thiệt hại nhưng hai bên chưa tìm được tiếng nói chung.

Sau khi bị cưỡng chế, bà Khuyên đành dựng tạm căn chòi, tá túc bên rẫy cà phê

HOÀNG BÌNH

Bà Phạm Thị Khuyên, một trong 10 gia đình bị cưỡng chế đợt 1 vì xây dựng nhà trái phép tại hẻm 293, hiện phải dựng một chòi nhỏ sát rẫy cà phê, gần điểm bị cưỡng chế để tá túc vì chưa biết đi đâu về đâu.

Theo bà Khuyên, cuối năm 2021, gia đình bà bỏ ra hơn 500 triệu đồng để mua đất và xây nhà trên đất nông nghiệp tại hẻm 293. Hiện, nhà của bà đã bị cưỡng chế, không còn nơi ở khác nên đành dựng tạm căn chòi để che mưa che nắng.

“Không có trường hợp ngoại lệ”!

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hẻm 293 đường Nguyễn Thị Định có 24 căn nhà đã xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp giai đoạn từ năm 2020 - 2021. Tháng 5 vừa qua, UBND P.Thành Nhất đã tổ chức cưỡng chế đợt 1, tháo dỡ 10 căn nhà xây dựng trái phép. Đến nay, UBND P.Thành Nhất tiếp tục tổ chức cưỡng chế đợt 2, tháo dỡ 14 căn nhà còn lại.

Nhiều căn nhà tại hẻm 293 đã được tháo dỡ

hoàng bình

Ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP.Buôn Ma Thuột, cho biết hiện ông đã giao cho chủ tịch UBND các xã, phường rà soát, xử lý khắc phục vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng giai đoạn 2020 - 2021.

Trong đó, những nhà ở xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở giai đoạn nói trên phải tự nguyện tháo dỡ, nếu không sẽ phải cưỡng chế. “Việc xử lý xây dựng trái phép phải xong trước ngày 30.6.2022, không có trường hợp ngoại lệ, xin xỏ”, ông Hưng nói.

Nhiều hộ dân tại hẻm 293 được UBND P.Thành Nhất xác nhận có nhà ở hợp pháp để kéo điện, nước hồi năm 2021

hoàng bình

Một lãnh đạo khác của UBND TP.Buôn Ma Thuột cho biết, trước đây kết luận thanh tra của TP.Buôn Ma Thuột đã nêu rõ việc bà Loan, nguyên Chủ tịch UBND P.Thành Nhất, ký xác nhận nhà ở hợp pháp trên đất nông nghiệp cho các hộ dân là sai phạm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến bà Loan bị kỷ luật cách chức.

Trước đó, tháng 3.2022, UBND TP.Buôn Ma Thuột đã ra quyết định cách chức đối với bà Nguyễn Thị Loan (Chủ tịch) và ông Vũ Tiến Thành (Phó chủ tịch UBND P.Thành Nhất) vì buông lỏng quản lý đất đai, để xảy ra xây dựng trái phép nhiều công trình nhà ở trên đất nông nghiệp trên địa bàn phường này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.