Mùa nóng, nhiều người dễ bị rối loạn tiêu hóa

28/05/2015 06:38 GMT+7

(TNO) Theo bác sĩ Lương Võ Quang Đăng (Phòng khám IMS Phú Mỹ Hưng, TP.HCM), trong mùa nóng, nhiều người dễ mắc phải trường hợp ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa vì nhiệt độ tăng cao tạo điều kiện tốt cho các vi khuẩn sinh sôi nhanh hơn trong thức ăn.

(TNO) Theo bác sĩ Lương Võ Quang Đăng (Phòng khám IMS Phú Mỹ Hưng), trong mùa nóng, nhiều người dễ mắc phải trường hợp ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa vì nhiệt độ tăng cao tạo điều kiện tốt cho các vi khuẩn sinh sôi nhanh hơn trong thức ăn.

Phòng tránh ngộ độc thức ăn ở trẻ - ảnh 1Mùa nóng cần cảnh giác với bệnh rối loạn tiêu hóa ở trẻ - Ảnh: T.Tùng

Từ "sốc" thức ăn cho đến "sốc" nhiệt

Cũng theo bác sĩ (BS) Lương Võ Quang Đăng, triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp nhất là tiêu chảy, nôn mửa, đôi khi sốt cao, khi nặng có thể dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải và thậm chí có thể tử vong nếu nhiễm trùng tiêu hóa nặng. Tuy nhiên, nhiều người dễ mắc sai lầm khi không dám ăn hoặc uống vì sợ bị ói ra hoặc tiêu chảy nhiều hơn. Thực ra là cơ thể đang bị mất nhiều nước và chất điện giải (natri, kali) qua phân hoặc chất nôn. Việc uống nhiều nước hơn những ngày thường và tiếp tục những khẩu phần ăn vệ sinh, đủ dinh dưỡng sẽ giúp cơ thể chống chọi tốt và dễ dàng vượt qua bệnh.
Sau mỗi lần đi tiêu chảy, bạn nên uống lại khoảng 200-250 ml nước chín. Nếu bị nôn ói nhiều, hãy uống từng ngụm nhỏ, nhiều lần, cho đủ lượng nêu trên.
Mùa hè, cả gia đình thường xuyên có những chuyến đi dã ngoại, tắm biển, hoạt động thể thao ngoài trời. Đây cũng chính là nguy cơ tiềm ẩn khi luôn đi kèm với nguy cơ các bệnh lý liên quan đến ánh nắng mặt trời và nhiệt độ nóng. Nhiệt độ môi trường cao làm cơ thể tiết mồ hôi để giải nhiệt. Mất nhiều mồ hôi sẽ làm cho cơ thể mất nhiều nước và chất điện giải, nếu không được bồi hoàn đủ, cơ thể sẽ rơi vào tình trạng cảm nắng. Nếu không được xử lý kịp thời, các triệu chứng sẽ nặng dần và tình trạng cảm nắng sẽ chuyển thành thể nặng hơn là sốc nhiệt (Heatstroke) có thể dẫn đến tử vong. Để chăm sóc sức khỏe tốt nhất với bệnh lý này các thành viên trong gia đình cần bù đủ nước là quan trọng nhất. Bổ sung nước thường xuyên để đề phòng mất nước. Lý tưởng và dễ có nhất là nước lọc, nước chín mát hoặc lạnh cũng được. Các loại nước khoáng, nước trái cây, trà và cà phê cũng có thể chấp nhận được. Nếu có bất kỳ yếu tố nào liên quan đến bệnh lý, cần đưa nạn nhân vào nơi có bóng mát, chườm mát hoặc tắm với nước mát và đưa đến cơ sở y tế gần nhất. 
Cần chú ý đến da
Để da trần tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng nóng trong thời gian dài và lâu có thể gây các tổn thương da cấp tính, gọi là bỏng nắng và tiềm ẩn nguy cơ ung thư da sau này. Khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 16 giờ chiều chính là thời điểm “nguy hiểm” gây ra các tổn thương da này là tia tử ngoại (UV-A và UV-B).

Kem chống nắng có thể ngăn ngừa lão hóa daSử dụng kem chống nắng có độ SPF > 15, khoảng hơn 15 phút trước khi tiếp xúc ánh nắng - Ảnh: Shutterstock

BS Lương Võ Quang Đăng dành lời khuyên với các thành viên trong gia đình rằng: tránh sinh hoạt ngoài nắng khi trời nắng gắt trong khoảng giờ từ 10 giờ sáng đến 16 giờ chiều. Các thành viên cũng có thể sử dụng kem chống nắng có độ SPF > 15, khoảng hơn 15 phút trước khi tiếp xúc ánh nắng, và lặp lại mỗi 2 giờ. Tuy nhiên, khi sử dụng kem chống nắng người dùng cần lưu ý rằng: dù có SPF cao, vẫn không tốt bằng bóng râm hoặc quần áo. Nếu có triệu chứng bỏng nắng, làm mát da ngay với nước mát, tránh chà xát lên da và hãy đến ngay cơ sở y tế để được chăm sóc nếu da có bóng nước, mụn mủ trên da, hoặc đau rát da nhiều.

Theo TS.BS. Lê Thái Vân Thanh, Giảng viên Bộ môn Da liễu Đại học Y dược TP.HCM, để phòng ngừa các bệnh về da trong mùa nóng, chúng ta nên vệ sinh cơ thể sạch sẽ, mặc quần áo thoáng mát, chọn loại vải mỏng nhẹ mát, thấm hút mồ hôi, tránh dùng quần áo quá dày, có chất len dạ, ni lông làm cho da dễ bị ngứa... Nếu xuất hiện bất kỳ tổn thương da khả nghi nào thì nên đến cơ sở chuyên khoa để khám và đìêu trị đúng cách.

Mặc quần áo thoáng mát cho trẻ 
Theo ThS. BS. Phạm Đình Nguyên (Bệnh viện Nhi Đồng 1), trong mùa nóng, để hạn chế ảnh hưởng của nhiệt độ bên ngoài lên cơ thể nên cho bé mặc áo quần thoáng mát dễ thoát mồ hôi. Đặc biệt cần cung cấp đủ nước cho trẻ bằng cách cho uống nhiều nước lọc hoặc nước trái cây nguyên chất, tránh sử dụng nước ngọt hoặc nước có ga. Điều hòa nhiệt độ có thể điều chỉnh ở mức 25-27C và tuyệt đối không để trẻ ở một mình trong xe hơi dưới trời nắng nóng. Nếu đưa trẻ ra ngoài hoặc cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời hãy thoa kem chống nằng cho trẻ để hạn chế tác động xấu của tia cực tím lên da.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.