Khó là bởi, người đi chợ như lạc vào mê cung của các khái niệm về rau: nào rau sạch, rau an toàn, và rau... trôi nổi.
Lại nữa, dù được gắn mác “rau sạch” nhưng chưa chắc rau ấy đã “sạch”. Không một cơ quan nào có thể đưa ra những cam kết chắc chắn về độ “an toàn”, độ “sạch” của rau để người tiêu dùng không lợn cợn trong việc chọn lựa khi mua rau, dù cơ quan đó được nhà nước giao cho công việc “kiểm tra an toàn thực phẩm”.
Có người bạn chuyên trồng rau cung cấp cho thành phố, mỗi khi mời bạn bè về nhà dùng cơm, bao giờ gia chủ cũng tự mình đi ra vườn cắt rau. Hỏi sao không sai con làm việc đó thì được ông trả lời: “Chỉ tôi mới biết rau chỗ nào an toàn, rau chỗ nào phun thuốc trừ sâu!”. Ông bạn trần tình rằng những người trồng rau bây giờ không có sự chọn lựa nào khác nếu anh phải sống với nghề rau.
Các nhà cung cấp rau thừa biết sự nguy hiểm khi mang rau “không an toàn” ra bán ngoài chợ, thậm chí cho vào siêu thị được gắn đủ các loại nhãn mác, song đó gần như cách duy nhất để họ tồn tại. Bằng chứng là, bắt đầu từ năm 2008, Bộ NN-PTNT triển khai thí điểm mô hình “trồng rau an toàn” cho hầu hết các tỉnh. Tỉnh nào cũng trích kinh phí “nghiên cứu khoa học” ra giao cho ngành nông nghiệp trồng thí điểm.
Thế nhưng, cái gọi là “rau an toàn” ấy, bày đến úng thối tại các điểm bán rau, vẫn không có ai đoái hoài. Vì sao? Thứ nhất là loại rau này bán đắt hơn rau bình thường ngoài chợ đến 30%. Thứ hai là rau không... tươi non mơn mởn. Thứ ba là độ “an toàn” của rau cũng chỉ là trên lý thuyết, nghĩa là nhà sản xuất không có gì làm bằng chứng về độ “sạch” của rau ngoài một cam kết nặng tính giấy tờ hơn là thực tế.
Sau khi trồng rau sạch thí điểm, các nhà “khoa học” bàn giao quy trình trồng rau cho nông dân nhưng có đến 99% người trồng rau sạch không bán được với giá tăng 30% nên buộc họ phải bán đại trà như các loại rau khác nhưng rẻ hơn vì rau xấu xí. Thế là thua lỗ, buộc phải quay lại kiểu trồng rau “vừa lòng người mua” như lâu nay.
Phát biểu trong một hội nghị về rau sạch mới đây, một nhà sản xuất rau sạch tại Đà Lạt là người Nhật, có nói đại ý, sở dĩ thị trường VN tràn ngập rau không an toàn là do người tiêu dùng tạo nên. Không thể có loại rau nào mà “mơn mởn bốn mùa” dù là rau ấy được trồng theo một quy trình nghiêm ngặt. Vì thị trường thích rau “mơn mởn” nên người trồng rau buộc phải sử dụng các loại phân và thuốc kích thích để đáp ứng.
Thịt đã có máy đo để phát hiện chất cấm và phạt người bán, tại sao rau lại không áp dụng cách này để những bà nội trợ khỏi phải băn khoăn vào mỗi sáng xách giỏ ra chợ?
Bình luận (0)