Theo NSƯT Nguyễn Đức Thế - Trưởng đoàn Nghệ thuật múa rối TP.HCM, kịch bản đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo nên những vở rối sinh động, vui nhộn, lôi cuốn khán giả thiếu nhi. Trước năm 2000, đoàn chỉ sử dụng kịch bản "cây nhà lá vườn" của các tác giả trong đoàn và một vài tác giả phía Bắc. Nhưng từ năm 2000, đoàn đã chuyển hướng tìm kiếm đến những nguồn kịch bản của tác giả bên ngoài. Ông Thế giải thích: "Kịch bản do anh em trong nghề viết thường tinh xảo, dễ dàn dựng nhưng ý tưởng lại cũ, rập khuôn. Ngược lại, kịch bản của các tác giả bên ngoài có ý tưởng mới lạ, văn phong mượt mà, cấu trúc tốt hơn. Hai nguồn kịch bản này sẽ bổ sung qua lại cho nhau".
Từ năm 2000, Đoàn nghệ thuật múa rối TP.HCM bắt đầu phát động cuộc thi sáng tác kịch bản múa rối. Nhưng cuộc thi được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần này khó nói là đã mang về kết quả như mong đợi. Trong số 100 - 150 kịch bản dự thi gửi về mỗi năm thì hết 2/3 là kịch bản văn học, nhưng vẫn thích hợp với kịch, điện ảnh hơn là sân khấu rối...
Không chấp nhận sự "ì ạch" này, từ năm nay 2006, đoàn quyết định "làm mới" cuộc thi. Trước tiên, Ban tổ chức cung cấp tài liệu hướng dẫn để giúp các tác giả hiểu rõ hơn về ngôn ngữ rối. Thời gian cuộc thi lần này cũng kéo dài hơn (12 tháng), một điều kiện để các tác giả có thể đầu tư, chăm chút cho kịch bản của mình một cách tốt nhất. Đáng chú ý nữa là giá trị các giải thưởng cũng được nâng rất cao (giải nhất 20 triệu đồng, 2 giải nhì mỗi giải 15 triệu đồng...). Giá trị giải thưởng như vậy hẳn là động lực rất lớn cho các tác giả khi đặt bút, cũng như điều đó cho thấy đoàn đã không ngần ngại rót tiền để tạo sức hút cho cuộc thi nhằm thu về nhiều kịch bản có chất lượng.
Hy vọng những nỗ lực giữ chân khán giả trên đây của Đoàn nghệ thuật múa rối TP.HCM sẽ mang lại những tín hiệu tốt, góp phần khôi phục sức sống cho sân khấu rối TP.HCM, một loại hình nghệ thuật giàu truyền thống.
Thảo Nhân
Bình luận (0)