TNO

Mua sắm ở Mỹ, giữ kỹ hóa đơn để... trả lại

25/05/2014 12:39 GMT+7

(iHay) Điều thú vị nhất là thứ gì cũng có thể trả lại, kể cả mì gói, bánh kẹo, đồ hộp...

(iHay) Lạc vào những "chợ" (super market) hay "mo" (mall : tức trung tâm thương mại) ở bang Massachusetts hay bang New York (Mỹ) mới thấy nơi đây đúng là "thiên đường" cho những tín đồ say mê shopping!

>> Đi giặt sấy thuê ở Mỹ  

Vài điều thú vị khi mua sắm ở 'thiên đường': Bài 1 : Không thích … là có thể trả lại ! 1
Một góc "chợ" Việt Nam tại Mỹ

Cứ mua, hối hận thì… đem trả !

Điều thú vị nhất khi mua sắm ở Mỹ là thứ gì cũng có thể trả lại được nếu... không thích, kể cả mì gói, bánh kẹo đóng hộp (trừ thực phẩm tươi sống như rau, cá, thịt). Cho dù mua hàng trực tiếp (tại cửa tiệm) hay mua hàng qua mạng cũng đều có thể trả lại, với điều kiện người mua còn giữ hóa đơn.

Vì thế, một thói quen của người dân tại đây là họ luôn giữ lại hóa đơn, phòng khi mang trả lại hàng. Ở bất kỳ "chợ" nào của Mỹ cũng có quầy nhận trả lại hàng hóa được mở ngay từ chỗ bước vào. Thông thường, trả lại hàng hóa ở "chợ" bạn sẽ nhận lại phiếu mua hàng; còn trả lại hàng đã mua sắm trên mạng, bạn sẽ nhận lại tiền (qua thẻ ngân hàng). 

Trong các hóa đơn tính tiền của Mỹ luôn có dòng ghi chú: có thể hoàn trả hàng trong vòng bao nhiêu ngày. Tùy quy định của từng nhãn hàng, từng "chợ", thời gian hoàn trả hàng có thể kéo dài trong vòng 30 - 180 ngày. Riêng siêu thị bán sỉ Costco có thời gian hoàn trả hàng "vô hạn" đối với mọi thành viên, trừ khi mua hàng điện tử và công nghệ số thì chỉ được hoàn trả trong vòng 90 ngày.

Tuy nhiên, khách hàng không nên "lạm dụng" chính sách này, bởi một khách hàng hay hoàn trả hàng có thể bị Costco "ghi" vào sổ đen và loại bỏ khỏi danh sách thành viên.

Vài điều thú vị khi mua sắm ở 'thiên đường': Bài 1 : Không thích … là có thể trả lại ! 3
Khu vực nhận lại hàng đổi trả ở Costco  

Chính sách hoàn trả hàng hay đổi hàng còn áp dụng cả với hàng khuyến mãi. Một lần, tôi mua quần legging giảm giá 50% trong Macy’s - một nhãn hiệu chuyên bán hàng thời trang và đồ dùng gia đình - và vì không thử được  (do mỗi cái quần đều được bao gói) đã lấy nhầm size. Khi trả tiền xong đem về nhà mở ra mặc thử mới hỡi ôi quá rộng. Ít ngày sau, quay trở lại nơi đó, tôi tìm thấy cái khác có size nhỏ hơn và tự hỏi không biết có đổi được không. Khi tôi đem cả hai cái quần ra quầy và nói với người tính tiền - một cách cầu may - bà ta chỉ hỏi: "Hóa đơn mua cái quần kỳ trước đâu?". Sau khi xem hóa đơn, bà vui vẻ bỏ cái quần mới vào túi khác cho tôi và thu lại cái quần cũ mà không quan tâm đến việc cái bao gói đã bị tôi xé ra.

Đến một cái "mo" khác,  tôi mua hai đôi vớ len dài giảm giá và nghĩ là đã rẻ, nhưng khi đem về bị người bạn - là dân địa phương - chê đắt. Chị bảo tôi đem trả đi vì có thể mua loại tương tự với giá rẻ hơn, tôi ngần ngại mãi vì đã mua hàng giảm giá. Nhưng khi thử đem trả, người bán vẫn vui vẻ nhận lại hàng, chỉ bảo tôi đưa lại hóa đơn và ký nhận trên đó là xong.

 Vài điều thú vị khi mua sắm ở 'thiên đường': Bài 1 : Không thích … là có thể trả lại ! 4
Quầy thực phẩm ở Mỹ rất sạch sẽ và không có mùi

Máy kiểm tra giá và máy tự tính tiền

Lần đầu tiên tới Costco - một siêu thị bán sỉ ở Mỹ chỉ dành cho khách có thẻ thành viên mua sắm -  tôi rất ấn tượng khi thấy có những quầy tự tính tiền (self check-out). Tôi thấy khách hàng cầm từng món hàng của mình soi qua máy tính tiền và sau đó cầm thẻ tự quẹt vào máy. Máy nhả ra hóa đơn thì họ cầm theo và đưa cho người bảo vệ xem trước khi đẩy hàng ra khỏi cửa.

 Vài điều thú vị khi mua sắm ở 'thiên đường': Bài 1 : Không thích … là có thể trả lại ! 5
Quầy tự tính tiền ở siêu thị

Lần khác đến siêu thị Walmart, chị bạn đi cùng đã đem hàng ra tự tính tiền cho tôi xem. Máy tự tính tiền ở đây không chỉ nhận thẻ ngân hàng mà còn nhận cả tiền mặt: có khe để khách đưa từng tờ tiền vào trả, và có khe để nhả lại tiền thừa cho khách, ngay cả đồng xu.

Không chỉ Costco, Walmart, mà hầu như bất kỳ siêu thị lớn nào của Mỹ cũng có những máy self check-out để khách hàng khỏi mất công xếp hàng chờ đợi.

Máy kiểm tra giá dành cho khách hàng cũng là một khác biệt ở đây. Mỗi "chợ" hoặc "mo" đều có chỗ đặt máy kiểm tra giá. Chỉ cần đưa mã vạch của món hàng soi dưới cái máy và bấm xem giá, khách hàng sẽ thấy giá món hàng hiện lên trên bảng điện tử.

Cái máy kiểm tra giá này rất hữu ích đối với người tính toán chậm, nhất là khi nhìn món nào cũng giảm giá tưng bừng hai ba lượt, họ sẽ không tính nổi giá còn lại của nó là bao nhiêu.

Thói quen kiểm tra giá bằng máy đã trở nên bình thường ở đây và ngay cả trẻ em dưới 10 tuổi cũng biết sử dụng cái máy này!

Vài điều thú vị khi mua sắm ở 'thiên đường': Bài 1 : Không thích … là có thể trả lại ! 6
Nước mắm tên Việt nhưng sản xuất tại... Thái Lan

Vài điều thú vị khi mua sắm ở 'thiên đường': Bài 1 : Không thích … là có thể trả lại ! 10
Tự cân và tự tính tiền

Vài điều thú vị khi mua sắm ở 'thiên đường': Bài 1 : Không thích … là có thể trả lại ! 11
Em bé cũng biết tự kiểm tra giá trước khi thanh toán

Bài, ảnh: Ben Khôi

>> Kỹ năng giao tiếp thu hút qua điện thoại
>> Kỹ năng thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn
>> Bất ngờ với kỹ năng son phấn của Trấn Thành
>> Kỹ năng đối phó cướp giật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.