Múa phồn thực, nét văn hóa độc đáo của người Chăm

Nguyễn Lương Hiệu
(thực hiện)
28/05/2023 07:22 GMT+7

Tỉnh Ninh Thuận là nơi có số lượng người Chăm sinh sống đông nhất cả nước. Hiện nay, các lễ hội liên quan đến biển của người Chăm đã mai một, chỉ còn làng Bỉnh Nghĩa (thuộc xã Bắc Sơn, H.Thuận Bắc) còn bảo tồn nhưng quy mô tổ chức nhỏ, chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh trong cộng đồng của một làng.

Lễ hội Paralao Kasah là một lễ hội đặc biệt trong chuỗi lễ hội đầu năm (tháng giêng hằng năm của Chăm lịch là vào khoảng tháng 4 dương lịch) kéo dài cả tháng của làng Bỉnh Nghĩa nhằm mục đích tống khứ những điều xấu xa, không may mắn, bệnh tật trong năm cũ ra đi; và cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.

Múa phồn thực, nét văn hóa độc đáo của người Chăm - Ảnh 1.

Toàn cảnh lễ cúng, múa phồn thực ở làng Bỉnh Nghĩa (xã Bắc Sơn, H.Thuận Bắc, Ninh Thuận)

N.L.H

Quy trình của lễ hội có bốn phần: Nghi lễ cúng tại Cửa Ngâm; Nghi lễ dâng lễ vật chay do chức sắc Mâduen, Ka-ing, Camânei thực hiện; Nghi lễ dâng lễ vật mặn do chức sắc Pajau và Kadhar thực hiện; Nghi lễ hát đối đáp và múa phồn thực do các chức sắc và nghệ nhân dân gian thực hiện, cũng là nghi lễ thiết thực nhất đối với người dân làng Bỉnh Nghĩa.

Ngôi miếu nhỏ nằm giữa cánh đồng nắng hạn gần biển vào ngày 10.5 xôn xao hẳn lên. Từ 10 - 14 giờ cùng ngày, hơn 670 hộ với trên 3.000 nhân khẩu của làng Bỉnh Nghĩa lần lượt tề tựu về, đặt và dâng lễ vật gà, xôi, chè, các loại trái cây để cúng, hành lễ.

Múa phồn thực, nét văn hóa độc đáo của người Chăm - Ảnh 2.

Cô gái Chăm chuẩn bị trước lễ cúng, múa phồn thực

N.L.H

Bắt đầu từ 14 giờ, trong miếu, chức sắc Kadhar hát ca ngợi về tiểu sử và công đức của các thần linh. Chức sắc Mâduen hát lễ, hướng dẫn chức sắc Camânei và ông Ka-ing múa dâng lễ cho thần linh. Ngoài miếu, theo lời bài hát, người dân sẽ châm trà, rượu và vái lạy. Đồng thời, lúc đó có một số người "nhập đồng" nhảy múa theo lời bài hát.

Kết thúc lễ là điệu múa phồn thực diễn ra trước miếu đã sắp sẵn hai hàng phụ nữ (là những người cầu xin con, cháu). Người múa là chức sắc nam giới cởi trần, cầm trên tay khúc gỗ được đẽo như hình tượng sinh thực khí của nam giới (Linga). Khúc gỗ được bọc cẩn thận trong chiếc khăn, người nam nhảy múa đi dọc giữa hai hàng phụ nữ. Lúc bấy giờ, những người phụ nữ hớn hở chạy theo chạm vào người nam, nhất là chạm vào Linga. "Chạm nhiều chừng nào thì sự mầu nhiệm cầu xin con, cháu hiệu nghiệm chừng đó", một chức sắc Mâduen cho biết.

Múa phồn thực, nét văn hóa độc đáo của người Chăm - Ảnh 3.

Chuẩn bị lễ vật dâng lên các vị thần linh

N.L.H

Chuỗi lễ hội đầu năm mới của người Chăm tại làng Bỉnh Nghĩa giúp gắn kết cộng đồng thêm bền chặt, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Chuỗi lễ hội này đã được Bộ VH-TT-DL đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định 606/QĐ-BVHTTDL ngày 3.2.2021. 

Múa phồn thực, nét văn hóa độc đáo của người Chăm - Ảnh 4.

Các chức sắc tiến hành nghi lễ cúng

N.L.H

Múa phồn thực, nét văn hóa độc đáo của người Chăm - Ảnh 5.

Một số người tiến hành nghi thức cầu xin tại buổi lễ

N.L.H

Múa phồn thực, nét văn hóa độc đáo của người Chăm - Ảnh 6.

Người dân kính cẩn dâng lễ vật

N.L.H

Múa phồn thực, nét văn hóa độc đáo của người Chăm - Ảnh 7.

Chức sắc chỉnh sửa các vị thần, chuẩn bị cho buổi lễ

N.L.H

Múa phồn thực, nét văn hóa độc đáo của người Chăm - Ảnh 8.

Một số người “nhập đồng” nhảy múa theo lời bài hát

N.L.H

Múa phồn thực, nét văn hóa độc đáo của người Chăm - Ảnh 9.

Các phụ nữ Chăm chạm vào người chức sắc mang Linga đang nhảy múa để cầu xin con, cháu

N.L.H

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.